Nuôi bò vỗ béo nhốt đầy chuồng, ông nông dân Đồng Nai sáng chế máy băm cỏ "4 trong 1" chăm bò nhàn tênh

Bình Minh Thứ năm, ngày 10/03/2022 14:41 PM (GMT+7)
Anh Cao Xuân Lâm ngụ tại ấp 3, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) là một trong những nông dân tiên phong khi mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình nuôi bò sinh sản sang nuôi bò vỗ béo và khá thành công với mô hình này. Hiện quy mô trang trại thường xuyên duy trì 200 con bò, mỗi năm thu lãi trên 1 tỷ đồng.
Bình luận 0

Xuất thân là nông dân nghèo do thiếu vốn, thiếu kĩ thuật trong canh tác. Tuy nhiên bằng sự cần cù, ham học hỏi, tư duy đổi mới trong “cách nghĩ, cách làm” đã giúp anh Cao Xuân Lâm từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương bằng mô hình nuôi bò sinh sản sang nuôi bò vỗ béo.

Chia sẻ với Dân Việt, anh Lâm cho biết, ngoài việc thường xuyên duy trì đàn bò vỗ béo 200 con, mỗi năm cho thu lãi trên 1 tỷ đồng. Năm 2021 anh đã đạt giải Nhất tại Hội thi nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai với việc ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi bò vỗ béo.

Đồng Nai: "Hô biến" những con bò cỏ gầy còm thành bò "lực sĩ", nông dân còn sáng chế máy băm cỏ "4 trong 1" - Ảnh 1.

Anh Cao Xuân Lâm ngụ tại ấp 3, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) chuyển đổi từ mô hình nuôi bò sinh sản sang nuôi bò vỗ béo cho thu lãi trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Bình Minh

Nhớ lại những năm tháng gian khó, năm 1993, gia đình anh Lâm rời vùng quê Nghệ An vào xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc lập nghiệp. Ban đầu, trên diện tích gần 4ha, anh canh tác cây hoa màu và cây tràm lai để lấy chỗ chăn thả bò sinh sản. Tuy nhiên, sau nhiều năm chăm sóc anh nhận thấy nuôi bò sinh sản cho hiệu quả kinh tế không cao. 

Năm 2017, khi có dịp đi thăm quan mô hình nuôi bò chăn thả rừng của người dân tại tỉnh Ninh Thuận anh Lâm mới nhận ra cơ hội làm giàu. Bởi lẽ, vào mùa nắng hạn, hầu hết các đàn bò nơi đây đều rơi vào cảnh đói giơ xương vì thiếu thức ăn. Cho nên, người dân phải bán bớt đi bò đực để giảm đàn, còn bò cái họ giữ lại để nuôi sinh sản.

Nghĩ là làm, anh Lâm gom góp tiền của gia đình và vay mượn thêm từ họ hàng để mua 40 con tơ về vỗ béo. Nhờ được chăm sóc tốt nên đàn bò tăng trọng rất nhanh, chỉ 6 tháng sau mỗi con đã đạt trọng lượng hơn 400kg, tăng gấp đô so với thời điểm mua về.

Đồng Nai: "Hô biến" những con bò cỏ gầy còm thành bò "lực sĩ", nông dân còn sáng chế máy băm cỏ "4 trong 1" - Ảnh 3.

Từ một chiếc máy cày thông thường, anh Lâm đã đầu tư gắn thêm một cái dàn xúc và thiết kế thêm một cái máy băm làm tăng tính năng sử dụng của máy cày. Chiếc máy này gồm có 4 chức năng, đó là, băm các chế phẩm nông nghiệp như cỏ, cây bắp, cây mì, mía...; trộn thức ăn; xúc thức ăn vận chuyển đến vị trí cho bò ăn và dọn dẹp phân bò. Ảnh: Bình Minh

Anh Lâm chia sẻ, nuôi bò vỗ béo rất hiệu quả, tôi tận dụng được cây mì trên rẫy về xay ra cho bò ăn, nguồn thức ăn nơi đây rất dồi dào, rất phù hợp để làm mô hình này…

"Bò vỗ béo được nuôi nhốt tập trung nên chuồng trại cần phải sạch sẽ, thoáng mát. Nguồn thức ăn cho bò gồm cỏ voi, thân- củ mì, bã đậu, thân cây bắp lai…Tất cả đều được xay nhỏ, ủ lên men sau đó cho bò ăn rất tốt. Khi đàn bò mua về thường suy kiệt, ốm yếu nên cần có chế độ ăn đặc biệt. Đồng thời tiêm ngừa các bệnh lí thường gặp như lở mồm long móng, tụ huyết trùng và các kí sinh trùng khác trên đàn bò", anh Lâm chia sẻ.

Theo kinh nghiệm chăn nuôi bò của anh Lâm, nếu được chăm sóc tốt thì mỗi ngày bò có thể tăng trọng lượng từ 1-1,2kg. Trong những năm gần đây, nhờ giá bò hơi ổn định (trên 80 ngàn/kg) nên công việc nuôi bò vỗ béo rất có lãi.

Đồng Nai: "Hô biến" những con bò cỏ gầy còm thành bò "lực sĩ", nông dân còn sáng chế máy băm cỏ "4 trong 1" - Ảnh 5.

Từ khi sử dụng chiếc máy này, trang trại của anh Lâm đã giảm được 6 công lao động. Ảnh: Bình Minh

Nhờ chăn nuôi bài bản, quy mô chăn nuôi được anh Lâm mở rộng, nhu cầu về công lao động ngày càng tăng cao, trong khi đó việc thuê công khó khăn vì nguồn lao động tại địa phương thiếu, nhiều lúc không thuê được người. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu về các thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, mày mò mua thiết bị về tự chế. Từ một chiếc máy cày thông thường, anh đã đầu tư gắn thêm một cái dàn xúc và thiết kế thêm một cái máy băm làm tăng tính năng sử dụng của máy cày.

Đồng Nai: "Hô biến" những con bò cỏ gầy còm thành bò "lực sĩ", nông dân còn sáng chế máy băm cỏ "4 trong 1" - Ảnh 6.

"Việc chế tạo ra chiếc máy này đã tận dụng triệt để những chế phẩm trong nông nghiệp như cây bắp, cây mì, đọt mía, cỏ… làm giảm chi phí thức ăn cho bò", anh Lâm chia sẻ. Ảnh: Bình Minh

Chiếc máy này gồm có 4 chức năng, đó là, băm các chế phẩm nông nghiệp như cỏ, cây bắp, cây mì, mía; trộn thức ăn; xúc thức ăn vận chuyển đến vị trí cho bò ăn và dọn dẹp phân bò.

Việc chế tạo ra chiếc máy này đã tận dụng triệt để những chế phẩm trong nông nghiệp như cây bắp, cây mì, đọt mía, cỏ… làm giảm chi phí thức ăn cho bò. Ngoài việc băm thức ăn trong chuồng trại, máy còn di chuyển ra tận ruộng, rẫy để băm thức ăn giúp giảm chi phí vận chuyển và giảm nhân công. Trước đây khi chưa sử dụng máy, nuôi 200 con bò phải mất 10 công lao động", anh Lâm nói.

Từ khi sử dụng chiếc máy này, trang trại của anh Lâm đã giảm được 6 công lao động. Bình quân mỗi tháng tiết kiệm được gần 50 triệu đồng tiền công lao động. Nhờ sử dụng chiếc máy này mà hàng năm gia đình anh xuất bán 2 lứa bò, tổng số 400 con. Từ hiệu quả của mô hình đến nay đã có hơn 30 hộ dân trên địa bàn học tập và làm theo mô hình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem