Nuôi lợn ăn đứt làm thép, doanh nghiệp đua nhau tái đàn

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 27/08/2020 09:47 AM (GMT+7)
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi mấy ngày gần đây đã giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất, bình quân ở mức 77.000 - 83.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá thành sản xuất khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg lợn hơi tùy điều kiện, các trang trại, doanh nghiệp vẫn thu lãi "khủng".
Bình luận 0

Giá lợn hơi trên đỉnh, đàn lợn của 16 doanh nghiệp tăng 50%

Giá lợn hơi đứng vững ở mức cao từ cuối năm 2019 đến nay đã tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đua nhau tái đàn. Theo báo cáo của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, tính đến tháng 7/2020, đàn lợn thịt của các đơn vị này đạt trên 4,88 triệu con, tăng 52,8% so với 1/1/2019 (trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi) và tăng 46,8% so với 1/1/2020.

 Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến hết quý III đạt 5,17 triệu con và quý IV đạt 5,36 triệu con (tăng 68% so với 1/1/2020).

Nuôi lợn ăn đứt làm thép, doanh nghiệp đua nhau tái đàn - Ảnh 1.

Giá lợn hơi tăng cao, thúc đẩy doanh nghiệp và trang trại tái đàn. Ảnh: Minh Ngọc.

Giá lợn hơi liên tục lập kỷ lục đã giúp các doanh nghiệp này thu lãi khủng. Chỉ tính riêng, Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, tính đến tháng 6/2020, đàn lợn của doanh nghiệp này đạt 2,6 triệu con, tăng 1,1 triệu con so với thời điểm 1/1/2019 và tăng trên 200.000 con so với thời điểm từ đầu năm nay.

Giá bán thịt lợn tăng tới 84% kể từ đầu năm đến nay đã giúp CP CP Group (công ty mẹ của Công ty chăn nuôi CP Việt Nam) có doanh thu tăng 35%, lên mức 52,5 tỉ baht Thái Lan (tương ứng 39.000 tỉ đồng). 

Tập đoàn Dabaco cũng đang "hốt bạc" nhờ giá lợn hơi tăng như lên đồng suốt thời gian dài. Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Dabaco đạt 4.605 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

 Doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế hơn 750 tỉ đồng, tăng gấp 28 lần so với nửa đầu năm ngoái và vượt xa chỉ tiêu đạt 457 tỉ đồng kế hoạch cả năm 2020.

Đàn lợn của Công ty Phát triển chăn nuôi Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) cũng đã tăng gấp đôi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, từ 50.600 con (tháng 1/2020) lên 126.000 con (tháng 6/2020).

 Doanh thu từ chăn nuôi và nông nghiệp của công ty tăng trưởng 42% trong nửa đầu năm, đạt 5.043 tỉ đồng và là mảng đóng góp lớn thứ 2 cho tập đoàn, chỉ đứng sau thép. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu nâng công suất chăn nuôi lên tới 450.000 đầu heo thương phẩm/năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Mavin đã phục hồi sản xuất chăn nuôi heo của hệ thống bằng với quy mô tại thời điểm trước khủng hoảng Dịch tả heo Châu Phi và dự kiến các tháng cuối năm có thể đạt mức tăng trưởng từ 15 – 20%.

Tính tới thời điểm hiện tại, mảng chăn nuôi lợn của Mavin sở hữu 30.000 lợn nái sinh sản, hệ thống trang trại chăn nuôi heo có quy mô 150.000 chuồng nuôi có thể sản xuất được từ 400.000 – 500.000 lợn thịt thương phẩm mỗi năm (3 lứa/năm).

Đàn lợn cả nước đã đạt 81% so với trước dịch

Chủ trương đẩy mạnh tái đàn theo hướng an toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các giải pháp mạnh mẽ đến thời điểm này đã thu được kết quả khả quan, sản phẩm thịt lợn của quá trình tái đàn đã bắt đầu tung ra thị trường, kéo giá lợn hơi dần đi vào trạng thái bình ổn.

Nuôi lợn ăn đứt làm thép, doanh nghiệp đua nhau tái đàn - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hiện đạt trên 80.000 đồng/kg, giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm giá lợn hơi lập kỷ lục cao nhất.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi trong 1 tuần nay xuất tại cửa chuồng đã giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Theo đó, giá lợn hơi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 80.000 - 83.000 đồng/kg; khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai) giá lợn hơi khoảng 79.000 - 82.000 đồng/kg; khu vực miền Trung giá lợn hơi đạt 77.000 - 79.000 đồng/kg; miền Bắc giá lợn hơi vẫn cao nhất: 80.000 - 83.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi xuất chuồng của CP bán ở Miền Bắc là 80.000 đồng/kg, miền Nam là 80.500 đồng/kg.

Nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành nuôi lợn khoảng 71.000 đồng/kg lợn hơi, nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg lợn hơi. Như vậy, với mức giá hiện nay, các trang trại, doanh nghiệp vẫn đảm bảo lãi khủng.

Đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (trên 31 triệu con vào 31/12/2018).

Có 12 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,3%  so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 12/2018). Đứng đầu là Bình Phước đạt 164,7%; tiếp đến là Bình Định, Kon Tum, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Yên Bái, Hòa Bình, Tây Ninh, Sơn La, Lâm Đồng, Khánh Hòa.

Nhóm 2 tỷ lệ tái đàn từ 90- dưới 100%, trung bình tái đàn 94,3% so với 31/12/2018, gồm 9 tỉnh: Bình Thuận; Gia Lai; Quảng Bình; Thanh Hóa; Phú Yên; Bình Dương; Đắk Lắk; Hà Giang; Cần Thơ.

Nhóm 3 với tỷ lệ tái đàn tử 70- dưới 90%, trung bình tái đàn 81,0% so với 31/12/2018, gồm 20 tỉnh, thành phố. Nhóm 4 gồm 22 tỉnh, thành phố với tỷ lệ tái đàn dưới 70%, trung bình tái đàn chỉ đạt 55,5% so với 31/12/2018.

Đến tháng 7/2020 theo báo cáo của các địa phương tổng đàn nái của cả nước đạt trên 2,93 triệu con, tăng hơn 7,7% so với 01/01/2020, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý II/2020 (trong đó có 115.000 con cụ kỵ và ông bà). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem