Ở Việt Nam cá nhân vẫn có thể giao dịch bằng tiền mặt đến nghìn tỷ đồng

Quang Dân Thứ ba, ngày 08/06/2021 11:59 AM (GMT+7)
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật Anvi cho rằng, có rất nhiều lí do cản trở doanh nghiệp thanh toán 100% bằng tiền mặt, trong đó, lí do lớn nhất chính là tâm lý và nền kinh tế tiền mặt.
Bình luận 0

Mới đây, Cục Thuế TP. HCM đã công văn kiến nghị Chính phủ xem xét các tổ chức phải thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch mua bán hàng hóa, không giới hạn tổng giá trị thanh toán thay vì mức 20 triệu đồng như hiện nay.

Hiện tại, Luật thuế giá trị gia tăng quy định, các giao dịch mua bán hàng hóa giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì tổ chức phải thanh toán qua ngân hàng mới được khấu trừ và đưa vào chi phí.

Khi các phương thức thanh toán không tiền mặt như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử, thanh toán qua tổ chức trung gian thanh toán ngày càng phổ biến, Cục Thuế TP. HCM cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát doanh thu và chi phí của các tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, quy định này cũng sẽ góp phần tăng cường tính nghiêm minh trong công tác quản lý thuế.

Cái khó của doanh nghiệp

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, giám đốc Công ty TNHH Ngọc Bích cho biết, một vài năm trở lại đây, tại công ty, hầu hết những giao dịch lớn đều được thanh toán qua thẻ vừa để thuân tiện, nhanh chóng, vừa an toàn vì không lo bị mất tiền hay chi phí hóa đơn chứng từ trong quá trình trước và sau giao dịch.

Theo bà Ngọc, đối với những khoản giao dịch nhỏ, lẻ chỉ vài triệu đồng thì công ty vẫn giữ hình thức trả bằng tiền mặt như truyền thống. Ví dụ như như mua hàng hoá của tiểu thương, mua hàng của nông dân, mua nguyên vật liệu ở ngoài chợ.. đa số với họ thói quen vẫn giao dịch bằng tiền mặt, thậm chí, nhiều người không có tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp có muốn chuyển khoản cũng không được.

"Tâm lý và nền kinh tế tiền mặt là lí do doanh nghiệp chưa thể thanh toán 100% qua thẻ" - Ảnh 1.

Có những khoản chi tiêu vẫn phù hợp với việc thanh toán tiền theo cách truyền thống. Ảnh: Quang Dân

"Thay vì bắt buộc như kiến nghị của Cục Thuế TP. HCM thì tôi nghĩ nên khuyến khích người dân chủ động hơn trong việc thanh toán bằng thẻ trước, lâu dần sẽ tạo thành thói quen, thâm nhập vào quá trình vận hành của cả doanh nghiệp và đối tác", chị Ngọc cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phú, Giám đốc một doanh nghiệp Bất động sản tại Hà Nội biết, bản thân doanh nghiệp của ông và nhiều doanh nghiệp hiện nay đều thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng. Vì vậy, công ty hoàn toàn ủng hộ việc khuyến khích không dùng tiền mặt vì có rất nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, có những khoản chi tiêu vẫn phù hợp với việc thanh toán tiền theo cách truyền thống hơn. Chẳng hạn, với các khoản chi tiếp khách, do hiện nay vẫn có thể chi bằng tiền mặt nên thông thường nhân viên sẽ trả trước và lấy hóa đơn về thanh toán. Nếu tất cả khoản chi sẽ phải thanh toán không tiền mặt, không biết giải quyết thế nào với những khoản chi này.

Cá nhân vẫn có thể giao dịch bằng tiền mặt đến nghìn tỷ đồng

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật Anvi cho rằng, có rất nhiều lí do cản trở doanh nghiệp thanh toán 100% qua thẻ, trong đó, lí do lớn nhất chính là tâm lý và nền kinh tế tiền mặt.

Không thể không thừa nhận rằng tại Việt nam, đại đa số những giao dịch có giá trị thấp đều đang được thanh toán bằng tiền mặt. Từ hàng quán, chợ, nông sản.. đến cả thói quen tiêu dùng của hàng triệu hộ gia đình trong nước. Nên nhớ rằng, đối với cá nhân, vẫn có thể giao dịch bằng tiền mặt giá trị đến nghìn tỷ đồng.

"Tâm lý và nền kinh tế tiền mặt là lí do doanh nghiệp chưa thể thanh toán 100% qua thẻ" - Ảnh 2.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật Anvi. ảnh NVCC

Mức giao dịch mua bán hàng hóa giá trị từ 20 triệu phải thanh toán bằng thẻ đã đặt ra từ nhiều năm, nhưng theo thời gian, hiện nay chắc chỉ còn 10 triệu, vài năm nữa sẽ xuống 5 triệu rồi về mức 2-3 triệu đồng. Do vậy, nguyên lý tương lai, việc thanh toán không dùng tiền mặt là như thế, nhưng hiện tại cần xem xét đến thực tế, chưa cần thiết phải thay đổi theo hướng bắt buộc mọi giao dịch đều không dùng tiền mặt.

"Không phải cứ tiền mặt là thoát thuế hay trốn thuế. Cơ quan thuế vẫn phải áp dụng một loạt chứng từ hóa đơn, điều kiện cần thiết khác, quan trọng vẫn là phương pháp quản lý. Với xu thế công nghệ 4.0, thói quen giao dịch sẽ thay đổi, nhưng chưa đến mức phải về 0, ít nhất nên ở mức triệu đồng", Luật sư Đức cho hay.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, ông ủng hộ phương án thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng có vấn đề là gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đặc biệt những doanh nghiệp có quan hệ mua bán, thu mua với nông dân.

Theo ông Thịnh, trước mắt chỉ nên khuyến khích và đưa ra lộ trình cụ thể để DN thực hiện quy định này. Riêng với DN nhỏ và siêu nhỏ, cần có tỉ lệ nhất định chứ không thể yêu cầu phải thanh toán không tiền mặt với tất cả các giao dịch.







Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem