Nuôi cá bớp nông dân Lý Sơn đổi đời, vay 2 tỷ đầu tư, bán cá lãi hơn 1 tỷ

Trần Hậu - Hiếu Nhi Thứ hai, ngày 01/08/2022 11:56 AM (GMT+7)
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ Ngân hàng Agribank, nhiều nông dân tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã bám biển, phát triển nghề nuôi cá lồng bè đem lại thu nhập cao, nhiều hộ thu lãi cả tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Nông dân Lý Sơn vững tin làm giàu với mô hình nuôi cá bớp

Bà Lê Thị Của - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Lý Sơn cho biết, mặc dù còn rất nhiều khó khăn trong hoạt động do đặc thù của một chi nhánh huyện đảo, tuy nhiên từ năm 2014, khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo, Agribank Lý Sơn cũng như được tiếp thêm sức mạnh trong hoạt động tín dụng và phát triển các sản phẩm dịch vụ. 

Từ 8 tỷ đồng nguồn vốn, 15 tỷ đồng dư nợ năm 2014, đến nay nguồn vốn của Agribank Lý Sơn lên tới hơn 470 tỷ đồng, dư nợ 533 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn vay của Agribank, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, nuôi cá lồng bè, trồng tỏi... Nhờ đó, hàng trăm hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu nhanh chóng.

Vốn Agribank - bệ phóng cho nông dân Lý Sơn đổi đời - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá bớp của anh Huỳnh Ngọc Thảo (ở thôn Đông An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Trần Hậu

"Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các hội đoàn thể. Đặc biệt là nhờ nguồn vốn của Agribank Chi nhánh huyện Lý Sơn, tôi rất biết ơn ngân hàng đã tạo điều kiện cho tôi vay vốn để mở rộng quy mô nuôi cá lồng bè…".

Anh Huỳnh Văn Nam

Trong đó, tiêu biểu phải kể đến hộ anh Huỳnh Ngọc Thảo với mô hình nuôi cá bớp; hộ anh Huỳnh Văn Nam với mô hình nuôi cá mú, tôm hùm. Nhờ đầu tư bài bản, có trọng điểm nên mô hình phát huy hiệu quả, các hộ điển hình trên thu lãi từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm.

Chúng tôi cùng cán bộ ngân hàng đến thăm mô hình nuôi cá lồng trên biển của hộ anh Huỳnh Ngọc Thảo (trú thôn Đông An Hải). 

Anh Thảo cho biết, trước đây anh làm nghề đi biển, vợ buôn bán nhỏ nên thu nhập chỉ đủ sống qua ngày, chẳng dư dã bao nhiêu. Năm 2017, anh bắt đầu vay 300 triệu đồng của Agribank Lý Sơn để xây dựng mô hình nuôi cá bớp làm hướng phát triển kinh tế tiếp theo cho gia đình.

Những năm đầu, do vốn ít nên anh chỉ đầu tư khoảng 30 lồng, do chưa có kinh nghiệm cùng với việc mưa bão thường xuyên, phải di chuyển lồng bè đến khu vực khác có môi trường không đảm bảo dẫn đến nhiều lồng cá bị chết, thua lỗ. Các năm sau, có năm thu vừa đủ vốn đầu tư hoặc lãi ít, nhưng năm nay cá nuôi phát triển tốt và giá cao nên gia đình anh rất phấn khởi.

Anh Thảo cho biết thêm, vụ nuôi năm nay, gia đình anh vay Agribank Lý Sơn 2 tỷ đồng để thả nuôi 50 lồng cá bớp. Đến thời điểm này, anh đã xuất bán được 12 tấn cá, dự kiến đến cuối năm sẽ tăng lên khoảng 20 tấn. 

"Tính trung bình mỗi kg cá thương phẩm từ lúc nhỏ đến thu hoạch đầu tư hết 100.000 đồng thì mỗi con cá tôi bán ra với trọng lượng từ 5 - 6kg cũng lãi từ 400.000 -500.000 đồng. Vậy nên, nếu từ nay đến cuối năm không có gì thay đổi thì gia đình tôi có lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng" - anh Thảo dự tính.

Không những làm kinh tế hiệu quả, mô hình nuôi cá bớp trên biển của anh Thảo còn giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên, với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.

Tiếp tục tiếp vốn cho nông nghiệp, nông dân

Vốn Agribank - bệ phóng cho nông dân Lý Sơn đổi đời - Ảnh 3.

Vốn Agribank - bệ phóng cho nông dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) đổi đời. Ảnh: Trần Hậu

Vốn Agribank - bệ phóng cho nông dân Lý Sơn đổi đời - Ảnh 4.

Một hộ khác nuôi cá bớp, cá mú, tôm hùm hiệu quả không kém ông Thảo đó là hộ anh Huỳnh Văn Nam. Anh Nam cho biết, gia đình anh bắt đầu nuôi cá bớp từ năm 2015 đến nay nhưng chưa thấy năm nào giá cao như năm nay. 

Những năm trước, giá cá bớp thường chỉ dao động từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, có năm chỉ còn 80.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá thấp nhất mà các hộ nuôi bán cho thương lái là 180.000 đồng/kg, lúc đỉnh điểm lên đến 220.000 đồng/kg.

"Đợt này, gia đình tôi thả nuôi 30 lồng cá bớp. Từ đầu năm đến nay cũng bán được khoảng hơn 8 tấn cá thương phẩm. Sau khi trừ tất cả chi phí cũng lãi trên dưới 700 triệu đồng" - anh Nam phấn khởi.

Nói về nguyên nhân giúp giá cá bớp cao như hiện nay, anh Nam cho rằng, những năm trước do dịch Covid-19, vấn đề tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên giá cả giảm sút. Đến bây giờ, các hoạt động đã trở lại ổn định, nhất là thị trường du lịch đã mở cửa trở lại nên nhu cầu thị trường rất lớn. Việc giao thương, vận chuyển hàng hóa cũng thuận lợi hơn nên thương lái tìm đến thu mua liên tục, sản phẩm có bao nhiêu cũng đều bán được hết.

"Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các hội đoàn thể. Đặc biệt là nhờ nguồn vốn của Agribank Chi nhánh huyện Lý Sơn, tôi rất biết ơn ngân hàng đã tạo điều kiện cho tôi vay vốn để mở rộng quy mô nuôi cá lồng bè…" - anh Nam bày tỏ.

Ông Đinh Văn Công - Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thực hiện vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn, Agribank Chi nhánh Quảng Ngãi triển khai mạng lưới rộng khắp địa bàn, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo khó khăn. 

Trong bối cảnh phải cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác, không chỉ phát huy lợi thế của mạng lưới rộng, Agribank xác định cạnh tranh bằng sự đồng hành, gắn bó và chia sẻ với khách hàng.

Với tổng nguồn vốn trên 16.000 tỷ đồng, dư nợ 12.800 tỷ đồng, trong đó có tới trên 70% dư nợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, Agribank Chi nhánh Quảng Ngãi đã thực hiện vai trò ngân hàng chủ lực của tam nông. 

"Trong thời gian tới, Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi sẽ bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, giúp người nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập…" - ông Công cho hay.

Ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, thời gian qua nhờ nguồn vốn Agribank, người dân huyện đảo Lý Sơn vươn lên phát triển, đầu tư khách sạn, mở rộng dịch vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Bộ mặt huyện đảo ngày càng đổi mới, nguồn vốn sử dụng hiệu quả, bà con làm ăn tốt nên rất gắn bó với ngân hàng.

"Hiện nay, người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản trên đảo có thu nhập rất khá. Toàn huyện có hơn 50 hộ nuôi có quy mô lớn, trung bình mỗi năm một hộ dân có thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng, một số hộ tiêu biểu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm" - ông Thành cho biết thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem