Một ông nông dân Thái Nguyên nuôi cá lăng dày đặc trên hồ Núi Cốc, bán 150.000 đồng/kg đắt hàng

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 15/04/2023 18:53 PM (GMT+7)
Sau thời gian dài nuôi cá lăng đặc sản theo hướng hữu cơ mang lại nguồn thu nhập ổn định, hiện ông Nguyễn Danh Tuyên (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm cá lăng này.
Bình luận 0

Clip: Ông Nguyễn Danh Tuyên chia sẻ về quá trình nuôi cá lăng hướng hữu cơ tại Hồ Núi Cốc, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Clip: Hà Thanh.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Danh Tuyên cho biết, ban đầu ông chỉ nuôi một lồng cá lóc khoảng 16m2 trên mặt ao. Sau quá trình đi thăm mô hình nuôi cá ở Hải Dương, năm 2015 ông Tuyên quyết định thuê mặt nước hồ Núi Cốc và chuyển sang nuôi cá lăng.

Đến năm 2020, với mong muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá lăng, ông Tuyên đã thành lập HTX Nông lâm thủy sản Hồ Núi Cốc với 8 thành viên.

Hiện, ông Tuyên có tất cả 27 lồng nuôi cá, trong đó có 17 lồng cá lăng, còn lại là các loại như cá nheo, cá trắm, cá chép, cá bỗng, cá rô phi và cá ngạnh đang trong giai đoạn nuôi thử nghiệm. Chi phí cho mỗi lồng cá khoảng 20 triệu đồng.

Nuôi loài cá lăng đặc sản trên lòng hồ Núi Cốc, ông nông dân Thái Nguyên đăng ký xây dựng thương hiệu OCOP - Ảnh 2.

Hiện, ông Tuyên có tất cả 27 lồng nuôi cá đặc sản trên mặt Hồ Núi Cốc, trong đó có 17 lồng cá lăng. Ảnh: Hà Thanh

Nói về thời điểm vào cá, ông Tuyên cho hay, ông thường mua giống và thả cá vào tháng 6 hằng năm. Thời gian để thu hoạch cá lăng kéo dài lên tới 2 năm, với trọng lượng trung bình của cá lăng khi thu hoạch đạt khoảng 3kg/con.

Điều đặc biệt, ông Tuyên nuôi cá lăng theo hướng hữu cơ với nguồn thức ăn là cá tép dầu hồ Núi Cốc, được ông mua lại từ dân chài quanh vùng. Mỗi lồng cá lăng có khoảng 700 con, tiêu thụ khoảng 40kg cá tép/ngày. Mỗi ngày cá lăng ăn hai lần vào buổi sáng sớm và chiều tối.

Nuôi loài cá lăng đặc sản trên lòng hồ Núi Cốc, ông nông dân Thái Nguyên đăng ký xây dựng thương hiệu OCOP - Ảnh 3.

Cá lăng khi thu hoạch đạt trọng lượng trung bình khoảng 3kg/con. Ảnh: Hà Thanh

Theo ông Tuyên, trong quá trình chăm sóc, nếu kiểm soát tốt được vấn đề môi trường, nuôi ở mật độ vừa phải và cho ăn chế độ phù hợp, cá lăng gần như không bị bệnh.

Khi cá lăng còn bé, người nuôi có thể thả cả vạn con/lồng, sau đó tách dần ra. Đến khi cá đạt trọng lượng khoảng 1kg/con, người nuôi chỉ thả ở mật độ 500 – 700 con/lồng. Với diện tích mỗi lồng 36m2, ông Tuyên đang nuôi với mật độ 700 con cá lăng trưởng thành/lồng.

Nuôi loài cá lăng đặc sản trên lòng hồ Núi Cốc, ông nông dân Thái Nguyên đăng ký xây dựng thương hiệu OCOP - Ảnh 4.

Ông Tuyên đang nuôi với mật độ 700 con cá lăng trưởng thành/lồng. Ảnh: Hà Thanh

Về cơ bản, cá lăng không quá khó chăm sóc. Tuy nhiên, cần chú ý đến 4 nguyên nhân gây bệnh cơ bản cho cá là ký sinh trùng, vi khuẩn, virus và nấm. 

Do đó, việc chọn lưới lồng là vô cùng quan trọng, phải đảm bảo không để cá bị xây xước hoặc mất nhớt, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Lưu ý thứ hai là ký sinh trùng ngoài da, ký sinh trùng mang và ký sinh trùng đường tiêu hoá, mùa xuân và hè là thời điểm cá dễ nhiễm bệnh từ ký sinh trùng nhất. Nếu xử lý tốt được những vấn đề này, việc nuôi cá lăng sẽ đạt tỷ lệ cao.

Theo ông Tuyên, sản lượng cá lăng năm nay tương đối lớn và được giá hơn hẳn. Đến thời điểm này, sản lượng cá thịt trong lồng đạt khoảng 18 tấn. 

Hiện ông đang bán cho các nhà hàng, khách sạn quanh khu vực khu du lịch hồ Núi Cốc và hai nhà hàng ở Hà Nội với giá 150.000 đồng/kg. Sắp tới ông sẽ hợp đồng và cung cấp nguyên liệu cho một số nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn từ cá lăng ở TP.Thái Nguyên.

Nuôi loài cá lăng đặc sản trên lòng hồ Núi Cốc, ông nông dân Thái Nguyên đăng ký xây dựng thương hiệu OCOP - Ảnh 5.

Ước tính, đến thời điểm hiện tại sản lượng cá lăng trong lồng của ông Tuyên đạt trọng lượng khoảng 18 tấn. Ảnh: Hà Thanh

Với số lượng cá như hiện tại, theo ông Tuyên sẽ cần khoảng 3 người chăm sóc thường xuyên. Dự kiến với giá cá lăng như hiện tại, năm nay ông Tuyên sẽ thu về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Bên cạnh việc phát triển mô hình nuôi cá lăng của gia đình, ông Tuyên còn hỗ trợ và tư vấn về con giống và kỹ thuật nuôi cho các thành viên HTX, kết hợp với bao tiêu đầu ra sản phẩm để đảm bảo các hộ thành viên có lợi nhuận cao nhất.

Ông Tuyên chia sẻ thêm kinh nghiệm nuôi cá lăng, do thời gian nuôi cá lăng kéo dài nên ở thời gian đầu chưa thu hoạch, người nuôi cần nuôi gối và xen với các loại cá ngắn ngày khác để có thêm thu nhập.

Trong năm 2023, ông Tuyên đã làm các thủ tục đăng ký thương hiệu cho sản phẩm cá lăng của mình và đang trong giai đoạn hoàn thiện.

"Khi sản phẩm được đánh giá đạt chuẩn OCOP sẽ là cơ hội để tăng sản lượng cá bán ra thị trường, đồng thời nâng tầm giá trị sản phẩm lên rất lớn" - ông Tuyên chia sẻ.

Nuôi loài cá lăng đặc sản trên lòng hồ Núi Cốc, ông nông dân Thái Nguyên đăng ký xây dựng thương hiệu OCOP - Ảnh 6.

Ngoài nuôi cá trên lòng hồ Núi Cốc, ông Tuyên còn trồng 500 cây vải trên đảo Cò. Ảnh: Hà Thanh

Nuôi loài cá lăng đặc sản trên lòng hồ Núi Cốc, ông nông dân Thái Nguyên đăng ký xây dựng thương hiệu OCOP - Ảnh 7.

Kết hợp phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm và dịch vụ ăn uống tại đảo Cò. Ảnh: Hà Thanh

Ngoài nuôi cá trên lòng hồ Núi Cốc, ông Tuyên còn trồng 500 cây vải trên đảo Cò. Trong năm nay, ông Tuyên sẽ phát triển thêm mô hình du lịch sinh thái tại đây để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các món ăn đặc sản khu vực hồ Núi Cốc như cá lăng và một số loại thủy sản, gia cầm khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem