Bình Định: Nuôi trùn quế, làm phân bón trùn quế bán trên sàn điện tử, thợ điện 9X rủng rỉnh tiền tiêu

Đào Minh Trung Thứ ba, ngày 14/03/2023 11:00 AM (GMT+7)
Nuôi trùn quế, sản xuất phân bón bằng viên viên nén trùn quế là mô hình hay mà anh thợ điện 9X Phan Trọng Hà xã miền núi Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho anh Hà.
Bình luận 0

Đáng chú ý, anh Hà đã đưa sản phẩm phân bón trùn quế lên các sàn thương mại điện tử và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Anh thợ điện bén duyên mô hình nuôi trùn quế

Tốt nghiệp Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh, năm 2015, anh Phan Trọng Hà (sinh năm 1992) ở thôn Thượng Sơn, xã miền núi Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định về quê mở tiệm điện dân dụng.

Bình Định: Nuôi trùn quế, làm phân bón trùn quế bán trên sàn điện tử, anh thợ điện 9X rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 1.

Mô hình nuôi trùn quế tươi của anh anh Phan Trọng Hà (sinh năm 1992) ở thôn Thượng Sơn, xã miền núi Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Trong thời gian mở tiệm điện dân dụng, anh Hà biết đến mô hình nuôi trùn quế. Sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi trùn quế, năm 2021, anh Phan Trọng Hà quyết định xây dựng trang trại nuôi trùn quế Win Win 77.

Trang trại của anh Hà chuyên nuôi trùn quế để bán trùn quế tươi và chế biến trùn quế sấy khô. Ngoài ra, anh Hà còn tận dụng phân trùn làm viên nén phân trùn quế hữu cơ nguyên chất, chậm tan.

Anh Hà kể, trước đây cũng có một số người ở địa phương đã nuôi trùn quế, nhưng do nhiều lý do nay không còn ai nuôi nữa. Nhận thấy trùn quế dễ nuôi, dễ bán, lại có thể chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau nên anh quyết tâm đầu tư nuôi bài bản.

"Thấy trùn quế phát triển ổn định, sinh sản đạt yêu cầu, tôi đã mở rộng quy mô nuôi gấp 10 lần, từ 10 m2 ban đầu lên 100 m2. Tổng lượng sinh khối trùn quế thành phẩm của trang trại đến nay lên đến hơn 12 tấn" - anh Hà nói.

Bình Định: Nuôi trùn quế, làm phân bón trùn quế bán trên sàn điện tử, anh thợ điện 9X rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 2.

Khu vực các ô nuôi trùn quế được anh Hà bố trí xây cao ráo, thoáng. Theo anh Hà, bình quân 1m2 ô nuôi trong 1 tháng sẽ cho ra 60 kg phân trùn quế. Từ 1 - 1,5 tháng thu được 2 kg trùn quế tươi. Ảnh: Đào Minh Trung

Nuôi trùn, sản xuất phân bón trùn quế

Khu vực các ô nuôi trùn quế được anh Hà bố trí xây cao ráo, thoáng. Các ô nuôi có mái và tường che nắng, mưa gió, có hệ thống phun sương tạo độ ẩm. Liền kề các ô nuôi là các hầm chứa phân bò tươi tạo nguồn thức ăn liên tục cho trùn.

Theo anh Hà, bình quân 1m2 ô nuôi trong 1 tháng sẽ cho ra 60 kg phân trùn quế. Từ 1 - 1,5 tháng thu được 2 kg trùn quế tươi. Đây là các sản phẩm được nhiều người làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn sinh học ưa chuộng.

Anh Hà cho biết: "Chỉ trong 2 tháng gần đây, tôi đã xuất bán hơn 3 tấn phân trùn quế viên nén, 50 kg trùn thịt và 500 kg phân sinh khối. Ngoài ra tôi còn bán giống trùn quế và các sản phẩm khác từ thịt trùn quế. Nhờ đó mà thu nhập của gia đình tôi khá hơn trước. Chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động mà được như thế là rất đáng mừng. Xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường ngày càng chiếm ưu thế, sản phẩm phân trùn quế của Win Win 77 của chúng tôi sẽ trở thành sản phẩm chủ lực của trang trại".

"Tôi bán phân trùn quế viên nén trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada với quy cách đóng gói túi zip giấy, giá bán 35.000 đồng/kg; phân trùn quế tươi đã qua xử lý và sàng lọc tạp chất, giá 3.400 đồng - 5.000 đồng/kg cho đơn hàng từ 500 kg - 1 tấn. Ngoài ra, tôi còn cung cấp trùn quế thịt với giá 60.000 đồng - 80.000 đồng/kg"- anh Hà thông tin thêm.

Thấy phân trùn quế ven nén tiện lợi mà có bán sẵn ở địa phương, ông Huỳnh Tấn Sĩ ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn liên hệ mua về bón cây cảnh vườn nhà.

Ông Sĩ cho biết: "Phân trùn quế viên nén của anh Hà chất lượng tốt, khô ráo, không có mùi hôi, tiện lợi khi sử dụng. Bón phân viên nén này, vườn cây cảnh của tôi thêm tươi tốt".

Bình Định: Nuôi trùn quế, làm phân bón trùn quế bán trên sàn điện tử, anh thợ điện 9X rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 4.

Cùng với nuôi trùn quế, anh Hà còn đầu tư máy móc sản xuất phân bón trùn quế viên nén. Hiện anh Hà đã đưa phân trùn quế viên nén bán trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada với quy cách đóng gói túi zip giấy. Ảnh: Đào Minh Trung

Ông Trần Duy Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn nhận xét : "Để tạo thêm nguồn thu, đồng thời làm mô hình canh tác thân thiện với môi trường giới thiệu đến khách hàng, anh Hà dùng phân trùn quế bón cho 5 sào đậu phộng (lạc), măng tây xanh, đậu bắp và 50 cây dừa xiêm trong vườn nhà.

Nhờ sử dụng 100 % phân trùn quế mà các loại cây trồng vườn nhà anh Hà tốt tươi, năng suất cao. Không chỉ tiết kiệm được một phần chi phí mà nông sản của nhà anh Hà còn rất dễ bán nhờ thương lái biết cây trồng của vườn nhà anh Hà không dùng phân bón vô cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật".

Đến thăm mô hình khởi nghiệp của anh Phan Trọng Hà, ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn chia sẻ: "Anh Hà là hội viên xây dựng mô hình và khởi nghiệp phát triển kinh tế tiêu biểu ở địa phương. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Hà đã quyết tâm làm giàu trên chính mãnh đất quê hương mình. 

Mô hình của anh Hà đã thể hiện tính sáng tạo, hiệu quả của người nông dân mới trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, góp phần cổ động hội viên, nông dân chủ động xây dựng kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển".

Chia sẻ về kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, anh Hà cho biết: "Tôi đang mở rộng sản xuất dịch trùn quế để trộn với cám thực phẩm dùng cho vật nuôi. Ngoài ra, tôi còn cung cấp dịch trùn quế cho những người trồng nấm và làm vườn".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem