Nước sông Đà bị ô nhiễm, giật mình với hợp đồng mua nước

Thanh Phong Thứ hai, ngày 21/10/2019 18:28 PM (GMT+7)
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, cuộc khủng hoảng nước sạch sông Đà bị ô nhiễm vừa qua dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc thiếu hành lang pháp lý đối với các dịch vụ công. Việc bảo vệ quyền, lợi ích cơ bản của người dân về sức khỏe, chất lượng dịch vụ chỉ nằm trên lý thuyết.
Bình luận 0

Chiều 21/9, toạ đàm "Thị trường hoá dịch vụ công nhìn từ khủng hoảng nước sạch sông Đà" diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Luật sư Nguyễn Tiến Lập, đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, cả 2 chuyên gia cho rằng, việc thiếu đi hành lang pháp lý đối với lĩnh vực dịch vụ công khiến quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nay, người dân không được quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực nước sạch. 

Do hiện trạng trên, các chuyên gia đánh giá, nhà cung cấp nước chịu trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của hơn 1 triệu dân mới có thể ngang nhiên tuyên bố “tôi chỉ là thằng làm thuê”.

img

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (giữa) và Luật sư Nguyễn Tiến Lập (phải) trao đổi tại buổi tọa đàm "Thị trường hoá dịch vụ công nhìn từ khủng hoảng nước sạch sông Đà"

“Ở đây, tôi tin chắc có nhiều người trực tiếp, hoặc có người thân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng về nước sông Đà bị ô nhiễm trong thời gian vừa rồi. Các anh, chị đã bao giờ giở hợp đồng mua nước của mình ra, tìm xem có điều khoản nào bảo vệ quyền lợi của khách hàng chưa? 

Sau cuộc khủng hoảng vừa rồi, tôi cũng giật mình tự nhìn lại. Mặc dù là luật sư, nhìn vào cái hợp đồng, đánh giá về mặt pháp lý tôi thấy rất khó để kiện. Tuy nhiên, hợp đồng mua nước chỉ có một mẫu duy nhất, nếu không ký vào nhà tôi cũng không có nước để sử dụng.” Luật sư Nguyễn Tiến Lập chia sẻ.

Theo phân tích của Luật sư Nguyễn Tiến Lập, hiện nay, trong khuôn khổ pháp lý có Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân điều chỉnh các nội dung liên quan đến cuộc khủng hoảng nước sạch vừa qua. 

Tuy nhiên, hiện trạng, hành lang pháp lý cụ thể vẫn chưa nghiêm minh, chặt chẽ, người tiêu dùng không được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng. Do đó, mỗi khi một cuộc khủng hoảng nào đó tạm “lắng xuống”, mọi chuyện như chưa có gì xảy ra, phải đến khi có vấn đề, mọi lỗ hổng mới lại được “đào lên”.

“Đối với cuộc khủng hoảng nước sạch vừa rồi, mới dừng lại ở mức độ truyền thông tập trung đưa tin làm “nổi sóng” dư luận một thời gian sau đó lặng dần, đâu lại vào đó. Sau đó, phải có thêm một Rạng Đông, sông Đà tiếp theo, chúng ta mới lại có làn sóng dư luận về vấn đề này.” Luật sư Nguyễn Tiến Lập thông tin.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết thêm, sự kiện nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng nhưng chủ thể là Công ty CP Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã phản ứng quá chậm.

“Sau một thời gian dài mới lên tiếng, người nào uống thì uống no rồi, ảnh hưởng thì ảnh hưởng rồi mới ra thông báo ngừng sử dụng. Như vậy có thể thấy, phản ứng với sức khoẻ, sinh mệnh người dân là rất chậm.

Tôi nói có chuyện giấu diếm về chất lượng của nước, thiếu tinh thần trách nhiệm, đạo đức trong cung cấp dịch vụ công không? Có hàng loạt câu hỏi có thể đặt ra.” ông Dũng nói.

img

Buổi tọa đàm thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng phân tích, thị trường nước cho tư nhân cung cấp là thị trường béo bở, bởi nếu như cafe có thể nay uống mai không, đi du lịch có thể năm nay đi năm sau không nhưng nhu cầu nước hay điện thì gần như không thay đổi. Do đó, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà cung cấp hoàn toàn có thể xảy ra.

“Chúng ta thấy chuyện đổ dầu thải vào nguồn lấy nước làm nước sạch Sông Đà là hành vi cố ý hay không? Có động lực để đổ vào gây hại cho hệ thống không? Có chuyện cạnh tranh giữa các công ty nước sạch giữa thị trường béo bở này không?

Làm kinh tế thị trường, kinh doanh có nguồn cầu ổn định, nguồn cầu lớn thì đó là cơ hội vàng, miếng bánh là vô cùng. Có sự cạnh tranh không lành mạnh ở đây để chiếm thị phần hay không? Quả thực đó là vấn đề đặt ra nhiều dị nghị. Không có chứng cứ, chả ai có thể khẳng định nhưng dị nghị thì quả thực có đấy" ông Dũng đặt vấn đề.

"Hàng hoá công thì Nhà nước không bao giờ được mặc kệ, phải vào quản lý chất lượng, quản lý để đạt sự công bằng. Thị trường, doanh nghiệp người ta chỉ hướng tới lợi nhuận thôi. Chức năng quan trọng của nhà nước là cung cấp sự công bằng, chỉ Nhà nước mới có năng lực làm việc đó. Không thể cung cấp nước sạch mà dân Hà Nội người có nước sạch người không" ông Dũng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem