Nuôi cá biển công nghiệp sản lượng lớn, chất lượng cao dần chủ động nguồn thức ăn, bỏ dùng cá tạp

Thiên Hương Thứ hai, ngày 19/09/2022 18:55 PM (GMT+7)
Nước ta đang chuyển dần từ đánh bắt gần bờ sang nuôi trồng hải sản trên biển, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu. Tuy vậy, để nuôi biển bền vững có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có thức ăn, dinh dưỡng công nghiệp để thay thế thức ăn bằng cá tạp gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.
Bình luận 0

Mới đây, Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam.

Thiếu thức ăn phục vụ nuôi biển công nghiệp

Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng. Điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi cho phát triển nuôi biển công nghiệp, qui mô hàng hoá lớn; đối tượng nuôi phong phú như: các loài cá biển có giá trị cao (cá chim vây vàng, cá chẽm, cá song, cá giò, cá hồng), tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển… 

Tuy nhiên, phát triển nghề nuôi biển nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó khâu sản xuất và cung cấp thức ăn chuyên cho nghề nuôi biển còn nhiều hạn chế. 

Thức ăn cho nuôi biển được cung cấp bởi 2 nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập ngoại, gồm 2 loại: Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phục vụ nuôi cá biển công nghiệp; thức ăn tự chế từ tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp. 

Các loài cá tạp được sử dụng khá phổ biến trong nuôi biển, đặc biệt nuôi cá biển và tôm hùm.

Hiện nay đã có một số công ty tham gia sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho nuôi biển như De Heus, C.P, Uni-President, Proconco, Cargill…, với sản lượng khoảng 40.000- 50.000 tấn/năm. 

Tuy nhiên, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nên hàng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu khối lượng thức ăn thủy sản lớn từ Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, sản lượng từ 140.000 - 150.000 tấn thức ăn.

Ông Lê Văn Khôi - chuyên gia Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I cho biết, dinh dưỡng và thức ăn đóng vai trò quan trọng trong ngành nuôi biển, từ nuôi vỗ cá bố mẹ, ương nuôi con giống đến việc nuôi thương phẩm. Dinh dưỡng đóng góp 40-60% chi phí cho toàn bộ quá trình nuôi. Tuy nhiên, hầu hết ngư dân vẫn phải dùng thức ăn từ cá tươi (cá tạp), phổ biến ở các trại nuôi quy mô nhỏ và vừa.

“Đánh thức” nghề nuôi cá biển công nghiệp: Chủ động nguồn thức ăn, bỏ dùng cá tạp - Ảnh 1.

Cá chim vây vàng nuôi công nghiệp tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: D.V

“Đánh thức” nghề nuôi cá biển công nghiệp: Chủ động nguồn thức ăn, bỏ dùng cá tạp - Ảnh 2.

"Hạn chế của việc sử dụng cá tạp là chất lượng khó kiểm soát, không đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng cho cá nuôi, gây ảnh hưởng đến môi trường và có thể dẫn đến khan hiếm nguồn cá tạp tự nhiên do khai thác quá mức... Trong khi đó, sử dụng thức ăn viên công nghiệp có chất lượng là một trong những điều kiện tiên quyết để sản phẩm nuôi đạt được các chứng nhận, tiến tới xuất khẩu" - ông Khôi nói.

Anh Nguyễn Văn Vinh - chủ trang trại nuôi cá tại phường Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết: "Người nuôi cá biển hiện gặp khá nhiều khó khăn về nguồn thức ăn do giá cả tăng cao. Nếu gặp đúng thời điểm cá không được giá thương phẩm, người nuôi sẽ rủi ro rất lớn, trong khi nguồn thức ăn tự nhiên lại không đảm bảo chất lượng, khiến cá thường mắc nhiều bệnh".

Hạn chế "lấy cá nuôi cá"

Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa cùng với Quảng Ninh và Kiên Giang là 3 địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, bà con vẫn chủ yếu sử dụng cá tạp, dễ gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

Trước thực trạng trên, hiện nay UBND tỉnh Khánh Hòa đang tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng đề án phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nuôi cá biển công nghiệp sản lượng lớn, chất lượng cao dần chủ động nguồn thức ăn, bỏ dùng cá tạp - Ảnh 4.

Cá chim vây vàng được nuôi tại vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: T.L

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, với định hướng như thế, việc nghiên cứu các giải pháp dinh dưỡng và thức ăn trong nuôi biển công nghiệp cao sẽ góp phần vào định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus cho biết, để khuyến khích người chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp phải có những mô hình, cũng như cách làm cụ thể. "Nhiều người nuôi đang thử nghiệm thức ăn song song, tức là 1 nửa cho ăn cá tạp và 1 nửa dùng thức ăn theo hướng dẫn của De Heus, sau đó đánh giá lại hiệu quả. Vấn đề giá thức ăn tăng cao theo giá nguyên liệu chung của thế giới là ngoài mong muốn. Nhưng trong giai đoạn này giá cá tạp vẫn tăng, vì vậy dùng thức ăn công nghiệp sẽ hiệu quả hơn" - ông Gabor Fluit khuyến cáo.

Được biết, De Heus đang là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi dẫn đầu lĩnh vực thức ăn cho cá biển, với các sản phẩm đa dạng cho cá giống có kích thước từ 0,5mm đến 20mm, gồm thức ăn nổi và thức ăn chìm. Thức ăn cá biển như cá chẽm, cá chim, cá mú; cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm. Ngoài ra, De Heus cũng mong muốn hợp tác, phát triển thức ăn cho các loài nuôi biển Việt Nam đang có nhiều tiềm năng như tôm hùm, ốc hương...

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo đó, cần nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển. 

Xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển, trong đó chú trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển.

Vừa tiến hành nghiên cứu, vừa nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi để chuyển giao, nghiên cứu và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ sản xuất con giống và nuôi thương phẩm.

Tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem