Ở nơi này, con gái đến tuổi cập kê lại đi "bắt chồng"

Văn Long Thứ hai, ngày 08/02/2021 06:30 AM (GMT+7)
Sau khi mùa vụ đã xong, cứ vào tháng Giêng đến tháng Ba là những cô gái người K’ho, Churu đến tuổi cập kê lại đề đạt, thưa chuyện với gia đình để “bắt chồng" mà mình ưng ý.
Bình luận 0

Nhà trai thách cưới

Đơn Dương, Đức Trọng là hai huyện có những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại thu nhập cao cho người dân tỉnh Lâm Đồng. Hai huyện này cũng là nơi sinh sống chủ yếu của người Churu, dân tộc có tục "bắt chồng" độc đáo.

Có lần ngồi cà phê với nhà báo Mai Văn Bảo (Báo Nhân Dân), phóng viên kể chuyện muốn tìm hiểu về tục "bắt chồng" của người dân tộc Churu thì anh hướng dẫn tận tình. Anh Bảo đã từng tìm hiểu khá nhiều về tập tục độc đáo này của người K’ho, Churu nhưng cũng có nhiều dị bản khác nhau. "Muốn tìm hiểu kỹ, em nên đọc cuốn Dư địa chí Lâm Đồng sẽ có nhiều thông tin cho em tham khảo", anh Bảo nói.

Ở nơi này, con gái đến tuổi "cập kê" là lại đi "bắt chồng" - Ảnh 1.

Tục "bắt chồng" là nét đẹp văn hóa rất độc đáo của người dân tộc Churu tại huyện Đơn Dương.

Sau khi tìm hiểu, phóng viên quyết định tìm về xã Pró, huyện Đơn Dương. May mắn gặp bà Ma Vương, một người Churu "chính hiệu" vẫn nhớ như in ngày mình đi bắt chồng mà kể lại với phóng viên một cách say sưa. "Bắt chồng, thách cưới là văn hóa rất đặc biệt của người Churu chúng tôi. Bây giờ, thách cưới rất cao, có người vì bắt chồng mà mang nợ. Nhiều năm trước, khó khăn nên con gái cứ đến tuổi cập kê, lấy chồng là lo lắm. 

Lúc tôi lấy chồng thì đơn giản, chỉ mấy chuỗi hạt cườm, srí (nhẫn bạc), khăn… và mấy con gà thôi là "bắt được chồng" rồi, cốt là ở tình cảm. May mà lúc đó nhà Ya Năm (chồng của bà Ma Vương - PV) hiểu cho tình cảnh gia đình tôi nên không thách cưới nhiều. Nhưng gia đình tôi vẫn thực hiện lễ cưới theo phong tục truyền thống".

Ở nơi này, con gái đến tuổi "cập kê" là lại đi "bắt chồng" - Ảnh 2.

Người Churu tái hiện lại lễ "bắt chồng" tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Già làng Ya Tuân ở buôn Krăng Gọ, xã Pró (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cho hay, trong tục "bắt chồng" của người Churu thì nhẫn bạc là vật rất thiêng liêng. Khi trai gái đã trao srí cho nhau, có nghĩa là nguyện bên nhau trọn đời. Trong lễ cưới, hai nhà trai gái thường đánh đồng la, thổi khèn chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Ngoại tình là trọng tội

Thực tế, chế độ hôn nhân của người Churu là chế độ một vợ, một chồng và cư trú bên nhà vợ. Người phụ nữ đóng vai trò chủ chốt trong hôn nhân mà họ thường gọi là tục bắt chồng (như người K’ho). Người con gái khi đến tuổi 15 – 16 là có quyền "bắt chồng". Khi người con gái chọn được người ưng ý, về thưa với bố mẹ nhờ người mai mối, cùng với ông cậu hoặc người chị cả đem lễ vật đến nhà trai làm lễ xem mắt. Nếu nhà trai bằng lòng thì hai bên quy định ngày giờ ăn hỏi. Trong lễ ăn hỏi, người mai mối của nhà gái đeo nhẫn và vòng cườm cho chàng rể tương lai để thực hiện việc đính hôn.

Ở nơi này, con gái đến tuổi "cập kê" là lại đi "bắt chồng" - Ảnh 3.

Hai bạn trẻ người Churu thực hiện lễ cưới theo phong tục tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương.

Tiệc cưới của người Churu được tổ chức linh đình kéo dài ba đến bốn ngày tùy theo mức độ giàu nghèo của gia đình người con gái. Người ta có thể mổ heo, mổ dê hoặc trâu và uống rượu cần. Sau lễ cưới, người con gái phải ở lại bên nhà trai 15 ngày, chờ bên nhà mình đến làm lễ đón rể về ở mãi mãi bên nhà mình. Lễ rước cũng diễn ra tương đối linh đình vài ba ngày tại nhà gái.

Ngày nay, do tác động của hôn nhân tiến bộ, người con trai lại chính là người đi hỏi vợ. Lễ cưới được tổ chức linh đình với cỗ bàn, âm nhạc, trang phục khác xa so với truyền thống.

Ở nơi này, con gái đến tuổi "cập kê" là lại đi "bắt chồng" - Ảnh 4.

Nhẫn bạc và vòng cườm của người Churu tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Dân Việt, cũng giống như các dân tộc khác ở Lâm Đồng việc quan hệ nam nữ tiền hôn nhân được xem là bình thường. Tuy nhiên, việc ngoại tình được xem là trọng tội, bị luật tục trừng trị rất nặng nề. Những trường hợp ly hôn ít khi xảy ra, nếu có phải có sự chấp nhận của chủ làng.

Chị Ma Nguyện (26 tuổi, dân tộc Churu, thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương) chia sẻ: "Hiện nay, tầng lớp trẻ tuổi trong dân tộc Churu tồn tại hai tầng suy nghĩ tiêu cực và tích cực. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi trong thời đại này thì con người ta có thể bỏ qua những tục lệ khắt khe để đến với nhau vì tình cảm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lợi dụng tục "bắt chồng" này để làm lợi cho bản thân, làm khó gia đình người khác. Tôi đã từng nghe câu chuyện, đôi trai gái có con trước hôn nhân, vì điều này mà nhà trai đã mượn cớ để nhà gái phải chật vật về tiền bạc. Thậm chí, lợi dụng thách cưới "cắt cổ" để có tiền. Không những người Churu, người K’ho cũng có tình trạng này".

Ở nơi này, con gái đến tuổi "cập kê" là lại đi "bắt chồng" - Ảnh 6.

Người dân tộc K'ho tại huyện Lạc Dương phục dựng lễ cưới truyền thống theo phong tục.

Chị Nguyện cũng cho hay, việc thách cưới là một phong tục rất độc đáo của người Churu, K’ho. Điển hình là việc trao nhẫn bạc, vòng cườm, những thứ này không thể thiếu và cũng không nên bỏ. Có gia đình thách cưới nhà gái nhưng khi lễ vật, tiền bạc được mang đến lại được trao thành của hồi môn cho đôi vợ chồng trẻ. Đây là việc làm nhân văn, vừa đáp ứng được phong tục riêng, lại tạo một nền móng kinh tế vững chắc cho thế hệ mai sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem