Omicron và Delta kết hợp với nhau khiến chính phủ các nước 'đau đầu'

Lê Phương (AP) Thứ sáu, ngày 03/12/2021 07:31 AM (GMT+7)
Những người Hy Lạp trên 60 tuổi từ chối tiêm vaccine Covid-19 có thể bị phạt hơn 1/4 số tiền lương hưu mỗi tháng. Đây được đánh giá là một chính sách cứng rắn nhưng cần thiết trong bối cảnh hiện tại ở nước này.
Bình luận 0

Các nhà chức trách gặp khó

Omicron và Delta kết hợp với nhau khiến chính phủ các nước 'đau đầu' - Ảnh 1.

Một người đàn ông tham gia biểu tình phản đối các hạn chế Covid-19 ở Vienna, Áo, ngày 20/11/2021. Ảnh: AP

Trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành tại châu Âu cũng như ngày càng có nhiều lo ngại về biến thể Omicron, các chính phủ trên khắp thế giới liên tục cân nhắc những biện pháp mới đối với nhiều người dân đang dần mệt mỏi khi nghe về các hạn chế và vaccine.

Đây là một bài toán hóc búa bởi các chính phủ đều lo ngại về viễn cảnh các phản ứng dữ dội, chia rẽ xã hội sẽ gia tăng, và đối với nhiều chính trị gia là nỗi sợ bị mất chức.

"Tôi hiểu sự bế tắc mà mọi người đều cảm thấy trước biến thể Omicron này, cảm giác kiệt sức mà chúng ta có thể sẽ phải trải qua một lần nữa", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hôm thứ Ba (30/11), chỉ hai ngày sau khi chính phủ thông báo rằng quy định đeo khẩu trang sẽ là bắt buộc trở lại trong những nơi công cộng, đồng thời yêu cầu tất cả du khách từ nước ngoài phải trải qua kiểm tra và cách ly Covid-19. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận một cân bằng và phù hợp".

Những hạn chế mới, hoặc phiên bản cải tiến của những hạn chế cũ, đang xuất hiện trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, nơi các nhà lãnh đạo cảm thấy vô cùng đau đầu khi phải giải trình lời hứa trước đây với công chúng: "Tiêm chủng hàng loạt sẽ có thể chấm dứt những hạn chế, giãn cách".

"Mọi người muốn quay trở lại cuộc sống cũ. Họ muốn ở bên gia đình, họ muốn gặp gỡ bạn bè", Belinda Storey, phụ trách quầy hàng tại một chợ Giáng sinh ở Nottingham, Anh, cho biết.

Ở Hà Lan, nơi lệnh giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực vào tuần trước, các nhà chức trách đã phải điều động cảnh sát tuần tra để dẹp các cuộc biểu tình phản đối. May mắn rằng mọi người sau đó đều hợp tác và chịu đi về nhà.

"Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là lắng nghe các quy định, tuân theo chúng và hy vọng mọi chuyện không trở nên tồi tệ hơn. Đối với tôi, nó không thành vấn đề. Tôi là một y tá. Tôi biết căn bệnh này như thế nào", Wilma van Kampen, một người tham gia biểu tình nói.

Đối phó với biến thể Omicron

Omicron và Delta kết hợp với nhau khiến chính phủ các nước 'đau đầu' - Ảnh 2.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett trong chuyến thăm đến một cơ sở chăm sóc sức khỏe của tổ chức bảo dưỡng Maccabi (HMO), nơi cung cấp vaccine Covid-19 ở Holon, gần Tel Aviv, Israel vào ngày 29/6/2021. Ảnh: AP

Ở Hy Lạp, những cư dân trên 60 tuổi sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 100 euro (113 USD) mỗi tháng nếu họ không tiêm phòng. Tiền phạt sẽ được chuyển qua các hóa đơn thuế vào tháng Giêng năm sau. Khoảng 17% người Hy Lạp trên 60 tuổi không được chủng ngừa mặc cho rất nhiều nỗ lực, thậm chí 9/10 số người Hy Lạp chết vì Covid-19 trên 60 tuổi.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết: "Tôi không quan tâm liệu biện pháp này có khiến tôi mất thêm số phiếu bầu hay không. Tôi tin rằng chúng ta đang làm điều đúng đắn, và tôi tin rằng chính sách này sẽ cứu được nhiều mạng người".

Trái ngược với Hy Lạp, chính phủ Slovakia đang đề xuất thưởng cho những người từ 60 tuổi trở lên khoản tiền 500 euro (568 USD) nếu họ đi tiêm phòng.

Trong tuần này, tại Israel, chính phủ đã phê duyệt việc tiếp tục sử dụng công nghệ giám sát điện thoại để theo dõi liên lạc của những người được xác nhận là nhiễm biến thể Omicron, điều này làm dấy lên nhiều tranh cãi. Các nhóm bảo vệ quyền lợi của Israel đã chỉ trích việc sử dụng công nghệ này là vi phạm quyền riêng tư, những người khác lưu ý rằng độ chính xác của phần mềm là không cao, dẫn đến việc nhiều người bị dán nhãn sai. Tòa án tối cao Israel đầu năm nay đã ra phán quyết hạn chế việc sử dụng công nghệ này.

"Chúng ta chỉ nên sử dụng công cụ này trong những tình huống cực kỳ cấp thiết, và hiện tại thì tôi không tin rằng chúng ta đang ở trong tình huống đó", Bộ trưởng Tư pháp Gideon Saar nói với đài truyền hình công cộng Kan của Israel.

Ở Nam Phi, nơi các nhà nghiên cứu lần đầu xác định biến thể Omicron, những hạn chế trước đây bao gồm lệnh giới nghiêm và lệnh cấm bán rượu. Sau đó, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã đưa ra lời kêu gọi mọi người đi tiêm chủng.

Ở Mỹ, cả hai đảng phái chính trị đều không muốn quay trở lại tình trạng giãn cách xã hội như trước. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thậm chí chỉ đơn giản như đeo khẩu trang, cũng trở thành một tiêu điểm chính trị. Đảng Cộng hòa đang kiện để ngăn chặn chính sách mới của chính quyền Biden đối với các nhà tuyển dụng lớn, đó là bắt buộc tiêm chủng hoặc xét nghiệm.

Tổng thống Joe Biden đã kết hợp giữa việc tạo áp lực và kêu gọi mọi người đi tiêm phòng. Ngoài ra, chính quyền này cũng dự định yêu cầu tất cả các hành khách đi máy bay đến Mỹ đều phải được kiểm tra trong vòng một ngày trước khi lên chuyến bay, thay vì ba ngày như hiện tại.

Mặc dù vậy, Biden khẳng định Mỹ sẽ chống lại đại dịch Covid-19 và biến thể mới "không phải bằng những hạn chế, giãn cách mà bằng việc tiêm chủng rộng rãi hơn, bổ sung liều tăng cường, tiến hành thử nghiệm…"

"Nếu mọi người đều được tiêm phòng và đeo khẩu trang, thì không cần giãn cách", ông nói thêm.

Omicron và Delta kết hợp với nhau khiến chính phủ các nước 'đau đầu' - Ảnh 3.

Quang cảnh các phố mua sắm gần như vắng bóng người sau 5 giờ chiều ở Amsterdam, Hà Lan, ngày 29/11/2021. Ảnh: AP

Sự xuất hiện của biến thể mới không làm Mark Christensen, một người kinh doanh ngũ cốc cho nhà máy sản xuất ethanol ở Nebraska, lo lắng. Anh từ chối tiêm chủng và thắc mắc không hiểu tại sao việc đó lại cần thiết. Anh còn nói rằng hầu hết các doanh nghiệp ở tiểu bang này đều như vậy.

"Nếu họ chỉ khuyến khích tôi tiêm, thì đó là một chuyện," Christensen nói. "Nhưng tôi tin vào quyền tự do lựa chọn, không phải quyết định bằng vũ lực."

Trong khi đó, Chile quyết định thực hiện một biện pháp khắt khe hơn kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron: Những người trên 18 tuổi phải tiêm liều tăng cường sau mỗi sáu tháng để giữ được tấm vé cho phép vào nhà hàng, khách sạn và các buổi tụ tập công cộng. Bên cạnh đó, Chile cũng luôn duy trì yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng.

Tiến sĩ Madhukar Pai, thuộc Trường Dân số và Y tế Công cộng của Đại học McGill, nói rằng khẩu trang là một cách dễ dàng và không gây đau đớn để ngăn chặn sự lây truyền bệnh, ngoài ra việc thực hiện các xét nghiệm tại nhà với chi phí thấp cũng cần được phổ biến rộng rãi hơn, ở cả nước giàu và nước nghèo.

Pai cho biết việc yêu cầu liều tăng cường trên toàn cầu, như trường hợp của Israel, Chile và nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm cả Pháp, sẽ làm đại dịch kéo dài. Nguyên nhân là bởi còn rất nhiều nước đang phát triển vẫn chưa được tiêm mũi đầu, điều này làm tăng tỷ lệ xuất hiện của các biến thể mới.

Giãn cách, theo như ông nhận định, nên là sự lựa chọn cuối cùng. Ông nói: "Việc đóng cửa chỉ nên thực hiện khi hệ thống quá tải. Chúng ta nên làm điều đó khi hệ thống bệnh viện sắp sụp đổ. Đó là cách cuối cùng cho thấy chúng ta đã thất bại".

Trong khi đó, Trung Quốc lại có một cách tiếp cận khác. Trong mỗi đợt bùng phát mới, toàn bộ thành phố sẽ bị phong tỏa, hàng triệu người phải trải qua các cuộc kiểm tra hàng loạt. Theo mức cảnh báo cao nhất, mọi người sẽ bị cấm ra khỏi nhà và hàng tạp hóa được mang đến cửa của họ.

Cho đến nay, Trung Quốc chưa thấy cần phải có những hạn chế mới đối với biến thể Omicron. Người đứng đầu đơn vị Dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, Wu Zunyou, cho biết Omicron có thể kiểm soát được. Ông nói: "Bất kể biến thể nào, các biện pháp y tế công cộng của chúng tôi đều có hiệu quả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem