Ở nơi "30 năm không bán nổi một suất đất" của tỉnh Hải Dương đã thay đổi như thế nào?

Thứ sáu, ngày 05/05/2023 14:53 PM (GMT+7)
Từng là một trong những địa phương nghèo khó, xã Đông Xuyên (huyện Ninh Giang, Hải Dương) đã về đích nông thôn mới, được đánh giá là về đích muộn nhưng chắc chắn nhất trong số các địa phương trên địa bàn huyện
Bình luận 0

Không cách xa trung tâm huyện Ninh Giang (Hải Dương) là bao nhưng Đông Xuyên lại là xã đặc biệt khó khăn về giao thông khi chỉ có 4,8 km đường tỉnh 396C nhỏ hẹp chạy qua. “30 năm không bán nổi một suất đất” là điều mà nhiều người vẫn nhắc đến khi nói về địa phương này. Trong suốt thời kỳ dài, tình hình kinh tế địa phương rơi vào trì trệ, tỷ lệ hộ nghèo cao ở mức trên 12%.

Ông Bùi Thanh Thùy, nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Xuyên thời kỳ 2016 – 2020 kể, không có nguồn thu từ đấu giá đất, không có doanh nghiệp đóng trên địa bàn nên ngân sách xã chỉ trông chờ duy nhất vào 5% diện tích đất công điền (tương đương 20 ha). Lúc bấy giờ, UBND huyện Ninh Giang giao địa phương thu ngân sách cả năm chưa đầy 200 triệu đồng. Vậy mà có nhiều năm địa phương không đạt mục tiêu đề ra.

“Thật khó để kể hết những khó khăn về kinh tế-xã hội của Đông Xuyên lúc bấy giờ. Và rồi chương trình xây dựng nông thôn mới xuất hiện đã khơi dậy niềm tin đổi mới của làng quê nghèo khó", ông Thùy chia sẻ. 

Ở nơi "30 năm không bán nổi một suất đất" của tỉnh Hải Dương đã thay đổi như thế nào? - Ảnh 1.

Đoạn đường dài 700 m nối từ đường tỉnh 396C đến đầu thôn Đông Cao là niềm tự hào của người dân xã Đông Xuyên (Ninh Giang, Hải Dương).

Với mục tiêu và quyết tâm đưa Đông Xuyên thoát nghèo, xã đã xây dựng nông thôn mới theo quy chế “lấy dân làm chủ” và đưa ra nhiều quyết sách phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Việc xây dựng nông thôn mới thực sự trở thành phong trào có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, Đông Xuyên chỉ đạt được 9 trong tổng số 19 tiêu chí. Hầu hết các tiêu chí khó, cần nhiều nguồn lực địa phương đều chưa đạt. Xác định đây là công việc đột phá cần làm, Đông Xuyên đã tranh thủ sự ủng hộ từ các cấp chính quyền và người dân địa phương để xây dựng nông thôn mới. 

Từ năm 2016 - 2020, Đông Xuyên đã huy động được hơn 52 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách của địa phương hơn 20,7 tỷ đồng, chiếm 40%, nhân dân đóng góp gần 500 triệu đồng, còn lại là ngân sách cấp trên. Ngoài đóng góp kinh phí, nhân dân 2 thôn Xuyên Hử và Đông Cao còn hiến hơn 3.700 m2 đất ở để mở rộng đường giao thông...

Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, năm 2020 xã Đông Xuyên đã về đích nông thôn mới. Đời sống nhân dân đã có những chuyển biến rõ nét, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, nhà cửa khang trang. Các công trình phúc lợi xã hội, trường học khang trang, kiên cố. 

Ông Vũ Văn Kiền, Chủ tịch UBND xã Đông Xuyên cho biết từ năm 2015 trở lại đây, diện mạo nông thôn của địa phương đã thay đổi hoàn toàn. Cả 3 cấp trường học đều được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Đặc biệt, Trường mầm non xã được xây dựng tập trung thay vì nằm rải rác ở các thôn như trước. 

Xã và nhân dân thôn Đông Cao đã phối hợp làm đoạn đường nối từ đường tỉnh 396C đến đầu thôn Đông Cao chạy qua 3 trường học và qua khu vực nghĩa trang xã với tổng chiều dài 700 m, mặt đường rộng từ 7,5 - 10m. 

Ở nơi "30 năm không bán nổi một suất đất" của tỉnh Hải Dương đã thay đổi như thế nào? - Ảnh 2.

Trường mầm non tập trung khang trang đã đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Đông Xuyên (Ninh Giang, Hải Dương).

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thay đổi bộ mặt làng quê Đông Xuyên. Toàn xã xây dựng được 38,4 km đường giao thông thôn xóm và đường trục chính ra đồng, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện. 

Năm 2022, tổng giá trị thu nhập của xã đạt 346,6 tỷ đồng, vượt 11,5% kế hoạch đề ra. Kinh tế có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp và dịch vụ. Giá trị thu trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 154,3 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,82%, hộ cận nghèo còn 2,5%. Thu nhập bình quân của người dân đạt gần 50 triệu đồng/năm.

Ông Phan Nhật Thanh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết dù về đích muộn nhưng Đông Xuyên được đánh giá là xã về đích chắc chắn nhất trong các xã nằm ở tốp cuối của huyện. Hạ tầng nông thôn cơ bản được thay đổi toàn diện theo hướng đồng bộ, hiện đại, đời sống của người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Những năm tới, Đông Xuyên sẽ có nhiều hơn cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội khi các tuyến đường giao thông được kết nối và mở rộng. 

Do vậy, địa phương cần nhạy bén, chủ động nắm bắt các cơ hội để phát triển, sớm đạt mục tiêu đưa Đông Xuyên trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025; nông thôn mới kiểu mẫu và được công nhận là đô thị loại V vào năm 2030.

Trần Hiền (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem