Một hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân nuôi gà sinh học, thu hơn 10 tỷ mỗi năm

Hoan Nguyễn - Mạnh Thuần Thứ ba, ngày 16/05/2023 05:12 AM (GMT+7)
Hợp tác xã gà đồi Tiên Sơn thành lập từ nhu cầu liên kết 13 hộ nông dân chăn nuôi gà trên địa bàn xã Tiên Lương (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Mỗi năm, hợp tác xã bán hơn 600 tấn gà thương phẩm, mang về doanh thu hơn 10 tỷ đồng.
Bình luận 0
Một hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân nuôi gà sinh học, thu hơn 10 tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Cùng nhau liên kết nuôi gà sinh học

Một vài năm gần đây, ở xã miền núi Tiên Lương (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã hình thành các mô hình chăn nuôi gà, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, 13 hộ nông dân nuôi gà nhỏ lẻ ở xã Tiên Lương đã liên kết, hỗ trợ nhau và lập nên HTX gà đồi Tiên Sơn vào năm 2018.

Một hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân nuôi gà, thu hơn 10 tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi gà sinh học của HTX gà đồi Tiên Sơn đang mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho người nông dân. Ảnh: Mạnh Thuần

Anh Ngô Văn Khánh - Giám đốc HTX gà đồi Tiên Sơn cho biết, sản xuất chăn nuôi những năm vừa qua gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường bấp bênh, dịch bệnh bùng phát khó lường. Từ đó, đặt ra cho những hộ nuôi gà ở đây suy nghĩ, phải hợp tác để mua chung giống, thức ăn chăn nuôi, như vậy mới có thể giảm được chi phí sản xuất và cùng nhau tìm đầu ra ổn định.

Theo anh Khánh, khi mới thành lập, HTX gà đồi Tiên Sơn đã chủ động huy động vốn của các thành viên, kết hợp với vay vốn ngân hàng để xây hơn 3.000m2 chuồng trại với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. HTX ra đời đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ thành sản xuất có liên kết với quy mô lớn, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Để mô hình nuôi gà hiệu quả, 100% thành viên HTX được trang bị kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học. Trong quá trình chăn nuôi gà sinh học, HTX sử dụng các loại thức ăn trong danh mục cho phép, chất thải chăn nuôi được thu gom, ủ bán cho các cơ sở trồng trọt nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Một hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân nuôi gà, thu hơn 10 tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Chuồng nuôi gà được hộ nông dân xây dựng độc lập, cách xa khu dân cư. Ảnh: Mạnh Thuần

HTX Tiên Lương cũng sử dụng đệm lót sinh học để tạo ra môi trường sống tốt nhất cho đàn gà đồng thời hạn chế mùi hôi, giảm lượng chất thải ngấm ra môi trường đất, nước. Ngoài ra, thành viên HTX thường xuyên khử trùng trang trại bằng vôi bột, hoạt chất vi sinh để giảm thiểu dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Mô hình nuôi gà sinh học mang về doanh thu hơn 10 tỷ/năm cho hợp tác xã

Anh Khánh chia sẻ: "HTX tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi từ giống đầu vào, vệ sinh chuồng trại đến xử lý chất thải đúng quy định để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, HTX còn tiêm phòng và bổ sung vitamin, dưỡng chất cho đàn gà tăng thêm sức đề kháng, nâng cao giá trị sản xuất".

Với phương châm sản xuất ổn định lâu dài, HTX luôn đảm bảo chất lượng, số lượng khi xuất bán. Đồng thời đảm bảo giữ giá cả hợp lý theo hợp đồng đã ký kết với các đầu mối tiêu thụ, giúp HTX mang lại lợi nhuận, tạo việc làm thường xuyên cho xã viên, nông dân trong vùng.

Nhiều năm nay, HTX thường xuyên duy trì tổng đàn gà hơn 100.000 con/năm, chủ yếu là gà thịt, gà đẻ trứng. Mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường trên 600 tấn gà thương phẩm cùng hàng vạn quả trứng. Ước tính doanh thu của HTX đạt hơn 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về trên 2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

"HTX gà đồi Tiên Sơn tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Để mô hình tiếp tục phát triển, trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh liên kết, ứng dụng đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất vào chăn nuôi gà" – anh Khánh cho biết.

Một hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân nuôi gà, thu hơn 10 tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Sau khi trừ chi phí, thu về lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng. Ảnh: Mạnh Thuần

Ông Ngô Quang Ước - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đánh giá, mặc dù xuất phát điểm của các thành viên, HTX gà đồi Tiên Sơn có khó khăn, song các thành viên HTX đã phát huy tư tưởng hợp tác, thống nhất, cùng ý chí vượt qua khó khăn.

Đặc biệt, nhờ năng động, sáng tạo, chuyển biến kịp thời theo xu hướng thị trường, áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi gà sinh học, HTX đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, tham gia tích cực vào chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Để mô hình nuôi gà đồi phát triển bền vững, ông Ước yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi mô hình, giúp HTX tháo gà đồi Tiên Sơn kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tuyên truyền nhân rộng mô hình trong nhân dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện cũng thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện về vốn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp HTX nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con xã viên.

Một hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân nuôi gà sinh học, thu hơn 10 tỷ mỗi năm - Ảnh 5.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem