Nuôi con đặc sản ăn no lại nằm, ông nông dân vùng Đồng Tháp Mười ở Long An có lời 300 triệu/năm

Trần Đáng Thứ ba, ngày 28/03/2023 05:14 AM (GMT+7)
Bầm dập với nghề nuôi cá tra giống, ông Dương Văn Ngà vùng Đồng Tháp Mười, (xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) chuyển sang nuôi heo rừng lai đặc sản và bất ngờ có lời 300 triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại khi nuôi cá tra giống do thiếu đầu ra, ông Ngà đã ký kết bao tiêu với một công ty trước khi nuôi heo rừng lai đặc sản.

Nuôi con đặc sản ăn no lại nằm, ông nông dân Đồng Tháp Mười có lời 300 triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Ông Dương Văn Ngà (xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) nuôi heo rừng lai đặc sản, làm giàu ở vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Trần Đáng

"Ăn cơm nằm" nuôi heo rừng lai đặc sản 

Ông Ngà kể, những đợt thả nuôi cá tra giống trước đây khiến ông lỗ vốn hàng trăm triệu đồng do không có thị trường tiêu thụ, giá cá tra giống "lọt sàn".

Thấy cứ bám nghề nuôi cá tra giống chỉ có làm "bần cố nông", ông Ngà gom góp trong gia đình còn 50 triệu đồng quyết định mua 11 con heo rừng giống, gồm: 10 con cái, 1 con đực của một công ty để nuôi heo rừng lai. Hỏi ông Ngà học từ đâu nghề nuôi heo rừng lai, ông cười: "Tôi học trên mạng internet và sách, báo".

Thật ra, bên cạnh việc tự học kỹ thuật nuôi heo rừng lai, ông Ngà còn được hỗ trợ kỹ thuật của kỹ sư công ty bán heo giống.

Ông Ngà cho biết, heo rừng lai có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp…

Đặc biệt, giống heo rừng lai có nhiều ưu điểm, như: Khả năng thích nghi với khí hậu, địa hình địa phương, số con sinh ra nhiều hơn, tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất chuồng cao. Không tốn công canh heo sinh như nuôi heo truyền thống.

Hiện, ông Ngà đầu tư xây chuồng đạt chuẩn theo hướng dẫn của công ty bao tiêu với chuồng cho heo nái, heo con và heo tách đàn để dễ chăm sóc.

Ông Ngà cho biết thêm, chuồng trại càng cách xa khu dân cư và đường sá càng tốt. Bản năng hoang dã của heo rừng lai luôn vào tình trạng cảnh giác và hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động.

Nuôi con đặc sản ăn no lại nằm, ông nông dân Đồng Tháp Mười có lời 300 triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Nuôi heo rừng lai được bao tiêu đang là một hướng đi mới ở Đông Tháp Mười. Ảnh: Trần Đáng

Có thể vây lưới B40 thành các chuồng nuôi tự nhiên, có móng kiên cố do heo rừng lai hay đào hang. Đối với heo đực giống phải nuôi riêng, mỗi con một chuồng rộng. 

Chuồng nuôi heo rừng phải có mái che mưa, che nắng, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh mưa tạt, gió lùa.

"Không như nuôi heo thường, làm chuồng nuôi heo rừng lai đơn giản hơn", ông Ngà nhận xét.

Về nguồn thức ăn cho heo, ông Ngà tận dụng thức ăn tại chỗ, như khoai mì, khoai lang, bẹ chuối, rau, hèm bia, bã đậu… vừa giúp giảm chi phí thức ăn vừa làm thịt heo săn chắt, ít mỡ, thơm ngon khiến khách hàng ưa chuộng. Heo rừng chủ yếu ăn thức ăn xanh tươi nên ít uống nước, tuy nhiên cũng cần có đủ nước sạch và mát cho heo uống tự do.

"Kỹ thuật nuôi heo rừng lai khá đơn giản. Mỗi sáng, tôi ra chuồng làm vệ sinh, dọn bỏ thức ăn dư thừa, rửa sạch máng ăn, uống…, sát khuẩn nếu cần. Mỗi ngày, cho heo ăn 2 lần. Nuôi heo rừng lai chỉ ngại dịch tả heo châu Phi, còn các bệnh lặt vặt khác không quá đáng ngại", ông Ngà thổ lộ.

Lời to nhờ nuôi heo rừng lai ở vùng Đồng Tháp Mười

Theo ông Ngà, mỗi con heo rừng giống đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa 6 - 9 con (lần 1). Sau đó, số lượng heo con mỗi lần sinh 7 - 12 con, thậm chí là 14 con. Sau 5 - 6 tháng là xuất bán heo con. Mỗi heo con có cân nặng 20 - 30kg. Bình quân, 1 con heo giống cho lợi nhuận 20 triệu đồng/năm.

Nuôi con đặc sản ăn no lại nằm, ông nông dân Đồng Tháp Mười có lời 300 triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Nhờ nuôi heo rừng lai, ông Ngà có lời 300 triệu/năm. Ảnh: Trần Đáng

Về đâu ra, công ty bao tiêu với giá heo rừng thấp nhất là 85.000đồng/kg và cao nhất là 120.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, công ty cũng đảm bảo con giống sinh sản đạt 6 - 9 con. 

Nếu số lượng con giống không đạt sẽ được đổi lại và không phải tốn kinh phí đầu tư con giống trong suốt thời gian hợp đồng. Trong quá trình 1 năm nuôi nếu con giống chết sẽ được đền bù và khi dịch tả heo châu Phi xảy ra sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí khắc phục hậu quả.

"Có công ty bao tiêu đầu ra cho con heo rừng nên tôi không sợ nuôi mà không bán được. Giờ chỉ nuôi heo rừng cho chất lượng tốt và bán lấy tiền", ông Ngà bộc bạch.

Từ hơn chục con heo rừng giống, giờ đàn heo rừng của ông Ngà có hàng trăm con. Ông Ngà tính, nhờ nuôi heo rừng lai đặc sản, mỗi năm ông có lời khoảng 300 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem