Ông chủ 9x kiếm tiền từ tre phế phẩm

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 10/03/2015 13:00 PM (GMT+7)
Đang là sinh viên năm 4, ngành cơ khí tạo máy, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, bỗng dưng Huỳnh Phước Đức (22 tuổi) hoãn việc nhận bằng kỹ sư để về quê ở thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, Quảng Nam, đeo đuổi việc tái chế những thanh tre vụn, phát triển nghề thủ công...
Bình luận 0

Tạo nghề mới từ thân tre bỏ đi

img

Phước Đức chế tạo chiếc xe điện “độc”.

Đức sống tại làng quê Cẩm Thanh hiền hòa, quanh năm tươi mát với những rặng tre già soi bóng. Thấy những thân tre vụn nằm rơi rãi trên đường, Đức đã nảy ý định tái chế chúng thành những sản phẩm có ích để kiếm tiền. Từ bàn tay khéo léo cộng với sự cần cù, tỉ mỉ, sau nhiều ngày tập tành thử nghiệm, Đức cho ra đời những sản phẩm là điện thoại, đồng hồ, móc khóa… bằng tre, thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Hơn 8 năm vừa học, vừa đeo đuổi niềm đam mê, Đức đã có con đường đi riêng của mình với tre phế phẩm. Đầu tháng 7.2014, anh bảo lưu kết quả học tập, về quê lập nghiệp.
 

Đức tâm sự: “Từ nhỏ mình đã có ý định làm giàu bằng nghề thủ công nên sau khi có đầy đủ kiến thức mình xin phép gia đình không lấy bằng kỹ sư mà mở xưởng để làm giàu”.

Những sản phẩm do bàn tay cần mẫn của Đức tạo ra có giá bán từ vài chục ngàn đồng cho đến tiền triệu. Mỗi tháng anh bỏ túi chừng 5 triệu đồng nhờ đôi bàn tay khéo léo của mình và tre. “Mình tập trung làm những vật dụng cần thiết cho người dùng như vỏ điện thoại, đồng hồ... Bên cạnh đó mình tự sáng tạo ra những mặt hàng độc như đàn ghi ta, xe điện bằng tre… hy vọng sản phẩm sẽ thu hút được khách hàng. Điều mà mình đang hướng tới là kết hợp việc làm nghề thủ công với du lịch tại địa phương” - Đức chia sẻ.

Truyền nghề mới để phát triển nghề

Năm 2013, Đức đảm nhiệm việc đứng lớp dạy nghề thủ công cho 15 thanh niên tại địa phương. Nhờ sự tận tụy của người thầy nhỏ tuổi này, nhiều thành niên có thể kiếm sống bằng nghề thủ công mà mình học được. Dự định lớn nhất của Đức là đầu năm 2015, sẽ mở 1 xưởng làm nghề thủ công tại nhà để vừa làm nghề, vừa truyền nghề cho thanh niên trong làng.

Nói về tương lai của nghề, Đức cho biết là rất có khả năng phát triển bởi nghề thu hút nhiều thanh niên có óc sáng tạo, tay nghề khéo léo. Điều khó khăn nhất, theo Đức, chính là xử lý tre sao cho đạt độ bền, độ bóng đẹp cần thiết. Để làm được điều này, Đức cho biết sẽ phải học hỏi thêm rất nhiều từ các “sư phụ” ở nhiều làng nghề đang sản xuất sản phẩm tre, trúc trong cả nước. “Hiện tại thì 3 nhóm sản phẩm gồm văn phòng phẩm, tiêu dùng cá nhân và trang trí nội thất đều do mình đảm nhiệm. Sắp tới mở xưởng mình sẽ tuyển thêm nhân công để mở rộng quy mô. Du khách đến đây có thể tự tay làm những món hàng mà mình thích” - Đức bày tỏ.

  Anh Đức bày tỏ mong muốn tìm các bạn hàng, đối tác và tìm kiếm thông tin học hỏi. Địa chỉ của Huỳnh Phước Đức: Xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, Quảng Nam; điện thoại: 0907.827.794.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem