Nuôi lợn công nghệ cao, 3 ngày phun thuốc khử trùng 1 lần, ông nông dân Vĩnh Phúc thành tỷ phú

Phạm Huệ (Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc) Thứ tư, ngày 26/01/2022 19:00 PM (GMT+7)
Mạnh dạn đổi mới, kiên trì, chịu khó học hỏi cộng với việc áp dụng kỹ thuật khoa học công nghệ trong chăn nuôi lợn, ông Phạm Văn Hải, thôn Tân Cương, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Sinh ra trong nghèo khó nhưng tư tưởng không chịu nghèo đã giúp ông Phạm Văn Hải quyết tâm vươn lên làm giàu. 

Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi lợn từ sách vở, bạn bè, tận dụng lợi thế đất đai rộng, năm 2007, gia đình ông bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ. 

Nuôi lợn công nghệ cao, 3 ngày phun thuốc khử trùng 1 lần, ông nông dân Vĩnh Phúc thành tỷ phú - Ảnh 1.

Trâng trại nuôi lợn công nghệ cao của gia đình ông Phạm Văn Hải, thôn Tân Cương, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc).

Đến năm 2010, ông mở rộng mô hình chăn nuôi khép kín lên tới 10.000m2 với cộng nghệ cao hiện đại từ hệ thống chuồng trại kết hợp với đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Trang trại tuân thủ nội quy “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và được xây dựng đúng chuẩn kỹ thuật, được trang bị hệ thống thông gió, sưởi ấm, làm mát. 

Vệ sinh chuồng trại được bảo đảm nghiêm ngặt; khoảng cách từ cổng đến trang trại nuôi lợn là 100m, được rải vôi và có nhân viên kiểm tra theo quy định. 

Mỗi ngày đàn lợn đều được chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng; định kỳ 3 ngày sẽ phun thuốc khử trùng một lần để bảo đảm an toàn. Các vấn đề vệ sinh về nguồn nước, nguồn thức ăn đều được chú trọng nhằm tăng cường khả năng đề kháng cho đàn lợn.

Cuối năm 2016, thị trường chứng kiến sự tuột dốc của giá lợn hơi, giá thịt lợn trên cả nước, tiếp đó, từ năm 2019 đến nay, dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi. 

Nhưng với quyết tâm vươn lên, duy trì thành quả đã gây dựng được, ông Hải tiếp tục bám đàn. Trong khi nhiều hộ gia đình bỏ đàn, không tái đàn nữa vì thua lỗ, gia đình ông vẫn phát triển mô hình chăn nuôi lợn và cho thu nhập ổn định. 

Đến nay, trang trại lợn của gia đình ông có hơn 300 con lợn nái, gần 4.000 con lợn bột và lợn con. Trung bình mỗi tháng sẽ cho xuất chuồng từ 400 đến 500 con, trừ chi phí mỗi năm, trang trại cho thu nhập khoảng từ 5 - 6 tỷ đồng/năm. 

Mô hình nuôi lợn công nghệ cao của gia đình ông thường xuyên tạo việc làm cho 14 lao động với thu nhập ổn định.

Nói về bí quyết thành công trong chăn nuôi lợn-ngành chăn nuôi rủi ro khá cao, ông Phạm Văn Hải cho biết: “Tôi thường xuyên tham khảo kỹ thuật chăn nuôi lợn cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn trong việc đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, vệ sinh môi trường, lựa chọn kỹ lợn giống, quan trọng nhất là tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn đúng thời điểm và liều lượng…”.

Để giúp bà con trong thôn cùng phát triển kinh tế, ông Hải tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy, suy nghĩ, đổi mới cách làm.

Ông cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn cũng như kỹ thuật nuôi lợn cho các hộ có nhu cầu. Đã có rất nhiều hộ học theo mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt.

Với những nỗ lực trong quá trình phát triển kinh tế gia đình qua mô hình nuôi lợn công nghệ cao, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Phạm Văn Hải đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem