Ở lại với Trà Leng

Diệu Bình Thứ hai, ngày 15/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ngôi làng nhỏ bên dòng sông Leng bị xóa sổ sau trận lở đất. Những người sống sót vẫn chưa hết ám ảnh về “họa của trời”. Nhưng dù cuộc sống đau thương, khắc nghiệt, họ vẫn quyết không rời bỏ làng...
Bình luận 0

Ông Hồ Văn Đề, 77 tuổi, già làng người Mơ Nông, lọm khọm thắp nén nhang lên bàn thờ được dựng tạm giữa rừng. Trà Leng mưa như trút, nước từ sông Leng cuồn cuộn đổ về...

Gần 2 tháng trước, vào giờ chập choạng, ngôi nhà của ông Đề cùng hàng chục mái nhà khác tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) bị chôn vùi trong dòng thác lũ. 22 người mất tích, 13 thi thể chưa được tìm thấy. Người đàn ông ở bên kia con dốc cuộc đời vẫn hy vọng ngày được đón đồng bào trở về, dựng được cái nhà, lại nuôi con lợn, gà…

Anh Nguyễn Xuân Vũ lui cui nhóm lửa bắt nồi cơm lên kiềng bếp. Sau sạt lở, điểm trường nóc Ông Lục trở thành nhà chung của 10 một hộ như anh Vũ. Tại đây, mỗi căn phòng nhỏ làm chỗ ngủ cho gần 10 người. Bữa tối, ngoài nồi cơm, có một ít cá khô, một ít măng và rau củ rừng. Không một ai muốn nhớ về những gì đã xảy ra. Gương mặt đã in hằn mỏi mệt sau nhiều ngày dài, nước mắt vẫn chực rơi... Anh Vũ bảo anh chưa có một đêm yên giấc từ ngày sạt lở, ám ảnh và đau xót. 3 người con của anh đã bị lũ cuốn mất.

Mong muốn lớn nhất của anh Vũ và tất cả người Mơ Nông lúc này là tìm được người thân mất tích. "Vợ chồng tôi đếm từng ngày trôi qua nhưng vẫn không có tín hiệu nào, cứ mong chờ vậy thôi..." - anh Vũ nghẹn giọng.

Ở lại với Trà Leng - Ảnh 1.

Người dân ở tạm tại Điểm trường nóc Ông Lục sau vụ sạt lở kinh hoàng. Ảnh: D.B

Sáng 22/12/2020, UBND huyện Nam Trà My khởi công xây dựng khu tái định cư cho 51 hộ dân. Khu tái định cư rộng 6ha, cách trụ sở xã Trà Leng khoảng 800m. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 150 triệu đồng để xây dựng một căn nhà rộng 50m2, dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

Ngày ngày, hình ảnh ông lão với dáng người nhỏ thó, luôn miệng lẩm bẩm, bước chân chuệch choạc, thơ thẩn đi qua nền nhà cũ... khiến ai chứng kiến cũng không khỏi chạnh lòng. Hôm nay, ông Đề lại ra "ngôi làng cũ". Ông muốn thắp nhang cho người thân, cho bà con hàng xóm. Ông có đến 8 người thân bị vùi lấp dưới đất đá, mới tìm được 3 thi thể. "Già buồn lắm!" - ông nói.

Mưa lũ, gió bão liên tiếp, cuộc sống vốn nghèo khó nay càng gian nan, nhưng người Trà Leng vẫn tin rằng rừng là nhà, thần linh sẽ che chở được cho họ, cho họ lại một cuộc sống mới. "Bà con sẽ sống được, không sợ đói, không sợ khát. Sống nhờ rừng, nhờ nương tựa vào nhau. Sẽ dựng lại nhà, nhưng lựa nơi an toàn để làm..." - một tia hy vọng lóe lên trong đôi mắt ông Đề.

Sau thảm họa, đã có rất nhiều bàn tay chìa ra, san sẻ với người dân nơi đây. Từng chiếc chõng, bộ chiếu, chăn màn, gạo, xà phòng, dầu gió… được trao đến tận tay bà con. Những điểm sạt lở gây tắc đường đã được thông để ôtô gầm cao có thể vào tới sân UBND xã. Các điểm trường đã được dọn bớt một phần bùn đất cũng như khắc phục thiệt hại, tiếp nhận sách vở để hàng trăm học sinh trở lại trường.

Tối đến, giữa cơn mưa rừng tháng 12 lạnh ngắt, ngồi quây quần bên đống lửa lớn tại điểm trường nóc Ông Lục đã nghe văng vẳng tiếng cười, tiếng nói... Nhưng người dân nơi đây đang lấy lại thăng bằng, dần dà trở lại nhịp điệu thường ngày. Mọi người nói chuyện về việc sẽ trồng rau, nuôi gà, đi rẫy... "Điều mong muốn của chúng tôi lúc này là sớm được về làng mới ở, sinh sống ổn định, làm ăn" - già Đề nói thêm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem