Nuôi loài ăn tạp và ít mắc bệnh, nông dân ở TT-Huế “ngồi mát ăn bát vàng”

Văn Hòa Thứ hai, ngày 13/09/2021 06:09 AM (GMT+7)
Với việc phát triển thành công mô hình nuôi loài ăn tạp là con ba ba với quy mô lớn, một số hộ nông dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế (TT-Huế) từ chỗ đời sống khó khăn đã nhanh chóng đổi đời với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Về xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế), nhắc đến tên ông Võ Lựa thì không ai là không biết. 

Ông Lựa (trú thôn Xuân Thiên) nổi tiếng vì là người đầu tiên ở huyện Phú Vang phát triển thành công mô hình nuôi ba ba quy mô lớn. 

Hiện tại ông đang nuôi 7 bể ba ba với hơn 1.000 con, trong đó có 250-300 con mẹ nuôi giống.

Nuôi loài ăn tạp và ít mắc bệnh, nông dân ở TT-Huế “ngồi mát ăn bát vàng” - Ảnh 1.

Ông Võ Lựa bên trang trại nuôi ba ba- loài ăn tạp- đưa lại thu nhập cao của gia đình ông tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế. Ảnh: Văn Hòa.

Ông Lựa chia sẻ: "Tôi nuôi ba ba đến nay đã gần 15 năm. Tôi học hỏi cách nuôi từ một người bạn trong Đăk Lăk, sau khi nuôi thử nghiệm thành công, tôi mở rộng mô hình. Thời gian trước tôi nuôi tới 18 bể với khoảng hơn 2.000 con, hiện nay vì diện tích vườn thu hẹp nên quy mô nuôi bị giảm đi nhiều".

Ông Lựa cho biết, ba ba là loài ăn tạp, khỏe mạnh, ít tốn công chăm sóc. Thức ăn của ba ba thường là cá, ốc, rau cỏ, bột công nghiệp...

Trong quá trình nuôi cần đảm bảo nguồn nước sạch sẽ, trong bể trồng bèo tây để chống nắng nóng cho ba ba. Nếu cho ăn nhiều thức ăn dạng bột thì cần thay nước trong hồ 10 ngày một lần để ba ba không bị bệnh. 

Theo ông Lựa, việc để nguồn nước hồ nuôi bị nhiễm bẩn sẽ khiến ba ba bị các chứng bệnh như nấm da, sưng cổ, đỏ mắt….

Nếu thay nước theo đúng thời gian thì sẽ ngăn chặn được các bệnh này. Khi ba ba bị nấm da có thể chữa trị bằng cách lau khô da cho con vật rồi sau đó dùng thuốc tím thoa lên vết thương vài lần thì sẽ khỏi hẳn. Số lượng ba ba trong một bể cũng cần ở mức vừa phải để chúng không cắn nhau.

"Để tăng hiểu quả kinh tế, tôi đã tự xây bể ấp và ươm con giống. Mỗi con ba ba mẹ sẽ đẻ từ 10-15 trứng, trung bình mỗi năm đẻ từ 3-4 lần. Ba ba con sau khi được ươm đủ trọng lượng sẽ được dồn sang hồ riêng để nuôi thịt", ông Lựa kể.

Nuôi loài ăn tạp và ít mắc bệnh, nông dân ở TT-Huế “ngồi mát ăn bát vàng” - Ảnh 2.

Bể cát được ông Võ Lựa thiết kế trong hồ nuôi để phục vụ cho ba ba đẻ trứng- Ảnh: Văn Hòa.

Về kỹ thuật ấp trứng ba ba, ông Lựa cho biết: "Trung bình 7-10 ngày ba ba sẽ đẻ xong một lứa trứng, sau thời gian đó sẽ đào lấy trứng đưa vào buồng ấp riêng. Buồng ấp trứng được lót một lớp cát dày dưới đáy, xếp trứng và tiếp tục lấp một lớp cát giày 4-5 phân nữa...".

Theo ông Lựa, trong quá trình ấp mỗi buổi sáng cần phải phun nước bề mặt để cung cấp độ ẩm cho cát. Giữa buồng ấp đặt một tô nước, sau khi ba ba con nở sẽ bò vào tô nước, thuận tiện cho việc bắt để ươm giống...

Ông Lựa cho hay, thời gian để có thể xuất bán một lứa ba ba thịt thông thường là một năm, mỗi con có trọng lượng từ 2,5- 3kg, giá thành 300- 350.000 đồng/kg. Nếu nuôi đạt sẽ cho thu nhập cao với mức "một vốn bốn lời".

Ngoài thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ ba ba, ông Lựa còn tận dụng diện tích bể nuôi và nguồn thức ăn thừa của ba ba để nuôi thêm một số loài như cá rô, cá lóc, cá trê, lươn…Các loài cá này vừa giúp làm sạch nước trong bể nuôi và là nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường.

Nhờ quá trình nuôi, chăm sóc ba ba ít tốn thời gian và công sức nên ông Lựa còn làm thêm được nhiều công việc khác để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nuôi loài ăn tạp và ít mắc bệnh, nông dân ở TT-Huế “ngồi mát ăn bát vàng” - Ảnh 3.

Cuộc sống gia đình ông Phan Bá Lương trở nên khá giả từ khi nuôi ba ba. Ảnh: Văn Hòa.

Ông Phan Bá Lương (67 tuổi, trú thôn 2 xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng ăn nên làm ra bằng mô hình nuôi ba ba từ 10 năm nay. 

Hiện ông Lương đang có 7 bể nuôi ba ba, trong đó 2 bể dành nuôi giống, 5 bể còn lại nuôi ba ba thịt.

Ông Lương kể: "Nhận thấy ba ba dễ nuôi lại cho thu nhập cao nên 4 anh em tôi đều xây bể nuôi với số lượng hàng ngàn con. Hiện trang trại của tôi mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn con ba ba thịt đưa về nguồn thu hàng trăm triệu đồng".

Theo ông Lương, trước khi nuôi ba ba, ông từng nuôi ếch, cá chình, lươn nhưng việc nuôi những loài này hiểu quả kinh tế không cao bằng ba ba. 

Đầu ra của ba ba hiện nay rất dễ, vì thịt ba ba được nhiều nhà hàng ưa chuộng. Dù chỉ bán ở trong tỉnh nhưng có nhiều thời điểm trang trại của ông không đủ số lượng ba ba để cung cấp cho thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem