Nuôi loài nhuyễn thể bổ dưỡng này xuất khẩu sang Nhật, nông dân ven biển Việt Nam sẽ tăng thu nhập

Trần Khánh Thứ tư, ngày 15/02/2023 05:30 AM (GMT+7)
Kỹ thuật nuôi hàu của Nhật Bản sẽ giúp nâng cao giá trị, tăng năng suất và tăng thu nhập cho người dân nuôi hàu ở các tỉnh ven biển Việt Nam.
Bình luận 0

Đây là nội dung được chia sẻ tại hội thảo Tiềm năng chuỗi giá trị hàu tại Việt Nam - Nhật Bản do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty CP Yamanaka và Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) phối hợp tổ chức chiều ngày 14/2, tại TP.HCM.

Nuôi hàu xuất khẩu sang Nhật Bản

Theo ICAFIS, hàu là một trong những sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ có tiềm năng lớn trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Việt Nam có diện tích nuôi hàu khoảng 3.000ha, được nuôi nhiều tại các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hàu chủ yếu được tiêu thụ nội địa và lượng xuất khẩu không nhiều. Việt Nam cũng còn thiếu các công nghệ nuôi hàu chuyên sâu để xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao.

Nông dân nuôi hàu ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Mạnh Quân

Nông dân nuôi hàu ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Mạnh Quân

JICA cho biết, Hội thảo Tiềm năng chuỗi giá trị hàu tại Việt Nam - Nhật Bản nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa 2 bên nhằm khảo sát tính khả thi của việc áp dụng kỹ thuật nuôi hàu ăn sống và kỹ thuật quản lý vệ sinh trong nuôi hàu.

Hợp tác này sẽ góp phần thúc đẩy nghề nuôi hàu ở Việt Nam, hướng tới hình thành dự án kinh doanh.

Các chuyên gia Nhật Bản đến từ các Hiệp hội, và công ty chuyên về thủy sản, quản lý vệ sinh, vi sinh đã chia sẻ về tình hình nuôi hàu tại Việt Nam, chất lượng nước, kết quả xét nghiệm vi sinh và kết quả nuôi thử nghiệm.

Hàu là một trong những sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ có tiềm năng lớn : Chitrong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ảnh: Chúc Ly

Hàu là một trong những sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ có tiềm năng lớn : Chitrong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ảnh: Chúc Ly

Các chuyên gia Nhật Bản cũng giới thiệu các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và phương pháp quản lý vệ sinh ở tỉnh Miyagi (Nhật Bản), nơi nghề nuôi hàu đang phát triển mạnh.

Ông Ihara Hidenori - Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành nông, lâm và thủy sản.

Trong đó, Việt Nam mong muốn nâng cao thu nhập của người nuôi trồng thủy sản thông qua phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong 10 năm qua. Tuy nhiên, hàu của Việt Nam hiếm khi được xuất khẩu, chủ yếu là tiêu thụ nội địa.

Đại biểu tham dự hội thảo Tiềm năng chuỗi giá trị hàu tại Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: PV

Đại biểu tham dự hội thảo Tiềm năng chuỗi giá trị hàu tại Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: PV

Nghề nuôi hàu ở Việt Nam cũng đang gặp những vấn đề như năng suất thấp, chưa có cơ sở hạ tầng nuôi hàu có khả năng chống chọi với thiên tai và có thể sản xuất hàu chất lượng cao để ăn sống.

Vì thế, Việt Nam cần phải cải thiện công nghệ nuôi trồng thủy sản và phương pháp quản lý vệ sinh, cũng như tiếp thị và phát triển các kênh bán hàu.

Công ty CP Yamanaka là doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, có trụ sở chính tại tỉnh Miyagi (Nhật Bản), nơi nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh. Năm 2019, công ty đã thành lập cơ sở tại Việt Nam và đang mở rộng hoạt động kinh doanh.

Dự án hợp tác phát triển nghề nuôi hàu tại Việt Nam sẽ sử dụng các công nghệ của Công ty Yamanaka nhằm nâng cao nhận thức về kỹ thuật nuôi hàu, và các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh.

"JICA hy vọng đây là cơ hội để lan tỏa kỹ thuật nuôi hàu có giá trị gia tăng, nâng cao năng suất, và giúp tăng thu nhập cho người dân nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam trong tương lai", ông Ihara Hidenori chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem