Cho lợn đen bản địa "ăn chè khổng lồ", 8X dân tộc Tày ở Hòa Bình hễ nói bán là khối người mua

Phạm Hoài - Tuệ Linh Thứ sáu, ngày 14/04/2023 12:46 PM (GMT+7)
Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, cô gái 8X dân tộc Tày ở tỉnh Hòa Bình đã thành công với mô hình nuôi lợn đen bản địa, cho thu lãi từ 150 – 200 triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0


Cho lợn đen bản địa ăn chè khổng lồ, 8X dân tộc Tày lãi hơn 150 triệu đồng mỗi năm.

Bỏ việc nhà nước để về nuôi lợn đen bản địa

Người mà chúng tôi nhắc đến đó là chị Xa Thị Lan, sinh năm 1989, ở xóm Mới, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Bộ vào năm 2011 với tấm bằng cử nhân. 

Sau khi ra trường, chị Lan xin được công việc văn phòng ở xã Đồng Chum. Sau một thời gian làm việc, thấy thu nhập thấp không đủ chi phí sinh hoạt hằng ngày, chị đã quyết định xin nghỉ để tìm công việc khác. 

Trong thời gian ấy, chị Lan đã bén duyên với mô hình nuôi lợn đen bản địa ở địa phương.

Ban đầu, chị Lan chỉ mua 3 con lợn nái để về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, mỗi năm đàn lợn cho hai lứa, mỗi lứa trung bình đàn lợn đẻ được 8 - 10 con lợn con. Sau 8 tháng chăm sóc, chị Lan xuất bán gần 30 con lợn thịt thu về gần 50 triệu đồng.

Cho lợn đen bản địa ăn chè khổng lồ, 8X dân tộc Tày lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Khu chuồng trại chăn nuôi rộng 180m2 của chị Lan ở xóm Mới, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Phạm Hoài)

Thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi lợn đen mang lại, năm 2016, chị Lan đã bàn bạc gia đình và vay vốn thêm để mở rộng chuồng trại và số lượng đàn. Sau nhiều tháng chăm sóc, đàn lợn của chị Lan sinh trưởng và phát triển tốt. Thế nhưng, chưa được bao lâu, đàn lợn của gia đình chị bị dịch bệnh chết gần hết, mọi công sức và tiền của coi như bỏ xuống sông, xuống biển.

Trò chuyện với phóng viên, chị Lan chia sẻ: Trước đây do thiếu kinh nghiệm, khu chuồng trại chăn nuôi của tôi được xây dựng gần khu dân cư, có nhiều xe chở gia súc đi lại. 

Các xe hàng đưa lợn dưới xuôi đi qua đi lại đã làm lây lan dịch bệnh cho đàn lợn của gia đình. Đàn lợn sau đó đã bị chết gần hết.

Cho lợn đen bản địa ăn chè khổng lồ, 8X dân tộc Tày lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Để đàn lợn được khoẻ mạnh tránh dịch bệnh, chị Lan đã xây dựng khu chuồng trại cách xa khu dân cư. (Ảnh: Phạm Hoài)

Sau lần đó, tôi đã đi tìm hiểu và học kinh nghiệm ở các trang trại chăn nuôi lợn trong và ngoài tỉnh. Được anh chị trong hội chăn nuôi chỉ bảo, tôi đã làm khu chuồng trại cách xa khu dân cư để tránh dịch bệnh cho đàn lợn. Đồng thời, đầu tư làm hàng rào lưới B40 rào quanh khu đồi rộng 3.000m2 của gia đình để nuôi lợn theo hình thức bán chăn thả.

"Mỗi con lợn nái được ở trong một chuồng khoảng gần 20m2, khi lợn sinh ra khoảng 2-3 tháng và đạt trọng lượng từ 8-12kg sẽ được thả vào khu đồi đã rào lưới B40 để lợn vận động nhiều hơn, giúp lợn săn chắc hơn" - chị Lan cho hay.

Cho lợn đen bản địa ăn chè khổng lồ, cử nhân dân tộc Tày trở thành triệu phú

Hiện nay, đàn lợn của gia đình đang có khoảng 60 con bao gồm cả lợn nái và lợn thịt. Lợn được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như ngô, chuối, sắn… Thức ăn công nghiệp thì chỉ dùng cho lợn con khi mới tách đàn. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, chị Lan nhận thấy chè khổng lồ là loại thức ăn tốt cho lợn, do vậy, chị đã trồng gần 2.000m2.

Cho lợn đen bản địa ăn chè khổng lồ, 8X dân tộc Tày lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Chị Lan thường cho lợn ăn chè khổng lồ để tăng sức đề kháng cho lợn, giúp đường ruột của lợn luôn khoẻ mạnh. (Ảnh: Phạm Hoài)

"Cây chè khổng lồ có lượng protein thô khoảng 15-22%, cao gấp khoảng 2 lần cỏ, hàm lượng canxi, chất xơ và vitamin cũng cao hơn so với các loại cây thức ăn khác nên được các trang trại lợn sử dụng. Lợn nếu bị tiêu chảy ăn vào rất tốt. Tôi thường thái nhỏ chè khổng lồ rồi trộn với ngô, sắn và dùng máy ép cám ép thành cám viên cho lợn ăn để tăng sức đề kháng cho lợn" – chị Lan nói.

Theo chị Lan, ngoài bổ sung chất, để đàn lợn phát triển tốt, phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Lợn con khi sinh ra 3 – 5 ngày sẽ được tiêm sắt cộng với vắc xin, qua đó, giúp lợn con luôn khoẻ mạnh, tránh dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh chuồng trại cũng phải được chú trọng. Chuồng trại phải được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ, phun khử trùng định kỳ và rắc vôi bột mỗi tuần một lần.

Cho lợn đen bản địa ăn chè khổng lồ, 8X dân tộc Tày lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Chuồng trại được chị Lan quét dọn, vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. (Ảnh: Phạm Hoài)

Năm 2021, nhận thấy mô hình nuôi lợn đen bản địa có triển vọng tại địa phương, hợp tác xã (HTX) đa ngành nghề Đồng Chum được thành lập với 15 thành viên, đồng thời, HTX cũng được cấp giấy chứng nhận VietGap đối với sản phẩm lợn thịt. Gia đình chị Lan cũng là một trong những thành viên trong HTX.

Nhờ được cấp chứng nhận VietGap, lợn đen bản địa của gia đình chị được nhiều khách hàng tin tưởng và đặt hàng. Số lượng lợn xuất bán mỗi ngày một nhiều hơn. Bình quân, mỗi năm chị Lan bán gần 40 con lợn thịt, sau khi trừ chi phí, chị lãi từ 150-200 triệu đồng.

Chia sẻ thêm với phóng viên, chị Lan cho biết: Tôi đang chuyển hướng sang bán lợn giống, bởi bán lợn giống có lợi thế là thu hồi vốn nhanh. Lợn chỉ mất 2 tháng nuôi là đã xuất bán được. Từ đầu năm đến nay, tôi đã xuất bán hơn 60 con lợn giống.

Cho lợn đen bản địa ăn chè khổng lồ, 8X dân tộc Tày lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 5.

Theo chị Lan, khi phối lợn đen bản địa với lợn rừng tỉ lệ nạc sẽ tăng lên được 65 -70%, chất lượng thịt sẽ ngon hơn. (Ảnh: Tuệ Linh)

Bên cạnh đó, tôi đang thử phối lợn đen bản địa với lợn rừng, bởi lợn đen bản địa của mình chân nhỏ, tai nhỏ thì thịt có nhiều mỡ, khi phối với lợn rừng tỉ lệ nạc sẽ tăng lên được 65 -70%, chất lượng thịt sẽ ngon hơn.

 "Đến nay, HTX đa ngành nghề Đồng Chum có trên 30 thành viên, định hướng trong tương lai, chúng tôi sẽ cung ứng thịt lợn sạch theo hướng chuỗi giá trị cho các siêu thị nhà hàng ở thành phố Hà Nội" - chị Lan nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem