Nữ tướng vàng bạc Cao Thị Ngọc Dung và điểm lạ trong kế hoạch "khủng"

Lê Thúy Thứ sáu, ngày 05/04/2019 08:45 AM (GMT+7)
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, năm 2019, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung đặt mục lợi nhuận sau thuế 1.182 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là năm đầu tiên PNJ gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp đạt lợi nhuận ngàn tỷ trên sàn chứng khoán. Trong năm 2018, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của PNJ bất ngờ âm trên 300 tỷ đồng và nợ phải trả chiếm tỷ lệ 72% vốn chủ sở hữu.
Bình luận 0

CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ năm 2019 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Năm 2019, mục tiêu ra nhập câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ

Theo đó, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung lên kế hoạch doanh thu thuần cho năm 2019 đạt 18.207 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với 2018. Trong đó, doanh thu mảng trang sức bán lẻ là 10.225 tỷ đồng, tăng 29%.

Đáng chú ý, doanh nghiệp này tham vọng sẽ lãi ròng 1.182 tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là năm đầu tiên PNJ gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp đạt lợi nhuận ngàn tỷ trên sàn chứng khoán.

Đặt mục tiêu tăng trưởng về lợi nhuận song tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2019 dự kiến của PNJ lại ở mức 18%, giảm 2% so với con số 20% của năm 2018.

img 

Điểm lạ trong tài liệu ĐHCĐ lần này do doanh nghiệp của nữ tướng ngành vàng Cao Thị Ngọc Dung công bố đến từ kế hoạch chia thưởng cho nhân viên.

Cụ thể, nếu đạt kế hoạch đề ra, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung sẽ thưởng cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt công ty 1,5%/Lợi nhuận sau thuế, phát hành cổ phiếu ESOP với số lượng 1%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành (2,23 triệu cổ phiếu) với mức giá 20.000 đồng/cp.

Trong trường hợp vượt kế hoạch lợi nhuận, cứ vượt 1%/kế hoạch lợi nhuận sau thuế thì được phát hành ESOP 0,03%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành và không vượt quá 0,5%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành để thưởng thêm cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt.

Tổng cộng phát hành ESOP nếu đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế không vượt quá 1,5%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá 20.000 đồng/cp, hạn chế chuyển nhượng trong vòng 36 tháng từ ngày phát hành.

Liên tục phát hành cổ phiếu thưởng và ESOP để tăng vốn lên 2.524 tỷ đồng

Cũng theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2019 của PNJ, doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung sẽ trình cổ đông 2 phương án tăng vốn trong năm 2019.

Theo đó, phương án đầu tiên được PNJ đề cập là phương án phát hành tăng vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế.  Với phương án này, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung dự kiến phát hành hơn 55,66 triệu cp phổ thông với tỷ lệ 3:1 (cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới)

Tổng giá trị cổ phiếu phát hành theo mệnh giá xấp xỉ 557 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành sẽ tằng từ 1.670 tỷ đồng lên gần 2.227 tỷ đồng.

img 

Phương án thứ 2 là phương án phát hành cổ phiếu cho lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung, công ty con năm 2019. Trong phương án này, PNJ dự kiến phát hành hơn 2,22 triệu cp ESOP với giá 20.000 đồng/cp.

Riêng trường hợp của ông Robert Alan Willett, Thành viên HĐQT độc lập từ tháng 4.2018. Theo PNJ, trong đợt phát hành ESOP 2018 vừa qua, ông Robert Alan Willett không có tên trong danh sách CBNV được mua cổ phần do chưa đủ điều kiện về thâm niên công tác.

Dù vậy, HĐQT PNJ xét rằng, vị này đã có nhiều đóng góp cho chiến lược phát triển cũng như hoạt động vận hành của PNJ thời gian qua, cũng như mong muốn được gắn bó lâu dài với PNJ. Trên cơ sở đó, PNJ sẽ phát hành 400,000 cp cho ông Robert với giá chiết khấu 25% so với giá đóng cửa bình quân 10 phiên giao dịch liên tiếp. Cổ phiếu này cũng bị hạn chế chuyển nhượng 12 tháng.

Như vậy, tổng số lượng dự kiến phát hành ESOP 2018 là hơn 2,62 triệu cp, vốn điều lệ của PNJ sẽ được tăng lên gần 2.523 tỷ đồng.

Năm 2018, dòng tiền âm hơn 300 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm tỷ lệ 72% vốn chủ sở hữu

Sau khi trở lại mốc “doanh thu vạn tỷ” vào năm 2017, “đế chế trang sức” PNJ tiếp tục trải qua năm 2018 với mức tăng trưởng ổn định về doanh thu và lợi nhuận.

img 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của doanh nghiệp, băm 2018, tổng doanh thu của PNJ tăng 33% so năm trước, trong đó trang sức bán lẻ vàng tăng 41%. Đây là năm thứ hai liên tiếp PNJ đạt “doanh thu vạn tỷ”.

Dưới sự điều hành của bà Cao Thị Ngọc Dung trên cương vị Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, PNJ từng cán mốc doanh thu 10.000 tỷ vào năm 2009, rồi tăng lên gần 14.000 tỷ vào năm 2010 và cán mốc 18.000 tỷ vào năm 2011.

Sau biến cố liên quan đến Ngân hàng Đông Á (DongABank) – nơi chồng bà Cao Thị Ngọc Dung là ông Trần Phương Bình giữ Tổng giám đốc, PNJ đã trải qua quãng thời gian đi xuống trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2015 với mức doanh thu 7.741 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2018, khoản đầu tư vào DongABank của PNJ là 395 tỷ đồng. Hiện DongABank vẫn đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và cổ phiếu này cũng không được phép chuyển nhượng nên PNJ đã trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản đầu tư này.

img 

Vợ chồng ông Trần Phương Bình và bà Cao Thị Ngọc Dung. (Ảnh: I.T)

Lợi nhuận sau thuế vượt 9% kế hoạch và tăng 32%, mang về gần 960 tỷ đồng cho công ty của nữ tướng vàng bạc Cao Thị Ngọc Dung.

Một điểm đáng lưu tâm là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của PNJ bất ngờ âm trên 300 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả vừa nêu là việc gia tăng hàng tồn kho trên 40%, từ 3.402 tỷ đồng vào thời điểm đầu năm 2018 lên gần 4.968 tỷ đồng vào thời điểm 31.12.2018.

Ngoài ra, báo cáo tài chính sau kiểm toán của PNJ cũng cho thấy, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng trên 1.000 tỷ so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ lệ 42% tổng tài sản doanh nghiệp. So với vốn chủ sở hữu, nợ phải trả chiếm tỷ lệ 72%. Vào thời điểm kết thúc năm 2018, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn của Công ty là 1.558 tỷ đồng, tăng 84% so với thời điểm đầu năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem