Ống bương tiết kiệm ở bản Mường

Thứ năm, ngày 15/11/2012 06:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuộc sống của đồng bào Mường xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, thêm ấm áp, nghĩa tình từ khi thực hiện mô hình “ống bương tiết kiệm”.
Bình luận 0

Dù nằm cách trung tâm thị trấn Mường Khến của huyện Tân Lạc chỉ chừng 10km, nhưng đồng bào ở Ngọc Mỹ vẫn nghèo lắm. Đi cả cây số mới thấy vài mái nhà sàn thưa thớt nằm cheo leo trên các quả đồi khô cằn. Người dân Ngọc Mỹ quanh năm làm lụng vất vả trên nương, trên rẫy mà chẳng đủ ăn.

img
Đến các gia đình ở Ngọc Mỹ, đều bắt gặp những chiếc “ống bương tiết kiệm” như thế này.

Thế rồi vào năm 2008, hưởng ứng đợt vận động Học tập và làm theo tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Phụ nữ xã Ngọc Mỹ đã bàn bạc thống nhất thực hiện mô hình tiết kiệm bằng ống bương. Số tiền này sẽ được dùng để giúp các hộ khó khăn trong thôn bản của xã. Chị Bùi Thị Sạn – Chi hội trưởng Phụ nữ xóm Biện (Ngọc Mỹ) cho biết: “Năm đầu tiên phát động (2008), toàn chi hội góp được 500.000 đồng, giúp được cho một hội viên. Sang năm 2009, số tiền tiết kiệm tăng lên 1,7 triệu đồng, giúp cho 3 hội viên. Đến năm 2011, số tiền tiết kiệm trên 2 triệu đồng, giúp đỡ được cho 4 hội viên của Chi hội.

Với số tiền tiết kiệm được, bà con đã thực sự giúp ích cho nhiều gia đình nghèo có hoàn cảnh éo le trong xã. Vợ chồng chị Bùi Thị Niện ở thôn Biện có 4 người con, nhà chỉ có 1 sào ruộng nên quanh năm đứt bữa. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên năm 2008, suýt nữa chị phải cho một đứa con nghỉ học. Rất may, chị là người đầu tiên trong năm 2008 được Chi hội phụ nữ thôn Biện giúp đỡ 500.000 đồng, đủ tiền mua con lợn nái giống. Nhờ thế gia đình đã có thu nhập thêm từ chăn nuôi. Con lợn nái đó đẻ được 3 lứa, chị bán đi lấy tiền cho các con ăn học, trang trải nợ nần. Từ chăn nuôi, cuộc sống gia đình chị đã dần khá lên.

Chị Bùi Thị Thao - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Mỹ cho biết: “Với cách làm sáng tạo này, phong trào đã ngày càng thu hút bà con trong thôn, bản tham gia, khơi dậy truyền thống lá lành đùm lá rách, giúp cho bà con trong thôn bản xích lại gần nhau hơn, gắn bó, cảm thông và chia sẻ với nhau nhiều hơn”.

Cũng được hưởng lợi từ mô hình “ống bương tiết kiệm”, chị Bùi Thị Nhạ (thôn Biện) kể: Năm 2009, chồng chị bị gãy chân không đi lại được. Bản thân chị bị bệnh đau dạ dày hành hạ. Cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, tưởng chừng như bế tắc. Nhưng nhờ Chi hội phụ nữ thôn năm đó giúp 500.000 đồng, chị mua 20 con ngan về nuôi. Nhờ ngan bán được giá, chị gom tiền mua con lợn nái. Đến nay, chị đã mua thêm được một con bò giá 8 triệu đồng. “Từ sự giúp đỡ của chị em trong thôn mà gia đình tôi có được ngày hôm nay, bây giờ có điều kiện, tôi sẽ giúp đỡ lại các chị em khác có hoàn cảnh khó khăn hơn” - chị Nhạ tâm sự.

Tuy số tiền mỗi gia đình nhận được qua phong trào “ống bương tiết kiệm” của Hội Phụ nữ xã Ngọc Mỹ không phải là lớn, nhưng đã phần nào giúp các hội viên có được một số vốn làm ăn, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Chị Bùi Thị Thao - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Mỹ cho biết: “Với cách làm sáng tạo này, phong trào đã ngày càng thu hút bà con trong thôn, bản tham gia, khơi dậy truyền thống lá lành đùm lá rách, giúp cho bà con trong thôn bản xích lại gần nhau hơn, gắn bó, cảm thông và chia sẻ với nhau nhiều hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem