Ở "vùng đất chết", nơi này đã hồi sinh, 20 năm giữ gìn “lá phổi xanh” của Sài thành

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 02/08/2020 15:04 PM (GMT+7)
Không chỉ có giá trị về sinh thái, môi trường, rừng ngập mặn (RNM) Cần Giờ còn thể hiện ý nghĩa to lớn cho những nỗ lực của chính quyền và nhân dân TP.HCM trong việc hồi sinh sự sống của con người và sinh vật trên một vùng đất bị nhiễm chất độc hóa học.
Bình luận 0

Rời phà Bình Khánh, chúng tôi đi xuyên Rừng Sác trên con đường trải nhựa phẳng lì. Màu xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn cũng trải dài dọc theo cung đường.

Hồi sinh từ "vùng đất chết"

Ít ai biết rằng, trong những năm tháng chiến tranh, rừng ngập mặn (RNM) Cần Giờ gần như bị hủy diệt hoàn toàn bởi các hóa chất diệt cỏ và các chất hóa học khác. Viện Khoa học Mỹ ước tính, đã có khoảng 57% diện tích RNM bị chết. 

Những cánh RNM bạt ngàn xanh tốt biến thành những vùng đất hoang hóa, khô cằn; nguồn tài nguyên động, thực vật rừng và thủy hải sản gần như bị hủy diệt. Không những thế, sau chiến tranh, RNM tiếp tục bị hủy hoại do người dân địa phương chặt cây làm củi đun và xây dựng nhà cửa...

20 năm giữ gìn “lá phổi xanh” của TP.HCM - Ảnh 1.

Du khách khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Một trong những giải pháp quan trọng hơn hết là làm thế nào để danh hiệu Khu DTSQ đem lại lợi ích cho người dân, gắn liền với nâng cao nhận thức của cư dân trong vùng; từ đó hỗ trợ tốt cho chiến lược phát triển bền vững huyện Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung".

Ông Nguyễn Xuân Hoàng -

Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM

Ông Huỳnh Đức Hoàn - Phó trưởng BQL Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) RNM Cần Giờ kể, những năm đầu trồng rừng, lực lượng lao động trồng rừng có lúc lên tới 6.000 - 8.000 người. 

Trong điều kiện khó khăn tứ bề, hàng ngàn con người vẫn quyết tâm bám trụ để tạo nên màu xanh bạt ngàn rừng Cần Giờ hôm nay.

Hiện nay, diện tích có rừng hơn 32.446ha, chiếm 93,47% tổng diện tích tự nhiên của rừng phòng hộ Cần Giờ. Năm 2000, Tổ chức Văn hóa - Giáo dục và Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận Khu DTSQ RNM Cần Giờ. Đến nay, thành phố vẫn tiếp tục thực hiện chính sách giao khoán rừng. 

"Đây là chủ trương rất đúng đắn, đã góp phần to lớn trong việc bảo vệ tốt hệ sinh thái RNM, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương" - ông Hoàn nói.

Ông Nguyễn Văn Rạng - Tổ trưởng tổ tự quản số 7 (thuộc phân khu 6 của rừng phòng hộ Cần Giờ) kể, ông đã bám trụ và giữ rừng suốt từ năm 1996. Cho đến nay, việc chặt phá rừng hầu như không còn. Điều này xuất phát từ việc thường xuyên tuyên truyền về giá trị, lợi ích của RNM. Ông Rạng đang nhận bảo vệ 51ha rừng phòng hộ. 

Chỉ tay về phía căn nhà gạch được trang bị hệ thống điện mặt trời và bồn chứa nước, ông khẳng định, nếu chính quyền và Ban quản lý rừng không quan tâm đến cuộc sống của người trực tiếp bảo vệ rừng thì không thể có được cơ ngơi như hiện nay.

Cộng đồng chung sức

Theo ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, sự tham gia của cộng đồng trong các lĩnh vực kinh tế được xác định là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Trong đó, nổi bật là các hiệu quả của công tác giao khoán bảo vệ rừng.

Hiện nay, BQL rừng phòng hộ Cần Giờ đang tổ chức giao khoán cho 168 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thường trú tại huyện Cần Giờ và 11 đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng.

Trên toàn địa bàn rừng phòng hộ Cần Giờ hiện có 39 tổ tự quản bảo vệ rừng. Đây là mô hình bảo vệ liên kết các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng có ranh giới liền kề, giúp các hộ hỗ trợ nhau trong công tác tuần tra bảo vệ, đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

20 năm giữ gìn “lá phổi xanh” của TP.HCM - Ảnh 3.

Đời sống của người dân dưới tán rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ đơn giá giao khoán bình quân 50.000 đồng/ha/năm, sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay là 1,156 triệu đồng/ha/năm. Trước đây, nhiều hộ dân đã từng chặt phá rừng, thì nay chính các hộ dân đó đang tích cực gia bảo vệ rừng. 

"Việc giao rừng cho người dân đã giúp giải quyết tận gốc vấn đề thông qua trao quyền cho cộng đồng và hỗ trợ nâng cao sinh kế" - ông Dũng cho biết.

Tuy nhiên, sau 20 năm kể từ khi được UNESCO công nhận Khu DTSQ RNM Cần Giờ, lãnh đạo huyện Cần Giờ cũng thừa nhận, việc quản lý, bảo vệ RNM đang phải đối diện nhiều thách thức, nhất là vấn đề môi trường. Đời sống của người dân trên địa bàn huyện và các địa phương giáp ranh còn khó khăn, lại phụ thuộc vào nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên, tạo áp lực không nhỏ đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái trong khu.

RNM Cần Giờ lại nằm sát TP.HCM, là trung tâm công nghiệp và địa phương có hệ thống cảng lớn nhất nước. "Vì vậy, tác động của con người và các hoạt động sản xuất kinh doanh tại chỗ cũng như của các địa phương lân cận ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái RNM Cần Giờ" - ông Dũng đánh giá.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, nỗ lực phục hồi và bảo vệ RNM Cần Giờ thành công như ngày hôm nay là nhờ đóng góp quan trọng của chính quyền và cộng đồng cư dân địa phương. Trước bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu xuất hiện ngày càng nhiều, áp lực kinh tế ngày càng gia tăng, việc gìn giữ và phát triển Khu DTSQ là một quá trình khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết và vào cuộc một cách trách nhiệm của toàn xã hội. 

TS Ngô Thanh Loan - Trường đại học KHXH&NV TP.HCM: Khai thác du lịch văn hóa bản địa

Tại khu DTSQ Cần Giờ, giá trị văn hóa bản địa có thể được sử dụng để khai thác trong loại hình du lịch văn hóa. Giá trị này đến từ chính là nếp sống, phong tục tập quán, phương thức sản xuất của cư dân bản địa, đặc biệt là những hộ dân tham gia vào vai trò canh giữ rừng. Chính do không gian sinh sống đặc biệt ở trong những khu vực RNM nên điều kiện sinh hoạt sẽ không giống như khu vực đô thị. Vì vậy, cách thức sinh hoạt, thực hiện sinh kế của người dân nơi đây cũng sẽ có những nét đặc biệt hấp dẫn du khách.

GS - TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam: Dung hòa bảo tồn và phát triển

Có Khu DTSQ không chỉ là có 1 danh hiệu mà còn là có thêm công cụ để quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Rừng Cần Giờ không chỉ cần bảo tồn mà còn phải biết lấy bảo tồn phục vụ cho phát triển, và ngược lại, lấy phát triển để bảo tồn. Mục tiêu cuối cùng vẫn phải là dân giàu nước mạnh, việc bảo tồn phải đi liền giúp người dân cùng giàu có. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp, của riêng ban quản lý mà của nhiều thành phần khác. Trong đó có vai trò quan trọng của doanh nghiệp.

TS Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước: Xây dựng thành công viên giải trí cao cấp

Khu RNM Cần Giờ cách trung tâm thành phố không xa, rất thuận tiện cho những ngày nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần, lại có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và không khí trong lành. Thật tuyệt vời nếu một phần diện tích của khu RNM này được xây dựng thành một công viên cao cấp để phục phục vụ việc nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn của nhân dân thành phố, đồng thời mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể.

Nguyên Vỹ (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem