Ở nơi này, giữa 4 bề biển khơi, nông dân cả đời chỉ lo đi đào giếng

Chủ nhật, ngày 09/08/2020 07:15 AM (GMT+7)
Từ những giếng nước cổ Chăm Pa đến hàng nghìn giếng mới san sát nhau trên đồng tỏi, nguồn nước chảy từ các mạch ngầm trên đảo lửa Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) như bầu sữa truyền sự sống cho cư dân đảo.
Bình luận 0

Nhưng mạch nguồn sự sống đó đang đứng trước nguy cơ dần cạn kiệt bởi những dãy phố giếng dày đặc quanh ốc đảo Cù lao Ré.

Người đâu giếng đấy

Đảo Lý Sơn sừng sững năm ngọn núi Vung, Giếng Tiền, Hòn Tai, Thới Lới và Vòng Sỏi. Dưới thung lũng ngũ hành sơn, xứ đảo Cù lao Ré (tên gọi xưa của đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là làng cư dân hành tỏi, làng chài biển giã bên ngọn sóng đại dương. 

Ở nơi này dân không nhớ nổi là mình đã đào bao nhiêu cái giếng nước - Ảnh 1.

Những giếng nước khổng lồ liền kề nhau như những dãy phố.

Và những ai đi quanh ốc đảo không lạ khi nhận ra giữa làng hay xen lẫn cánh đồng hành tỏi, đồng ngô, dưa hấu đầy giếng nước. Giếng cách làng, giếng cách nhà, giếng cách nhau vài bước chân. Cư dân đảo ngọc hay đùa “Giếng là đặc sản thứ ba ở xứ đảo, sau hành tỏi”.

Ông Võ Bĩ (An Vĩnh, đảo Lý Sơn) bực bội vì đổ xăng vào máy bơm nước, khởi động hơn tiếng đồng hồ nhưng máy vẫn không chạy để hút chút nước còn sót dưới đáy giếng. 

Trên diện tích 550 m² đất trồng cánh đồng Sũng, ba giếng nước khổng lồ có đường kính 2,5 m², sâu 6 m mỗi giếng vẫn không cứu được số hành đang trồng dở. 

Hai giếng khô khốc, trơ đáy chỉ có cây cỏ mọc quanh thành đá, rác lẫn chai lọ thuốc trừ sâu ngổn ngang bên dưới. Giếng còn lại trong vườn lưu chút nước cũng không đủ để máy bơm hút lên bờ.

Ông Võ Bĩ không nhớ mình có bao nhiêu cái giếng nước. Ba giếng khổng lồ ở vườn nhà đào từ hơn 20 năm trước, tưới cho 550 m² hành tỏi. Gia đình ông thuê thêm 5.000 m² để canh tác. Đất đâu giếng đấy. Ông thuê người đào thêm sáu giếng để lấy nước cho mình. Vài năm nước cạn, ông lại tiếp tục hành trình đóng giếng tìm nước ngọt.

“Đào với khoan nhiều lắm không thể nhớ là bao nhiêu cái giếng rồi. Mình thuê đất người ta để trồng thì phải đào giếng mới có nước. Họ đâu có cho xài chung. Chỗ nào dễ thì mình đào lộ thiên giếng lớn, chỗ nào khó thì mình đào xong đi dây, đi ống rồi lấp miệng giếng, trả lại hiện trạng cho họ. Sau này Ủy ban không cho đào nữa thì mình khoan sâu xuống. Nhiều quá không nhớ mình đã đào bao nhiêu cái đâu”, ông Võ Bĩ lúng túng.

Ở nơi này dân không nhớ nổi là mình đã đào bao nhiêu cái giếng nước - Ảnh 2.

Ông Võ Bĩ không nhớ mình đã đào, khoan bao nhiêu giếng nước để trồng hành tỏi.


Trên cánh đồng Ruộng, đồng Thịt ở đảo Lý Sơn, những dãy giếng sát nhau. Chỉ 1.000 m² cánh đồng Ruộng hơn 11 giếng đào lộ thiên, lớn nhỏ san sát. Phần lớn có chung số phận khô khốc, cạn kiệt nước.


Ngay từ đầu mùa hè, nhiều nhà nông đã không còn nước sạch để tưới đủ cho cây trồng. Từ sáng đến chiều, cánh nhà nông chạy vòng quanh tìm nước đưa về ruộng. Ông Lê Văn Lân sai con chạy quanh cánh đồng xem các điểm đấu nối của giếng đào với các điểm giếng khoan trước khi bật công-tơ điện chạy nước. 

Giữa 20 m² vườn tỏi là giếng nước lớn của gia đình. Sâu mươi mét, năm nào giếng cũng trơ đáy, ông phải lặn lội xin nhờ, thuê đất mấy chủ ruộng làng bên khoan sâu tìm nước. Ba giếng khoan cách ruộng hơn 200 m, đường dây, ống dẫn kéo về nối với giếng đào chính. 

Nhờ lấy nước từ xa, nhiều nơi khác nhau nên ông chữa cháy ruộng mùa khô. “Một chỗ thì không đủ nước đâu. Bà con ở đây phải đi gom bằng cách thuê đất khoan giếng, hoặc nhờ giếng trong họ tộc kéo về. Các giếng to bây giờ thường là nơi tập kết nguồn nước ngầm khoan đóng phía dưới. Ai tranh thủ được thì tranh thủ thôi”, ông Lân phân bua.

Làm đâu đào đấy. Giếng lộ thiên đến giếng âm trong lòng đất. Giếng nhỏ cho đến giếng khổng lồ dày đặc quanh đảo lửa Lý Sơn. Trên những thành giếng bê-tông khổng lồ, nhiều ống nước lớn nhỏ xen kẽ, chen chúc vòng quanh. 

Nước từ các giếng khoan trong lòng đất theo ống dẫn chôn dưới bờ ruộng dẫn nước về các giếng “tổng” khổng lồ, tưới cho các ngả đồng ruộng. Giếng lớn lộ thiên là nơi tập trung nước, hút nước từ các giếng khoan âm trong lòng đất.Mạch nguồn nước xưa

Theo các di chỉ khảo cổ Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn, 3.000 năm trước người xưa đã sinh sống ven các con suối, các núi lửa - nơi đó có mạch nguồn nước ngọt. Di chỉ Suối Chình, Suối Ốc, Suối Cạn, khe Nước chảy bên núi lửa Giếng Tiền in đậm dấu chân trăm năm xưa cũ. Lớp văn hóa cư dân Chăm Pa kế cận chọn địa mạch phong thủy trong việc đào giếng nước ngọt để sinh sống. Người Việt ra đảo Lý Sơn định cư từ đầu thế kỷ 17 lập nên các ngôi làng An Vĩnh, An Hải. 

Giữa trùng khơi bốn bề biển sóng, văn hóa, tập tục làng biển đảo Lý Sơn gắn kết cộng đồng. Thuở ấy, từ mạch nguồn của đất đảo, giếng nước được người làng chung tay hình thành. Các nhà thờ, tộc họ tiền hiền, xóm lân trên đảo khai phá, tìm mạch nguồn, giếng nước chung. Và nguồn mạch giếng làng, giếng họ tộc được sẻ chia khắp ngả.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đảo Lý Sơn được hình thành trên cơ tầng các ngọn núi lửa vận động qua nhiều thời kỳ khác nhau, làm cho độ dốc của đảo kéo dài từ Tây sang Đông. Khi dòng nước chảy từ trên đỉnh cao nhất xuống thấp nhất và đổ ra biển, áp lực nước chảy xuống mạnh hơn nước ngoài biển thấm vào, nước ngọt thẩm thấu qua bề mặt tạo cho nguồn nước giếng ngọt và không bị nhiễm mặn.

Dưới chân núi Vung, giếng “Xó La” - giếng nước đầu tiên được đào trên đảo núi lửa. Giếng cổ có niên đại từ lâu đời, cấu trúc độc đáo với cấu trúc thành giếng hình tròn, cao 1,5 m, lòng giếng sâu gần 10 m. Bề mặt lòng giếng được chất bằng các loại đá lấy từ biển và các miệng núi lửa đảo Lý Sơn. Kỹ thuật kè đá quanh lòng giếng của người xưa công phu, chắc chắn.

Chếch về phía tây núi Vung, một giếng làng xưa chỉ cách biển khoảng 7 m, nước ngọt trong vắt quanh năm không cạn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là giếng nước từ thời người Chăm Pa định cư trên đảo. Ở sát mép biển nhưng giếng cho nước ngọt quanh năm. Cư dân Lý Sơn thường gọi tên với niềm trân trọng nguồn mạch là “Giếng Trời”.

Theo nhà nghiên cứu Võ Nguyên Phong, người Việt, người Chăm có nhiều kinh nghiệm trong hành trình tìm mạch nguồn nước ngọt vùng ven biển, đảo. Đảo đá núi lửa Lý Sơn có địa chất địa tầng hình thành hoạt động mạnh tạo đồi và giữ nước bù cấp cho sự tiêu hao, sử dụng của con người.

 “Những đồi lớn có đứt gãy địa chất, cây to phát triển là nơi có mạch nước ngọt. Những vùng có động cát hay đồi đá, vách đá có cây tự nhiên sẽ giữ được nguồn nước ngọt tốt nhất giữa vùng đảo nắng cháy. Dù chung quanh là Biển Đông, nước mặn nhưng cấu tạo địa chất đặc biệt từ đá núi lửa hay cát vẫn có nguồn nước ngọt và lưu trữ”.

Dày đặc phố giếng trong lòng đảo 

Cuộc sống hiện đại khiến văn hóa giếng làng, giếng họ trên ốc đảo Cù lao Ré cũng thưa dần. Từ những năm 2000, người dân Lý Sơn đào giếng nước riêng để thuận tiện sinh hoạt, sản xuất cho gia đình. Những giếng đào xuất hiện quanh nhà, lấy nước cho sinh hoạt, tiêu dùng. Giếng khổng lồ trên những cánh đồng hành tỏi, tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, dịch vụ. Nước cạn hạn mặn, giếng lại được đóng, khoan sâu hút mạch nguồn từ trong lòng đất đảo. Và những “phố giếng” ngày càng nhiều hơn, bí bách bao quanh cư dân bản địa. 

Tình trạng khoan, đào giếng ở đảo Lý Sơn tăng nhanh trong mươi năm gần đây. Nếu như năm 2014, đảo Lý Sơn có khoảng 500 giếng nước thì đến nay toàn đảo “gánh” 2.150 giếng nước. Dung lượng nước hạn mức 16.000 m³ nhưng mức độ hút mạch nguồn 23.000 m³/ngày, khiến các “phố giếng” trên đảo khô khốc quanh năm. Nếu như ngày trước, giếng đào rộng non mét thì những giếng khổng lồ bán kính 1,5 - 5 m ngày càng nhiều hơn. Giếng càng to nước càng ít. Phố giếng càng dày thì cư dân càng khát nước. Ông Võ Minh ở An Vĩnh, Lý Sơn thắc mắc “Khoan giếng cũng bị phạt mà không khoan nước đâu dùng. Không đường, không lối thì khoan sâu xuống chứ bà con biết làm sao!”.

Để bảo vệ nguồn nước ngọt, địa phương cấm đào giếng trái phép trên đảo. Biện pháp cấp thời vẫn không ngăn chặn được chuyện nhiễm mặn lan sâu vào đảo. Dân số tăng, du lịch ồ ạt kéo theo nguy cơ vỡ trận nguồn nước ngọt chóng chày hơn. “Người đâu giếng đấy. Giếng khắp nơi, dọc dài như những con phố. Giếng mọc nước cạn, vài năm nữa thì giếng để làm cảnh ngắm thôi”, ông Phạm Trai ở An Hải, huyện đảo Lý Sơn thở dài thườn thượt nhìn đáy giếng khô khốc.

Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết, nhiều trường hợp khoan giếng trái phép của người dân để khai thác nước ngầm cho sinh hoạt, sản xuất bị xử lý nhưng việc lén lút khai thác nước ngầm bằng nhiều cách vẫn tái diễn. “Chúng tôi cũng vận động bà con hạn chế đào, khoan giếng để giữ nguồn nước ngầm đang cạn kiệt dần. Địa phương sẽ đầu tư xây dựng hồ chứa nước Giếng Tiền, An Bình để trữ nước mưa, để gánh bớt sử dụng nước ngầm ở đảo”. 

Những cảnh quan địa chất, hệ sinh thái, không gian cư trú đang dần bị tác động bởi những đòi hỏi đương thời, chưa phù hợp điều kiện tự nhiên. Trong ký ức của nhiều bô lão đình làng đảo tiền tiêu, Lý Sơn phủ xanh bởi rừng nguyên sinh. Rừng cây Gạo, rừng Nhợ ở làng An Hải hay rừng Gò, rừng Giữa, rừng Bà Bút, rừng Phật ở làng An Vĩnh. Và mạch nguồn giữ bền lâu cho đất đảo có lẽ cũng từ ấy.

“Giếng nhiều lắm, nhìn đâu cũng thấy. Dọc dài các cánh đồng này. Bà con ở đây gọi là phố giếng, giếng nhiều sát nhau như nhà phố đó. Phố cổ, phố nhà hiện đại thì còn ưng chứ phố giếng thì thôi. Buồn chứ sướng ích gì”, buông câu nói, ông Lê Văn Lân đắng đót nhìn cánh đồng tỏi nhấp nhô những dãy phố giếng.


Đông Huyền (Báo Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem