Ở Nghệ An có nghề đi mủng, chồng đi, vợ đợi nhà, sáng ra hợp sức gỡ cá, tôm có ngay "tiền tươi thóc thật"

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ năm, ngày 17/11/2022 06:23 AM (GMT+7)
Chồng vừa lên mủng, người vợ ở nhà căn giờ rồi đợi sẵn trên bờ. Khi chiếc mủng vừa được kéo vào bờ, vợ chồng cùng nhau dỡ lưới rồi nhanh đem những loại hải sản tươi ngon đi bán kiếm tiền mưu sinh.
Bình luận 0

Sau mỗi chuyến đi mủng, ngư dân gỡ lưới bán hải sản tươi ngon ngay tại bờ kiếm tiền triệu mỗi ngày. Thực hiện: Thắng Tình

Nghề đi mủng, đánh bắt hải sản gần bờ bằng lưới, được coi là nghề truyền thống, cha truyền con nối của ngư dân Cửa Lò, Nghệ An. Theo thống kê sơ bộ, đến năm 2022, toàn thị xã Cửa Lò có khoảng 300 thuyền mủng, trong đó, nhiều nhất là phường Thu Thủy với 140 chiếc thuyền mủng.

Ở Nghệ An có nghề đi mủng, chồng đi vợ đợi kiếm tiền triệu mỗi bình minh - Ảnh 2.

Nghề đi mủng đánh bắt hải sản gần bờ đã có từ bao đời nay gắn với sinh kế của người dân thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thắng Tình

Mỗi chuyến đi mủng đánh bắt gần bờ, ngư dân thường xuất phát từ rạng sáng tầm 2-3h sáng đi, 7-8h về lại bờ. Mỗi mủng như vậy có 1-2 lao động. Nghề đi mủng đánh bắt quanh năm, chỉ trừ những ngày mưa to, gió lớn, biển động mạnh mới không ra khơi.

Ở tuổi ngoài 70, ông Nguyễn Minh Sáng (trú tại phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò) có lẽ là một trong những ngư dân gắn bó lâu nhất với nghề đi mủng này. 

"Tôi đi mủng từ lúc còn thanh niên, đến bây giờ vẫn bám lấy nghề. Mặc dù có vất vả nhưng nó đã ăn vào máu rồi không bỏ được. Nếu biển động, lâu ngày không được kéo mủng ra giăng lưới là tôi thấy thiếu thiếu trong người, khó chịu lắm", vừa nói ông Sáng lại nhanh tay gỡ cá từ tay lưới để người nhà kịp bán.

Ở Nghệ An có nghề đi mủng, chồng đi vợ đợi kiếm tiền triệu mỗi bình minh - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Minh Sáng cùng người thân gỡ cá ra khỏi lưới sau chuyến đi ngay khi kéo chiếc mủng lên bờ. Ảnh: Thắng Tình

Trước đây, ngư dân dùng thuyền nan trét dầu rái, chèo tay và dùng đèn măng xông đánh bắt. Bây giờ người dân đã cải tiến, dùng thuyền vỏ nhựa có gắn động cơ mã lực nhỏ để đánh bắt.

Đàn ông đi mủng, đàn bà (vợ hoặc con) chờ sẵn trên bờ, mủng cập bến là tập trung gỡ lưới, hải sản được bày bán ngay tại chỗ cho khách. Mỗi chuyến đi mủng gần bờ chỉ kéo dài ít giờ đồng hồ, hải sản đánh bắt được luôn tươi ngon nên rất được khách ưa chuộng. Nhờ thế, thu nhập của ngư dân đi mủng khá cao, dao động 700.000 - 1.000.000 đồng/chuyến.

Ở Nghệ An có nghề đi mủng, chồng đi vợ đợi kiếm tiền triệu mỗi bình minh - Ảnh 4.

Chiếc mủng vừa cập bờ, người vợ đã đợi sẵn để đón chồng, nhanh chóng đưa hải sản bán ngay tại bãi biển thị xã Cửa Lò. Ảnh: Thắng Tình

"Ngày trước đi biển nhiều cá, tôm, chỉ cần ra khơi bủa lưới là có cá, ít khi về không. Giờ ở gần bờ, cá, tôm khan hiếm hơn, phải dong mủng ra xa hơn mà giá dầu càng ngày càng đắt đỏ nên thu nhập cũng giảm sút. Lâu nay, ngư dân chúng tôi cũng chuyển sang đánh bắt bằng lưới cước mắt lớn thay vì dùng lưới cước mắt nhỏ, chỉ bắt cá lớn, tránh khai thác tận diệt" ông Sáng chia sẻ thêm.

Ở Nghệ An có nghề đi mủng, chồng đi vợ đợi kiếm tiền triệu mỗi bình minh - Ảnh 5.

Những loại hải sản như mực, tôm biển, cá lớn đã được gỡ từ trước còn những loại cá nhỏ được đưa lên bờ mới gỡ ra. Ảnh: Thắng Tình

Buổi sáng, những chiếc mủng vừa được kéo lên tại bãi biển, ở đây những người vợ đã đợi sẵn để gỡ cá, tôm, phân loại hải sản để bán ngay tại cho khách. Vì thế hải sản từ những chuyến mủng luôn tươi rói, còn sống nguyên, nhiều con đang giãy đành đạch.

"Ở đây hầu hết là chồng đi mủng, vợ ở nhà chờ để bán hải sản, mỗi người một công đoạn, mặc dù có vất vả nhưng thu nhập cũng đều hơn. Khi chồng đi là chúng tôi cũng đã căn giờ để ra đón cho kịp còn phụ gỡ lưới, bán cá", chị Thanh Phúc (40 tuổi, trú tại thị xã Cửa Lò) chia sẻ.

Ở Nghệ An có nghề đi mủng, chồng đi vợ đợi kiếm tiền triệu mỗi bình minh - Ảnh 6.

Vợ con đợi sẵn trên bờ biển, đưa hải sản đi bán, mỗi chuyến mủng ngư dân có thể kiếm tới 1 triệu đồng. Ảnh: Thắng Tình

Hải sản cũng đủ các chủng loại từ mực, tôm biển, ghẹ, cho đến cá nu, cá sóc vàng… Chuyến biển này anh Nguyễn Văn Đạo (55 tuổi, trú tại phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò) đánh bắt được hơn 2,5 kg tôm biển loại to, cùng nhiều loại hải sản khác, chỉ nhẩm sơ bộ anh cũng đã có kiếm được gần 2 triệu đồng. Mặc dù vậy, cũng có những chuyến đi mà ngư dân trở về chấp nhận lỗ tiền dầu.

Ở Nghệ An có nghề đi mủng, chồng đi vợ đợi kiếm tiền triệu mỗi bình minh - Ảnh 7.

Giờ đây ngư dân không dùng những mắt lưới nhỏ mà chuyển sang lưới loại mắt lớn để đảm bảo nguồn thủy sản không bị khai thác tận diệt. Ảnh: Thắng Tình

Nghề đi mủng đã gắn bó với biết bao thế hệ người dân nơi đây. Ngày biển lặng, mỗi buổi sáng trên bãi biển vẫn nhộn nhịp khi những chiếc mủng được kéo vào bờ. Tiếng vợ gọi chồng, tiếng ồn ào của việc mua bán đã trở thành nhịp sống của người dân nơi đây.

Ở Nghệ An có nghề đi mủng, chồng đi vợ đợi kiếm tiền triệu mỗi bình minh - Ảnh 8.

Tôm biển loại lớn, một trong những hải sản rất có giá trị còn tươi rói vừa được đưa vào bờ sau chuyến đi mủng của ngư dân thị xã Cửa Lò. Ảnh: Thắng Tình

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem