Thái Nguyên: Ông nông dân nuôi "con chết sớm", chế ra thứ "thức ăn siêu đạm", gà, vịt ăn vô vừa lớn vừa khỏe

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 22/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trải qua nhiều lần thử nghiệm cũng như thất bại, cuối cùng ông Nguyễn Văn Tuyên, (xóm Cà, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã thành công và đạt những hiệu quả bước đầu với mô hình nuôi ruồi lính đen.
Bình luận 0

Cơ duyên với mô hình nuôi ruồi lính đen

Ông Nguyễn Văn Tuyên hiện là Giám đốc HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú, chuyên chăn nuôi gia cầm thương phẩm và xuất bán ra thị trường. Với niềm đam mê nông nghiệp, ông Tuyên luôn mày mò, tìm tòi, học hỏi những mô hình hay, nghiên cứu những phương pháp chăn nuôi vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại tiết kiệm chi phí và an toàn.

Thái Nguyên: Thành công với mô hình nuôi ruồi lính đen, ông nông dân giải quyết nhiều khó khăn cho người chăn nuôi - Ảnh 1.

Bên cạnh chăn nuôi gà thương phẩm, ông Nguyễn Văn Tuyên còn nuôi ruồi lính đen. (Ảnh: Hà Thanh)

Năm 2018, trong một lần đi tìm đầu ra cho gà đồi sạch, ông đã gặp và trò chuyện với một chuyên gia nông nghiệp, chuyên nghiên cứu về khoa học vi sinh, hữu cơ. Nhờ cuộc gặp gỡ, ông đã có thêm được nhiều kiến thức và động lực để nghiên cứu, thử nghiệm làm men vi sinh và mô hình nuôi ruồi lính đen.

Sau nhiều lần đi tham quan học hỏi mô hình nuôi ruồi lính đen tận trong Nam, tháng 2/2021, ông Tuyên bắt đầu thử nghiệm mô hình này.

Là người đầu tiên nuôi ruồi lính đen tại địa phương nên ông không tránh khỏi những lúc gặp phải khó khăn.

Dù dồn nhiều tâm huyết, tiền bạc, nhưng ông Tuyên vẫn nhiều lần thất bại, thậm chí có lúc nản lòng định từ bỏ.

Nhưng rồi niềm đam mê đã thôi thúc ông tiếp tục, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên cuối cùng ông đã thành công. Đến nay sau hơn nửa năm, ruồi lính đen đã sinh sản và phát triển ổn định.

Thái Nguyên: Thành công với mô hình nuôi ruồi lính đen, ông nông dân giải quyết nhiều khó khăn cho người chăn nuôi - Ảnh 2.

Sau nhiều lần thất bại, đến nay ông Tuyên đã thành công với mô hình nuôi ruồi lính đen. (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Tuyên cho biết, phải mất rất nhiều thời gian và công sức ông mới có thể phát triển thành công mô hình như hiện nay.

Theo ông Tuyên, vòng đời của ruồi lính đen tùy thuộc vào nhiều yếu tố, thường kéo dài khoảng 45 – 50 ngày.

Thái Nguyên: Thành công với mô hình nuôi ruồi lính đen, ông nông dân giải quyết nhiều khó khăn cho người chăn nuôi - Ảnh 3.

Trứng ruồi lính đen sau 3 ngày ấp sẽ nở ra ấu trùng. (Ảnh: Hà Thanh)

Ruồi cái sau khi được giao phối với con đực sẽ đẻ trứng. Sau đó, trứng được thu gom mang cho vào khay ấp khoảng 3 ngày thì nở ra ấu trùng.

Sau khoảng 18 ngày trong điều kiện chăm sóc tốt, ấu trùng phát triển thành sâu canxi. Nuôi tiếp sâu canxi, nó sẽ dần chuyển từ màu trắng thành màu đen, gọi là nhộng. Tiếp đó, nhộng sẽ đóng kén và sau khoảng 1 tuần sẽ phát triển thành ruồi lính đen.

Sau khoảng 3 ngày thoát kén, lính ruồi đen trưởng thành sẽ giao phối. Sau khi giao phối xong, lính ruồi đen đực sẽ chết đi. Sau khi đẻ từ 500 – 700 trứng, lính ruồi đen cái cũng sẽ chết.

Thái Nguyên: Thành công với mô hình nuôi ruồi lính đen, ông nông dân giải quyết nhiều khó khăn cho người chăn nuôi - Ảnh 4.

Ấu trùng ruồi lính đen sau khoảng 18 ngày sẽ phát triển thành sâu canxi, có hàm lượng dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn cho chăn nuôi (Ảnh: Hà Thanh)

Ruồi lính đen sinh sản tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ khoảng trên 20oC, nếu nhiệt độ thấp ruồi lính đen sẽ không sinh sản.

Do đó, khoảng thời gian tốt nhất để ruồi lính đen sinh sản là từ tháng 2 đến giữa tháng 10. Khi thời tiết lạnh, cần đảm bảo khu vực nuôi ruồi lính đen được che chắn kín gió.

Thái Nguyên: Thành công với mô hình nuôi ruồi lính đen, ông nông dân giải quyết nhiều khó khăn cho người chăn nuôi - Ảnh 5.

Ruồi lính đen không ưa ánh sáng, không ưa khí hậu lạnh. (Ảnh: Hà Thanh)

Nguồn thức ăn của ruồi lính đen là thức ăn thừa, bã đậu, các phụ phẩm nông nghiệp hay gia cầm chết sau khi ủ men vi sinh. Bên cạnh đó, ruồi lính đen không ưa ánh sáng, thường ăn vào ban đêm, do đó nên cho ăn vào buổi chiều.

Chú ý, sau khi đẻ trứng xong, ruồi lính đen không ăn mà chỉ uống nước. Nếu thiếu nước, ruồi lính đen sẽ chết, do đó mỗi ngày cần dùng phun nước dưới dạng hạt sương xung quanh màn che để ruồi có thể uống. Cũng không nên phun quá nhiều nước dưới sàn khiến trong quá trình giao phối, ruồi lính đen bị ướt dẫn đến chết.

Thái Nguyên: Thành công với mô hình nuôi ruồi lính đen, ông nông dân giải quyết nhiều khó khăn cho người chăn nuôi - Ảnh 6.

Sau khi giao phối và đẻ trứng, lính ruồi đen sẽ chết đi (Ảnh: Hà Thanh)

Hiệu quả từ nuôi lính ruồi đen

Khác với một số người nuôi ruồi lính đen hiện nay, trước khi đưa thức ăn vào cho ruồi lính đen, ông Tuyên đã xử lý nguồn thức ăn bằng cách trộn men vi sinh do ông tự nghiên cứu sản xuất. Như vậy, vừa đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời khi sâu canxi được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi sẽ an toàn.

Ruồi lính đen là loài không gây hại cho môi trường và không mang các tác nhân gây bệnh như ruồi nhà. Ngoài ra, ruồi lính đen không có vòi nên không chích hút vào hoa quả và không bám vào thức ăn như các loài ruồi khác nên khá an toàn.

Thái Nguyên: Thành công với mô hình nuôi ruồi lính đen, ông nông dân giải quyết nhiều khó khăn cho người chăn nuôi - Ảnh 7.

Ruồi lính đen không gây hại cho môi trường nên chúng không bao giờ bay ra khỏi khu vực sinh sống. (Ảnh: Hà Thanh)

Ngoài nuôi ruồi lính đen, ông Tuyên còn kết hợp nuôi giun trùn quế để sản xuất đạm thủy phân, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ cho chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp.

Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất từ ruồi lính đen, giun trùn quế đã được ông Tuyên thử nghiệm trên 2 mô hình trồng chè tại Phú Lương và Tân Cương đem lại hiệu quả rất lớn.

Sau khi sử dụng chế phẩm, cây chè phát triển nhanh, lá xanh và bóng, đồng thời ít sâu bệnh hơn hẳn với sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khác.

Theo ông Tuyên, với 1 tấn sâu canxi, giun trùn quế kết hợp một số loại nguyên liệu khác sẽ sản xuất ra được khoảng 2 tấn thành phẩm đạm thủy phân. Sau khi trộn đạm thủy phân với các loại cám công nghiệp, sẽ giảm được đáng kể chi phí thức ăn, đồng thời giảm bệnh dịch và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiệu quả.

Dự kiến, sản phẩm đạm thủy phân sau khi hoàn thiện và bán ra thị trường sẽ có giá bán khoảng 100.000 đồng/lít.

Với việc nghiên cứu ra thức ăn chăn nuôi và một số chế phẩm khác từ ruồi lính đen, giun trùn quế, ông Tuyên mong muốn sẽ giải quyết những khó khăn cho người chăn nuôi trong thời kỳ thức ăn chăn nuôi công nghiệp đang bão giá như hiện nay. Đồng thời, hướng bà con nông dân đến sản xuất những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và chất lượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem