dd/mm/yyyy

Nước mắm sạch Hương Ðồng, thơm ngọt thứ gia vị quê nhà

Sau 5 năm khởi nghiệp bằng nghề ít ai chọn - làm nước mắm đồng, anh Trần Ngọc Vương (44 tuổi), ngụ ấp Cây Huệ, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đã góp phần gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của gia đình. Thương hiệu nước mắm đồng Hương Đồng đang dần khẳng định vị trí trên thị trường.

Sau 5 năm khởi nghiệp bằng nghề ít ai chọn - làm nước mắm đồng, anh Trần Ngọc Vương (44 tuổi), ngụ ấp Cây Huệ, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đã góp phần gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của gia đình. Thương hiệu nước mắm đồng Hương Đồng đang dần khẳng định vị trí trên thị trường nhờ chất lượng ổn định cùng độ thơm ngon riêng có của thứ gia vị quê nhà.

Nước mắm sạch Hương Ðồng, thơm ngọt thứ gia vị quê nhà - Ảnh 1.

Anh Trần Ngọc Vương, ngụ ấp Cây Huệ, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng đã góp phần gìn giữ và phát triển nghề làm nước mắm đồng truyền thống của gia đình.

Tham quan khu vực sản xuất nước mắm đồng của gia đình anh Vương, từ ngoài ngõ chúng tôi đã ngửi được mùi thơm dân dã của nước mắm đồng. Có lẽ không dễ tìm ra thứ đặc sản nào như nước mắm đồng, khi mới ủ ít ai chịu lại gần nhưng đến khi thành phẩm lại thơm nức lạ thường. Nơi sản xuất sạch sẽ, các lu, thùng ủ cá được kê cao ráo, thẳng tắp thật đẹp mắt. 

Nói về quy trình làm nước mắm đồng, anh Vương cho biết, cá thu mua về sẽ được rửa sạch rồi cho vào lu ủ. Cứ một lớp cá rải lên một lớp muối cho đến khi đầy lu. Bình quân, mỗi lu ủ khoảng 30kg cá, sau 18 tháng sẽ cho ra 15 lít nước mắm. Anh Vương cho biết, anh thừa hưởng nghề làm nước mắm đồng từ cha anh, người đã gắn bó với nghề hơn 30 năm.

Ðồng đất xã Hòa An mọi năm cứ vào mùa nước nổi lại cho lượng cá đồng khá lớn. Ðây chính là nguồn nguyên liệu tươi ngon giúp anh Vương thuận lợi trong phát triển nghề làm nước mắm đồng nhĩ. Bình quân, mỗi mùa nước nổi, anh Vương ủ khoảng 5 tấn cá các loại.

Ðể có nước mắm đồng nhĩ, anh Vương không nấu mà để nước cá chảy dần ra ngoài qua một ống dẫn có van khóa dưới đáy lu. Sau đó, loại nước này được đổ trở lại vào lu ủ nhiều lần cho đến khi thu được nước mắm thành phẩm. Trước khi sử dụng, nước mắm nhĩ sẽ được phơi qua vài nắng để nước mắm có độ trong và đậm đà. 

Từ đó, nước mắm nhĩ có màu vàng cánh gián sậm và trong hơn so với nước mắm nấu, hương vị lại thơm ngon hơn. Theo anh Vương, ngon nhất phải là nước mắm đồng cá linh. Như một sự biệt đãi của thiên nhiên, loại cá này luôn có sản lượng lớn trong mùa lũ nên người ta dễ dàng ủ nước mắm đồng. Ngoài ra, các loại cá khác như cá cơm, lòng tong, cá sặc… đều có thể dùng để chế biến nước mắm đồng.

Khi cuộc sống chạy theo guồng quay của thị trường thì nước mắm đồng cũng lùi dần về những vùng quê. Người tiêu dùng hiện nay chấp nhận các loại nước mắm mang thương hiệu được sản xuất với quy mô lớn và nước mắm đồng không còn thông dụng. Tuy nhiên, nước mắm đồng vẫn hiện hữu và được một bộ phận người dân ưa chuộng bởi họ thích cái “vị ngọt” từ chất cá, khi dùng cho món kho hoặc chế biến nước chấm đều làm dậy hương và giúp món ăn thêm đậm đà.

Với quan điểm nước mắm đồng phải “chất” nên sản phẩm do anh Vương sản xuất chỉ có thành phần gồm cá và muối biển, không pha màu, không chất bảo quản. Từ vài chục lít những ngày đầu khởi nghiệp, hiện cơ sở của anh Vương sản xuất hơn 600 lít/năm, giá bán tại cơ sở là 60 ngàn đồng/chai 600ml. 

Nhờ dựa vào thế mạnh chất lượng đảm bảo, thương hiệu nước mắm đồng Hương Ðồng của anh Vương dần được người tiêu dùng đón nhận. Ngoài lượng khách hàng ổn định là người dân địa phương, nước mắm Hương Ðồng dần có mặt tại các gia đình tại TP Rạch Giá, TP Hồ Chí Minh.

Nhằm đưa thương hiệu nước mắm đồng truyền thống địa phương đi xa hơn nữa, sản phẩm nước mắm đồng của Cơ sở nước mắm đồng Hương Ðồng đã được xã Hòa An đưa vào đề án mỗi xã một sản phẩm của huyện Giồng Riềng. Anh Vương cũng đã đầu tư nhãn mác, bao bì bắt mắt để khách hàng tiện làm quà quê tặng cho bạn bè, người thân như một cách quảng bá đặc sản quê nhà đến mọi miền đất nước.

Đặng Linh