Nuôi cá bông lau trong ao đất, thu 17 tấn/ha, bán 1 ký lời 30 ngàn

Chủ nhật, ngày 24/03/2019 13:15 PM (GMT+7)
Nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung (tỉnh tỉnh Sóc Trăng) đã thả nuôi cá bông lau trong ao đất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lâm Thành Lâm ở ấp An Quới, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung thả nuôi 4.000 con cá bông lau giống, năng suất đạt 15-17 tấn/ha, giá bán cá bông lau là 100.000 đồng/ký, bình quân mỗi ký cá bông lau bán ra người nuôi cá lời 30 ngàn đồng.
Bình luận 0

Nếu như trước đây, cá bông lau được khai thác chủ yếu trong tự nhiên thì vài năm trở lại, nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung (tỉnh tỉnh Sóc Trăng) đã phát triển nghề nuôi cá bông lau bằng nguồn giống được khai thác tại chỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

img

Sau 11 tháng nuôi, cá bông lau đạt trọng lượng trên 1kg/con, thương lái mua với giá 100.000 đồng/kg.

Theo đó, mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất sử dụng nguồn con giống nhân tạo được triển khai tại xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) đã tạo điều kiện giúp người dân chủ động được nguồn cá giống cũng như góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

Với diện tích 2.000m2, ông Lâm Thành Lâm ở ấp An Quới được hỗ trợ khoảng 4.000 con giống cá bông lau, thả nuôi với mật độ là 2 con/m2. Ông Lâm cho biết: “Cuối tháng 1-2018, tôi được hỗ trợ cá giống để thả nuôi. Khi đó, cá giống chỉ đạt kích cỡ 8 - 10cm (cỡ 160 con/kg). Sau khoảng 11 tháng nuôi, cá đã đạt trọng lượng từ 1 - 1,2kg/con, ước năng suất sau khi thu hoạch đạt khoảng 15 - 17 tấn/ha, qua đó lợi nhuận cũng khá”.

Cũng theo ông Lâm, nuôi cá bông lau trong ao đất, khâu quan trọng nhất và quyết định thành công cho vụ nuôi là việc thả giống. Thời điểm thả giống tốt nhất là vào buổi sáng, do nước đóng bao cá giống là nước ngọt nên trước khi thả ra ngoài, tháo miệng bao cho nước vào từ từ để thuần độ mặn cho cá vài phút sau đó để cá tự bơi ra. Đồng thời, khâu chọn cá giống cũng phải đặc biệt chú ý nên chọn giống cùng kích cỡ, không bị xây xát và không nhiễm bệnh.

Còn ông Lâm Vũ Linh cũng ở xã An Thạnh 3 góp lời: “Hiện nay, đàn cá bông lau của tôi đang phát triển rất tốt, trọng lượng trung bình đạt 1,2kg/con. Nuôi cá bông lau trong ao đất cũng như nuôi các loài thủy sản khác, trong quá trình nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cũng như quản lý môi trường ao nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật là được”.

Với kinh nghiệm nuôi cá bông lau nhiều năm, ông Linh chia sẻ thêm: “Nuôi cá bông lau giống nhân tạo lớn nhanh hơn, kích cỡ cá nhân tạo ngắn so với giống cá tự nhiên. Đặc biệt, trong quá trình nuôi cần lưu ý: khi thời tiết thay đổi thất thường hay sau khi thay nước, cá có thể giảm ăn hoặc bỏ ăn. Hoặc là cá giảm ăn có thể do ký sinh trùng, nên khi cá nuôi có biểu hiện giảm ăn cần phải diệt bệnh ký sinh trùng trên cá, cá khỏi bệnh sau vài ngày là ăn bình thường trở lại”.

Cũng là hộ tham gia thực hiện mô hình, ông Trần Thanh Nhã ở ấp An Quới chân tình chia sẻ: “Điều kiện ở xã An Thạnh 3 rất thích hợp để nuôi cá bông lau. Sau 11 tháng nuôi, cá đã đạt trọng lượng trên 1kg/con và có thể thu hoạch bán được. Hiện thương lái đến thu mua giá 100.000 đồng/kg, tính ra nếu bán cá thương phẩm thì mỗi kg cá bông lau thu lãi được 30.000 đồng. Do chi phí nuôi cá đạt trọng lượng 1kg là hết 70.000 đồng”.

Nuôi cá bông lau trong ao đất tại huyện Cù Lao Dung đã được người dân nuôi khoảng 3 năm nay, chủ yếu là giống được đánh bắt từ tự nhiên. Năm 2018, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm dự án cho biết: “Thực hiện dự án, đơn vị đã triển khai 3 mô hình thí điểm nuôi cá bông lau trong ao đất tại xã An Thạnh 3, với mật độ thả nuôi là 2 con/m2 và 1 con/m2. Sử dụng nguồn giống nhân tạo được sản xuất bởi Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (Cái Bè, Tiền Giang). Qua 11 tháng nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với độ mặn dao động từ 3‰ - 7‰. Đây là đặc điểm sinh thái của vùng đất An Thạnh 3 nên rất phù hợp với đặc tính sinh trưởng cá bông lau”.

Còn theo đánh giá của Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Đồ Văn Thừa, cá bông lau là đối tượng nuôi mới, phù hợp với nguồn nước lợ, mặn tại Cù Lao Dung. Nguồn giống cá bông lau nhân tạo sẽ có nhiều ưu thế để nhân rộng và cũng dần thay thế được nguồn cá tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức; đồng thời, góp phần bảo tồn nguồn lợi giống cá bông lau tự nhiên, đa dạng hóa các đối tượng nuôi và phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

“Hiện nay, đầu ra cá bông lau chưa thật ổn định. Vì vậy, người nuôi cần phải tính toán kỹ trước khi ồ ạt mở rộng diện tích nuôi, tránh tình trạng cung vượt cầu, rồi dẫm vào “vết xe đổ” như con cá tra trong những năm trước đây” - đồng chí Đồ Văn Thừa khuyến cáo.

Tuyết Xuân (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem