Ở thành phố hoa lệ 9 triệu người, vẫn cấy lúa dưới bóng tòa cao ốc

Thứ năm, ngày 31/10/2019 08:45 AM (GMT+7)
Hơn hai thập kỷ, nhiều vùng ven ở TP HCM đã “thay da đổi thịt”, khoác trên mình tấm áo đô thị hóa hào nhoáng, còn bán đảo Thanh Đa thì vẫn bất biến. Người dân chờ thực hiện quy hoạch, hình dung và ao ước về một khu đô thị văn hóa du lịch hiện đại, nhưng đến nay họ vẫn phải tiếp tục chờ.
Bình luận 0

Những người thành phố

Bà Lê Thị Hiền (56 tuổi) nhìn sang bên kia sông Sài Gòn, khu biệt thự, cao ốc, trung tâm thương mại quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) buông tiếng thở dài. Bà Hiền bảo rằng, đêm nào hai vợ chồng bà cùng đứa cháu nội cũng kê ghế ra sân, nhìn về phía đó. Chỉ cách một khúc sông thôi mà bên sáng bừng, bên vẫn chìm trong bóng tối.

Vợ chồng bà Hiền có hơn 2.000m2 đất tại bán đảo Thanh Đa. Căn nhà cấp 4 đã cũ nứt, rêu xanh phủ kín tường, mùa mưa nước tràn vào kéo theo ếch nhái, rắn rết, muỗi mòng cứ tha hồ quẫy đạp. Bà phải thiết kế chiếc giường có chân cao gần một mét.

img

Bên này sông Sài Gòn là bán đảo Thanh Đa thôn quê, còn bên kia là những tòa cao ốc chọc trời.

Chưa yên tâm, bà mắc thêm chiếc võng cao hơn giường cho thằng cháu nằm ngủ được an toàn. Nhà “nhàu nhĩ” quá, không biết sập khi nào nhưng cũng không được xây lại hoặc sửa chữa bởi đất đang nằm trong quy hoạch, cấm mọi hoạt động xây dựng. Bà Hiền chua chát: “Đến làm cái chuồng gà cũng phải xin phép, mà chưa chắc người ta đã cho”.

Bà Hiền vốn là gái xứ Nha Mân (Đồng Tháp), cách đây 22 năm, bà lấy chồng ở Thanh Đa. Ngày đưa dâu, dân làng đứng chật hai bên cầu khỉ vỗ tay hoan hỉ chúc mừng vì bà được là người thành phố. Cho đến bây giờ, bà Hiền vẫn không thể quên được ánh mắt đong đầy hạnh phúc của cha và nụ cười rạng ngời của mẹ.

Nào ngờ, cuộc sống của bà Hiền ở thành phố chẳng khác nào thôn quê. Gia đình chồng làm nghề nông, hết vụ lúa rồi đến vụ rau muống. Bố chồng định bán bớt đất cho con cái lấy vốn làm ăn thì quy hoạch ập tới, mọi giao dịch ngừng lại.

Bù lại, người dân Thanh Đa có cơ hội bước sang một trang mới, “trang đổi đời”. Lấy đó làm niềm tin và hy vọng, gia đình bà Hiền cần mẫn mưu sinh trên mảnh đất của mình. Bà Hiền cho biết, mỗi lần về quê, bà con lại hỏi cuộc sống ở thành phố nhộn nhịp và giàu có nhất nước chắc sung sướng lắm nhỉ.

Bà Hiền quay mặt đi, cố giấu tâm trạng hụt hẫng. Rồi bà cũng chẳng thể giấu nổi người thân, họ kéo lên TP. Hồ Chí Minh thăm, thấy cảnh vợ chồng bà Hiền cày sâu cuốc bẫm ngoài ruộng lúa mà ái ngại. Không ai hỏi gì nhưng bà Hiền cảm thấy xấu hổ.

img

Cư dân bán đảo Thanh Đa chở lúa từ cánh đồng về nhà.

Cha mẹ ở quê gọi điện lên, khóc thút thít vì thương con mang tiếng người đô thị nhưng lại sống cuộc đời nông dân nghèo khó. Bà Hiền trấn an rằng, vùng đang quy hoạch, chuẩn bị “lột xác” rồi.

Lúc ấy, con cháu sẽ có nhà cao cửa rộng, tiền đền bù sẽ mua xe ô tô, mở nhà hàng...Viễn cảnh ấy, năm nào bà Hiền cũng mơ tới và tâm sự với cha mẹ già yếu ở quê hương. Nhưng rồi, giấc mơ cứ hun hút, riết rồi ai cũng chán, chẳng buồn nghe nữa.

Ở Thanh Đa, vì quy hoạch “treo” nên bà con tập trung làm nông nghiệp và chăn nuôi. Họ muốn trồng cây công nghiệp để ổn định kinh tế nhưng lại sợ một ngày nào đó người ta về thực hiện dự án thì mất sạch vốn liếng. Người già bám trụ, trồng ít rau xanh, nuôi con gà, lợn sống qua ngày.

img

Người Thanh Đa làm vườn thuần chất.

Vợ chồng bà Hiền giờ chỉ trông vào đàn gà nuôi gối vụ, mỗi tuần mang ra chợ bán hai ba con đủ tiền rau cháo. Các con của bà đi làm bên ngoài cũng phụ giúp nên cuộc sống của hai ông bà nhàn hạ, thong dong hưởng thụ cảnh quê thanh bình, yên ả.

Than ngắn thở dài là vậy, nhưng bà Hiền vẫn chốt một câu chắc nịch: “Ở thành phố như chúng tôi lại khỏe, không bon chen, xô bồ. Khi nào thích ra trung tâm chỉ cần qua một cây cầu. Rồi những ngày thành phố bắn pháo hoa, cứ việc vác ghế ra sân là ngắm thỏa thích. Đêm nằm nghe tiếng côn trùng rỉ rả, ếch nhái thi nhau “tấu nhạc” hòa với tiếng gió vi lại không có cảm giác nhớ quê hương”.

Đó là cuộc sống người già, còn lớp trẻ lớn lên không chịu nổi cảnh bần nông giữa thành phố nhộn nhịp nên tứ tán khắp nơi. Hai đứa con của bà Hiền xuống tận quận 9 làm công nhân khu công nghệ cao. Tiết kiệm tiền thuê nhà trọ, mỗi ngày chúng đi đi về về đoạn đường hơn chục cây số.

Có lần, thằng con trai của bà Hiền về tâm sự với mẹ: “Bạn bè trong công ty hỏi con, vì sao là người thành phố, có đất đai nhà cửa mà phải đi làm công nhân, chỉ cần bán vài trăm mét đất là có thể sống khỏe, mở được cửa hàng to”. Nghe xong, bà Hiền đùa lại con: “Con nói với bạn là nhà trong phố, nhưng phố lại trong quê”. 

Suốt một thập kỷ đầu tiên có quy hoạch, người dân Thanh Đa luôn nhen nhóm niềm hy vọng về một cuộc sống đổi thay. Bố chồng bà Hiền mỗi lần đi họp quy hoạch về lại an ủi động viên các con: “Người ta nói sắp triển khai dự án rồi. Cả vùng sẽ thành khu du lịch văn hóa. Nhà mình sẽ được đền bù tại chỗ, được sống trên chính mảnh đất của mình và được hưởng những dịch vụ hiện đại”.

Không chỉ gia đình bà Hiền mà toàn thể bà con Thanh Đa đều yên tâm với viễn tưởng ấy. 

Bao giờ hết "treo"?

Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa tồn tại trên giấy từ năm 1992. Đến ngày 18-12-1998, UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung quận Bình Thạnh. Trong số các hạng mục hạ tầng, nhiều lần cái tên "Thanh Đa" và phường 28 (đơn vị hành chính của phần lớn Thanh Đa) được xướng lên trong một triển vọng về một khu đô thị mới.

Năm 2000, điện về bán đảo. Năm 2002 nước sạch cũng về, người dân vui mừng khôn xiết, ai cũng nghĩ đó là bước đầu tiên cho việc thực hiện quy hoạch. Thời gian chờ đợi quy hoạch kéo lê những cuộc đời khốn khó ở Thanh Đa. Họ cứ thấp thỏm mong chờ, âu lo, suy nghĩ...

img

Sự đối lập giữa bán đảo Thanh Đa và khu Thảo Điền quận 2.

 Gia đình ông Lê Văn Hiếu hiện đã có 4 thế hệ sống ở Thanh Đa. Ngày công bố quy hoạch, đứa con gái đầu lòng của ông mới 3 tuổi, nay thì nó đã lấy chồng sinh con và quy tụ về mảnh đất ở Thanh Đa để chờ dự án xây dựng. 

Cha ông Hiếu ngày còn sống, chiều nào cụ cũng chống gậy ra con đường bê tông ngoài đầu ngõ nghe ngóng tình hình. Rồi sáng nào ông cũng lọ mọ đi uống cà phê vỉa hè, mục đích chính chỉ để hỏi xem “khi nào thì thực hiện quy hoạch”. Ông chờ cho đến hơi thở cuối cùng quy hoạch vẫn nằm trên giấy.

Đất đai ở Thanh Đa ngày một cằn cỗi, vụ lúa mất mùa, rau muống cũng chẳng ăn thua, ông Hiếu chuyền sang trồng sen. Vào các ngày rằm và mồng Một hàng tháng, người mua sen về cúng và đi lễ chùa rất nhiều nên cuộc sống của gia đình ông Hiếu đỡ bấp bênh. Sen thích nghi với sình bùn, chịu được ngập nước và thời tiết bất thường.

Ngày công bố quy hoạch, người dân Thanh Đa đồng thuận cao, chấp nhận giao đất để làm dự án. Đến cả sự chờ đợi, họ cũng cam lòng chấp nhận, kiên trì và nhẫn nhục. Ông Hiếu còn nhớ lời cha dặn trước khi qua đời: “Các con không được bán mảnh đất này, cố mà chờ quy hoạch”.    

Hơn hai thập kỷ, nhiều vùng ven ở TP. Hồ Chí Minh đã “thay da đổi thịt”, khoác trên mình tấm áo đô thị hóa nhưng bán đảo Thanh Đa thì vẫn bất biến. Người Thanh Đa chờ thực hiện quy hoạch, hình dung và ao ước về một khu đô thị văn hóa du lịch lung linh, hào nhoáng nhưng đến nay, nhiều người đã già yếu và chết. Thế hệ con cháu của họ tiếp tục chờ...

Ông Hiếu tuổi ngày càng cao, mảnh ao sen qua nhiều vụ đã hết chất phù sa, hoa sen ít nở. Ông Hiếu đành buông bỏ, quyết tâm ra ngoài phố làm nghề thợ hồ. “Giờ tôi quen với vôi vữa, xi măng rồi. Chỉ mong trời cho sức khỏe để tiếp tục là trụ cột lao động của cả nhà. Những ngày nghỉ làm, tôi hay ra thăm vườn, nhìn đám cỏ hoang mọc um tùm chỗ ao sen và bãi rau muống lại thấy nhớ nghề nông”, ông Hiếu bộc bạch.

Tính đến thời điểm này, bán đảo Thanh Đa đã trải qua 27 năm quy hoạch. Ông Hiếu, bà Hiền và hàng nghìn cảnh đời ở Thanh Đa chỉ có một mong muốn, nếu không thể thực hiện quy hoạch thì đừng “treo” nữa để bà con được sống đúng với quyền lợi trên chính mảnh đất, ngôi nhà của mình, được tự do xây dựng nhà cửa, làm ăn, phát triển kinh tế.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhìn nhận: “Tôi đã đi vào một số hộ, phải nói rằng nằm giữa lòng thành phố phát triển mà lại có một vùng dân cư như một ốc đảo thoát li khỏi một đô thị. Nhà cửa ẩm thấp, xuống cấp, điều kiện chất lượng cuộc sống chưa bảo đảm an ninh, vệ sinh môi trường ô nhiễm trầm trọng...”.

Trong kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hồ Chí Minh vào năm ngoái, ông Khuê đã phải thốt lên: “Thành phố luôn mời chào nhà đầu tư thực hiện dự án này, song 26 năm là quãng thời gian quá dài, đã quá sức chịu đựng của cử tri".

Ngọc Hoa (Báo CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem