Nuôi toàn đặc sản tôm hùm, cá mú, nông dân Khánh Hòa thu lãi khủng

Công Tâm Thứ ba, ngày 09/08/2022 06:00 AM (GMT+7)
“Chúng ta không thể nuôi biển theo hình thức cũ mà phải tổ chức lại sản xuất, kết nối với thị trường. Nuôi biển muốn hiệu quả thì sản phẩm cung cấp ra thị trường phải tươi ngon không khác gì so với đánh bắt” - ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết.
Bình luận 0

Vừa qua, tại TP.Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu".

Tiềm năng nuôi cá lồng bè lớn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh –Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển nhờ có bờ biển dài trên 3.260km và trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều eo vịnh. 

Với quan điểm của Trung ương, của Chính phủ, của Bộ NNPTNT tiếp cận mới với biển, chúng ta đã có chiến lược phát triển biển và đề án nuôi biển do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ NNPTNT làm thế nào để tiếp cận ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường một cách hài hòa nhất, theo hướng giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng.

Phát triển nuôi biển bài bản, bền vững, hiệu quả - Ảnh 1.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu ở huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ảnh: C.T

Phát triển nuôi biển bài bản, bền vững, hiệu quả - Ảnh 2.

Theo ông Thanh, việc đưa công nghệ mới, đưa giải pháp mới, cách nhìn mới trong nuôi biển cần phải có chiến lược. Bởi không chỉ phát triển cho ngư dân mà còn phát triển tổng hợp kinh tế - xã hội, đặc biệt vấn đề môi trường biển. 

Chiến lược nuôi biển không chỉ riêng của Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông quốc gia mà tất cả các cơ quan của Bộ NNPTNT và các địa phương phải cùng tham gia.

Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha.Trong đó, diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300ha; diện tích nuôi vùng vịnh, eo ngách, ven đảo hơn 79,7ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000ha, với các loài cá chủ lực như: Cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển...

Cả nước hiện có 51 cơ sở sản xuất giống cá biển. Sản lượng sản xuất thực tế đạt 509 triệu con. Số cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ bờ đến 3 hải lý là 6.506 cơ sở. Trong đó có 3.795 cơ sở nuôi cá biển, 1.846 cơ sở nuôi tôm hùm và 865 cơ sở khác.

Bên cạnh thuận lợi, nghề nuôi cá biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết; cơ sở hạ tầng nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu, sử dụng cá tạp làm thức ăn dễ gây ô nhiễm môi trường...

Ứng dụng công nghệ mới vào nuôi cá lồng bè trên biển

Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, những năm trở lại đây, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã chuyển dần theo hướng công nghiệp, tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá mú, cá bớp, cá chim, ốc hương... Trong đó, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm. Trong năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 63.400 ô lồng nuôi tôm hùm, sản lượng đạt khoảng 1.500 tấn.

Các loài cá biển như: Cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng... cũng đang được nuôi nhiều tại các vịnh, đầm với khoảng 7.220 lồng, tổng sản lượng khoảng 10.000 tấn. Cá biển nuôi lồng với 2 hình thức lồng bè truyền thống và lồng Na Uy.

Với sự hỗ trợ của dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng, hình thành vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung tại Ninh Vân, quy mô 110ha.

Bên cạnh đó, Khánh Hoà cũng đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để sản xuất, ương dưỡng con giống, đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân chọn giống phục vụ nuôi biển phù hợp, tập trung vào nhóm giá trị kinh tế cao.

Ông Võ Văn Thái - người có thâm niên nuôi tôm hùm trên biển ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết, nghề nuôi thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với những lồng nuôi bằng gỗ, hoặc lồng vuông.

 Đơn cử như năm 2017, mưa bão bất ngờ đã làm gia đình ông bị thiệt hại 55 ô tôm hùm đang trong giai đoạn thu hoạch, trị giá khoảng 6 tỷ đồng. Do đó, chuyển đổi sang dùng lồng bè bằng chất liệu HDPE là rất cần thiết bởi loại lồng này có độ bền, tuổi thọ cao, ít bị ảnh hưởng bởi mưa bão và người dân có thể chủ động hơn trong việc nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Hòa (thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho biết, mô hình nuôi thủy sản bằng lồng HDPE được gia đình áp dụng từ năm 2019. Qua thời gian triển khai, cá phát triển nhanh hơn so với nuôi lồng bè gỗ trước đây, năng suất đạt 9 tấn/lồng. Ngoài nuôi cá, gia đình còn nuôi tôm hùm theo hình thức cuốn chiếu với con tôm nên mang lại giá trị kinh tế ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem