Nuôi gà dưới tán rừng, trồng cây dược liệu, nông dân miền núi Quảng Ninh khá giả lên

Công Thành Thứ tư, ngày 12/04/2023 12:47 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện miền núi Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá nhờ trồng cây dược liệu.
Bình luận 0

Thu nhập ổn định từ trồng cây dược liệu

Trước đây, cây keo được coi là cây giảm nghèo ở các địa phương vùng cao của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có huyện Ba Chẽ. Tuy nhiên với tình trạng trồng cây keo ồ ạt, nông dân sẽ chậm thu hồi vốn, và lợi nhuận không cao trên cùng diện tích đất so với trồng cây dược liệu.

Bởi vậy, khi được tuyên truyền, vận động chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã tích cực hưởng ứng.

Năm 2017, anh Đàm Văn Triệu (thôn Khe Loọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) quyết định chuyển đổi 3ha trồng keo của gia đình sang trồng 2,5ha trà hoa vàng. Số diện tích đồi còn lại, anh Triệu trồng cây ba kích, cây mây, cũng là những loài cây kinh tế rất phổ biến ở huyện Ba Chẽ.

Anh Triệu cho biết, trồng keo phải có diện tích rừng lớn mới bõ đầu tư và mỗi khi thu hoạch phải thuê người làm. Còn khi trồng cây dược liệu, anh chỉ cần một khoảnh đất nhỏ vẫn kiếm tiền như thường, khi thu hoạch cũng không cần thuê nhiều người hoặc không cần thuê người.

Trồng cây dược liệu ở Ba Chẽ - Ảnh 1.

Dưới tán cây trà hoa vàng, anh Đàm Văn Triệu (thôn Khe Loọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) nuôi hàng ngàn con gà Tiên Yên. Ảnh: Thành Công.

Trên diện tích trồng trà hoa vàng và ba kích, anh Triệu còn nuôi gần 1.000 con gà Tiên Yên. Từ cách làm này, hằng năm, Triệu đã giảm hẳn chi phí thuê người nhặt cỏ và chăm bón cho cây trà hoa vàng. Đàn gà của anh Triệu thả rông trên sườn đồi, dưới tán cây trà hoa vàng, không phải nhốt trong chuồng trại, tránh nắng như nhiều hộ chăn nuôi khác. Cũng nhờ đó, đàn gà có sức đề kháng cao, ít mắc bệnh, phát triển rất tốt, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho anh Triệu sau mỗi dịp xuất bán.

Gia đình ông Chu Văn Bạo (thôn Đồng Doong, xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ) đã trồng 3ha quế từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thời điểm gia đình ông trồng quế, rất ít người ở Ba Chẽ trồng cây dược liệu, nhưng từ trồng quế mà kinh tế gia đình ông luôn ổn định.

Ông Bạo cho biết: "Hằng năm, gia đình tôi thu hoạch khoảng 20 tấn vỏ quế. Còn thân cây quế sau khi thu hoạch vỏ, đem bán lại cho các đội xây dựng làm cây chống, giàn giáo khi họ làm nhà cũng giúp gia đình có thêm khoản thu nữa".

Trồng cây dược liệu ở Ba Chẽ - Ảnh 2.

Trồng cây ba kích, anh Đinh Văn Tuyến không cần thuê người làm, nên thu nhập của anh cũng vì thế tốt hơn. Ảnh: Công Thành

Còn anh Đinh Văn Tuyến (thôn Đồng Tán, xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ) lại có mô hình trồng cây ba kích với diện tích khoảng 2.000m2. Anh Tuyến cho biết, anh được tạo điều kiện được tham gia học lớp sơ cấp về trồng cây ba kích do Phòng NNPTNT tỉnh Quảng Ninh và huyện Ba Chẽ phối hợp tổ chức, nên có kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng loại cây dược liệu này.

Anh Tuyến cho biết, cây ba kích rất hợp bởi thổ nhưỡng và khí hậu xã Minh Cầm, mỗi gốc ba kích cho từ 4 – 6kg củ với giá bán 300.000 đồng/kg. Nhờ trồng ba kích, gia đình anh có nguồn thu không nhỏ mỗi năm.

Nhân rộng diện tích trồng cây dược liệu

Với diện tích đất lâm nghiệp gần 55.300ha, chiếm 91% diện tích đất tự nhiên, huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) có thế mạnh lớn về phát triển kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu. Chính nhờ thế mạnh này, Ba Chẽ đã đề cao việc phát triển trồng rừng gỗ lớn và cây dược liệu có giá trị cao như: Ba kích, trà hoa vàng, quế, cát sâm...

Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện Ba Chẽ đã đưa ra kế hoạch thực hiện trồng mới 517ha cây dược liệu trong giai đoạn 2021-2025, trong đó ba kích 236ha, trà hoa vàng 230ha, cây dược liệu khác 51ha.

Trồng cây dược liệu ở Ba Chẽ - Ảnh 3.

Anh Chu Văn Bạo, thôn Đồng Doong, xã Minh Cầm đã có nghề trồng quế từ hơn hai chục năm nay

Ông Vi Thành Vinh, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Ba Chẽ cho biết: "Trồng, bảo tồn và phát huy giá trị của cây dược liệu là một hướng đi quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế, thế mạnh của huyện. Trong đó cây dược liệu đã thực sự trở thành sản phẩm chủ lực của nhiều xã, thôn trên địa bàn".

Cũng theo ông Vinh, để người dân tích cực phát triển diện tích trồng cây dược liệu, những năm qua, huyện Ba Chẽ đã có nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân trong việc trồng và tiêu thụ các sản phẩm của cây dược liệu. Khi đầu ra của cây dược liệu đã ổn định, người dân mạnh dạn hơn tự tìm nguồn vốn để đầu tư chứ không phải chỉ trông vào nhà nước.

Bên cạnh đó, để bà con mở rộng thị trường và có đầu ra tốt cho sản phẩm từ cây dược liệu, huyện Ba Chẽ đã đẩy mạnh quảng bá về cây dược liệu như chức Hội trà hoa vàng, đưa các sản phẩm trà hoa vàng, rượu ba kích... thành các sản phẩm OCOP của Ba Chẽ. Từ đó, huyện tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được tham gia các kỳ hội chợ OCOP của tỉnh và các địa phương ngoài tỉnh, để sản phẩm dược liệu Ba Chẽ ngày càng đến được với nhiều khách hàng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem