Nước Mỹ trở lại, bao giờ?

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ sáu, ngày 12/03/2021 13:31 PM (GMT+7)
Ông Biden tuyên cáo là "Nước Mỹ trở lại" với thế giới còn ông Blinken nhấn mạnh chính quyền mới ở Mỹ coi trọng ngoại giao và cho rằng chỉ có thể dùng ngoại giao thì mới có thể giải quyết được ổn thoả mọi vấn đề cấp thiết hiện tại.
Bình luận 0
Nước Mỹ trở lại, bao giờ?  - Ảnh 1.

Tân bộ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken mới rồi có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở nước Mỹ. Soi vào hai bài phát biểu trước đấy của tân tổng thống Mỹ Joe Biden về cùng chủ đề thì những định hướng đối ngoại mà ông Biden đưa ra được ông Blinken cụ thể hoá và sắp xếp lại trong 8 điểm cụ thể.

Ông Biden tuyên cáo là "Nước Mỹ trở lại" với thế giới còn ông Blinken nhấn mạnh chính quyền mới ở Mỹ coi trọng ngoại giao và cho rằng chỉ có thể dùng ngoại giao thì mới có thể giải quyết được ổn thoả mọi vấn đề cấp thiết hiện tại.

Ông Blinken trình bày về chính sách đối ngoại của Mỹ nhưng hàm lượng đối nội lại gần như chủ đạo trong số 8 nội dung kia. Cả ông Biden lẫn ông Blinken đều biểu lộ nhận thức là chuyện đối nội hiện tại cấp thiết đòi hỏi được xử lý ổn thoả hơn rất nhiều so với các chuyện chính trị an ninh đối ngoại, những cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế và xã hội hiện tại ở Mỹ mới chính là những điểm yếu chết người đối với nước Mỹ chứ không phải những chuyện về chính trị an ninh đối ngoại.

 Đối ngoại vì thế phải phục vụ trước hết cho đối nội mà nước Mỹ bây giờ đâu có chuyện đối nội nào cấp thiết hơn việc đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, chuyện khôi phục tăng trưởng kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm ở thời dịch bệnh vẫn tác oai tác quái trên thế giới và chuyện chữa lành những căn bệnh trầm kha của nền dân chủ Mỹ. Cả ba chuyện này đều được ông Blinken đặt ở những vị trí đầu tiên trong danh mục 8 nội dung trọng tâm của chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ. Ông Biden tuyên bố "Nước Mỹ trở lại" thế giới. 

Trở lại thì dễ nhưng trở lại với vị thế và ảnh hưởng nào, trở lại với đủ năng lực dẫn dắt thế giới và liệu có được các đồng minh và đối tác tin cậy hay không lại là chuyện hoàn toàn khác và hoàn toàn không dễ. Nếu không giải quyết được ổn thoả và bền vững các vấn đề đối nội nói trên thì ông Biden không thể đạt được những mục tiêu đầy tham vọng gửi gắm trong chủ ý đưa nước Mỹ trở lại với thế giới. Năm nội dung còn lại trong chính sách đối ngoại của Mỹ được ông Blinken liệt kê ra là cải cách hệ thống nhập cư, làm sống lại mối quan hệ hợp tác của Mỹ với các đồng minh và đối tác, giải quyết vấn đề bảo vệ khí hậu trái đất, bảo vệ vai trò và vị thế đi đầu thế giới về khoa học, kỹ thuật và công nghệ cho nước Mỹ, và đối phó Trung Quốc. Xem xét kỹ càng hơn chút có thể thấy chuyện cải cách hệ thống nhập cư pha trộn cả đối nội lẫn đối ngoại, chuyện khôi phục quan hệ với đồng minh và đối tác cũng như tham gia giải quyết vấn đề bảo vệ khí hậu trái đất nhằm khôi phục uy tín và ảnh hưởng của Mỹ cũng như tập hợp lực lượng mới ở thế giới bên ngoài, chuyện giữ vững vị thế đi đầu thế giới về khoa học, kỹ thuật và công nghệ còn nhằm cả vào đối phó Trung Quốc. Nhìn vào đây có thể thấy rất rõ ba đặc điểm của chính sách đối ngoại của Mỹ cho thời gian tới.

Thứ nhất là chừng nào còn bị kiềm chân bó tay bởi đối nội thì chừng ấy chính quyền mới ở Mỹ sẽ tìm mọi cách đê tránh khó khăn, khó xử, bất định và rủi ro mới về đối ngoại, sẽ không có phiêu lưu mới về đối ngoại và chính trị an ninh thế giới.

Thứ hai là tỏ ra ôn hoà và hợp tác xây dựng trong những vấn đề thời sự chung của thế giới nhưng duy trì xung khắc lợi ích với Nga và Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục đối địch Nga và Trung Quốc bởi chính trong quan hệ của Mỹ với hai đối tác này bộc lộ rõ nét nhất Mỹ mạnh hay yếu như thế nào trên mọi phương diện so với hai đối tác ấy và Mỹ rồi đây có thành công hay không với chủ định trở lại thế giới phụ thuộc cũng rất quyết định vào việc Mỹ có thành công hay không trong cuộc cạnh tranh chiến lược với hai đối tác này trên mọi phương diện.

Thứ ba là Mỹ lại đặc biệt coi trọng khía cạnh dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền trong chính sách đối ngoại. Chính quyền mới ở Mỹ đã thể hiện đặc điểm này khi trừng phạt Nga trong chuyện liên quan đến nhân vật đối lập Nga Alexei Nawalny hay trong chuyện Trung Quốc có luật mới hoặc hành động mới ở Hồng Công, Tân Cương và Tây Tạng. Mỹ cũng đã thể hiện thái độ tương tự đối với giới quân sự ở Myanmar sau đảo chính.

Trong thực chất, những trình bày của cả ông Biden lẫn ông Blinken về chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ mới chỉ là những chấm phá nhằm xử lý tình huống hiện tại ở Mỹ. Chính sách đối ngoại của Mỹ  sẽ được hoạch định và sắp xếp lại sau khi mọi chuyện đối nội đã được xử lý cơ bản ổn thoả mà hiện chưa thể dự liệu được khi nào mới tới thời điểm này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem