Ở đây nhà nhà vươn lên khấm khá nhờ trồng bưởi "tiến vua"

Hà Văn Thanh Thứ năm, ngày 22/08/2019 19:15 PM (GMT+7)
Bưởi Đại Minh (hay còn gọi bưởi “tiến Vua”) là giống bưởi ngon, từ lâu đã nổi tiếng trong vùng. Nhiều năm trở lại đây, bưởi Đại Minh trở thành cây trồng chủ lực, giúp bà con nhân dân ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thoát nghèo, đem lại thu nhập trung bình từ 50 – 100 triệu đồng/hộ/năm.
Bình luận 0

Clip: Chị Nguyễn Thị Ngà (thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình) giới thiệu về mô hình trồng bưởi Đại Minh của gia đình.

Bưởi Đại Minh vốn được mệnh danh là bưởi "tiến Vua", có nguồn gốc từ làng Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái - ngôi làng trên 300 năm tuổi nằm dọc bờ sông Chảy. Có lẽ không nhiều người biết rằng, Đại Minh từng là địa giới thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, nên thực chất giống bưởi Đoan Hùng danh tiếng đã được nhân giống từ chính gen quý của bưởi Đại Minh.

Với các đặc điểm như hương thơm đặc trưng, múi mọng nước, tôm đều và không bị khô, ăn có vị ngọt mát, bưởi Đại Minh trở thành giống cây ăn quả nổi tiếng của huyện Yên Bình. Nhờ giống bưởi quý này, người dân xã Đại Minh thu nhập trung bình từ 50 – 100 triệu đồng đồng/hộ/năm. 

img

Chị Ngà giới thiệu với PV Dân Việt về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi để đạt hiệu quả và năng suất cao.

Theo ông Lã Tuấn Hưng, Trưởng phòng NN PTNT huyện Yên Bình, bưởi Đại Minh đang được trồng rải rác ở các xã của huyện Yên Bình, có tổng diện tích khoảng 600ha. Riêng tại xã Đại Minh, diện tích bưởi Đại Minh là 300ha.

PV Dân Việt có dịp đến thăm mô hình trồng bưởi Đại Minh của gia đình chị Nguyễn Thị Ngà (thôn Minh Thân), một trong những hộ gia đình có thu nhập cao và ổn định nhờ trồng bưởi ở xã Đại Minh nhiều năm trở lại đây.

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Ngà chia sẻ: “Chẳng nhớ rõ là từ khi nào, chỉ biết từ thời các cụ gia đình tôi đã trồng bưởi trong vườn nhà rồi. Nhưng trước đây cây bưởi chưa có giá trị như bây giờ nên gia đình chỉ trồng trên diện tích nhỏ. Khoảng chục năm trở lại đây, nhận thấy việc trồng bưởi mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định nên gia đình tôi mới bắt tay vào mở rộng quy mô diện tích”.

Theo chị Ngà, hiện nay gia đình chị có khoảng 300 cây bưởi trên tổng diện tích 10.000m2 đất vườn đồi. Trung bình mỗi năm với việc trồng bưởi mang về cho gia đình chị thu nhập lên tới 300 -  500 triệu đồng. Ngoài việc bán quả, gia đình chị Ngà còn tự tay chiết cành để bán cây giống.

Cũng theo chị Ngà, chi phí chiết cành không cao, trung bình thời gian để cho cành chiết ra rễ và bán được mất khoảng 60 – 70 ngày. Mỗi năm gia đình chị lựa chọn khoảng 1000 cành bưởi để chiết và bán giống, mỗi cành bán ra có giá dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/cành, thậm chí có thời điểm giá cao lên tới 50.000 đồng/cành.  

img

Vườn bưởi của gia đình chị Ngà trên diện tích 10.000m2 đất vườn đồi.

Chị Ngà cho biết, gia đình chị chỉ có 2 lao động chính thay nhau chăm sóc vườn bưởi bởi cây bưởi dễ chăm sóc và ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, không mất nhiều thời gian và công sức chăm sóc. Ngoài ra, hiện nay việc chăm sóc cây bưởi đều áp dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP.

"Năm 2019 gia đình tôi bắt đầu thực hiện việc sản xuất bưởi theo mô hình VietGAP. Tận dụng nguồn nước từ ao trong vườn nhà, gia đình tôi đã đầu tư một hệ thống tưới phun tự động nên có thể điều khiển mọi việc trên điện thoại chứ không cần làm bằng tay thủ công như trước. Với hệ thống tưới tự động đã giúp giảm công sức và thời gian chăm sóc cây bưởi rất nhiều, đồng thời giúp cây bưởi ít bị sâu bệnh. Mấy năm gần đây do áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc bưởi nên giá trị từ cây bưởi mang lại cho gia đình ngày càng lớn," chị Ngà nói.

img

Những cành bưởi sai trĩu quả căng tròn, xanh mướt.

Còn chị Trần Thị Nguyên - Trưởng thôn Cầu Mơ (xã Đại Minh), cũng là một trong những hộ trồng bưởi lâu năm cho biết: "Những năm gần đây nhờ được chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đối với việc trồng và chăm sóc cây bưởi nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn đã áp dụng vào sản xuất.

Đặc biệt là từ khi sản xuất bưởi theo mô hình VietGap thì năng suất và giá trị của cây bưởi ngày càng được nâng cao. Nhờ đó đời sống kinh tế của bà con trong thôn đã trở nên khấm khá hơn trước rất nhiều. Hiện tại chúng tôi đang tiến tới xây dựng thương hiệu bưởi Đại Minh đạt tiêu chuẩn và chất lượng hoa quả sạch nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường".

Nhờ trồng giống bưởi địa phương mà người dân xã Đại Minh vươn lên thoát nghèo, đời sống khấm khá hơn, người dân tích cực tham gia đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Xã Đại Minh cũng trở thành xã đầu tiên của huyện Yên Bình được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2016. 

Ông Phạm Văn Hiền – Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh cho biết: Nhận thức việc trồng bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên những năm gần đây nhiều hộ dân trong xã Đại Minh đã cùng nhau mở rộng và phát triển mô hình này đưa cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực. Nhờ đó mà đời sống của bà con nhân dân trong vùng ngày càng được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân trên đầu người của người dân trong xã đạt 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5% năm 2019. 

"Trong tổng số 15 nhà văn hóa thôn của xã hiện nay thì có đến 6 nhà văn hóa do người dân tự đóng góp kinh phí xây dựng hoàn toàn. Trong đó có những hộ dân sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng nhà văn hóa thôn, điển hình như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Loan ở thôn Cầu Mơ đã tự nguyện hiến 500m2 đất." ông Phạm Văn Hiền cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem