Ông chủ Novaland sẽ thành tỷ phú USD Việt thứ 2 được Forbes công nhận?

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 01/01/2017 05:00 AM (GMT+7)
20 năm sau khi Thị trường Chứng khoán Việt Nam ra đời, Việt Nam mới có một tỷ phú USD đầu tiên được thế giới công nhận là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, sau khi Tập đoàn Novaland chính thức lên sàn thì dường như tỷ phú USD thứ 2 đang dần lộ diện...
Bình luận 0

img

Ông Bùi Thành Nhơn

Ngày 28.12, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland chính thức giao dịch trên sàn HOSE với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 50.000 đồng/CP. Ngay phiên đầu tiên, cổ phiếu NVL đã tăng hết biên độ 20% lên 60.000 đồng/CP khiến tổng vốn hóa thị trường của NVL đạt tới con số hơn 35.421 tỷ đồng.

Từ việc sở hữu trực tiếp và gián tiếp, chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn và gia đình nắm trong tay 65,4% cổ phần của Novaland Group, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá lên đến hơn 23.400 tỷ đồng, tức hơn 1 tỷ USD.

Khởi nghiệp từ 400 triệu...

Trở thành ông chủ của một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam nhưng ông Bùi Thành Nhơn lại là một người khá kín tiếng trước truyền thông. Trước khi chính thức lên sàn chứng khoán, cái tên Bùi Thành Nhơn cũng không mấy nổi tiếng. Tuy nhiên, từ sau khi kế hoạch niêm yết của Novaland được công bố, những thông tin về ông chủ “sau màn” dần hé lộ khiến nhiều người khá bất ngờ bởi tổng tài sản đáng nể của vị đại gia này.

Cụ thể, theo bản cáo bạch khi niêm yết, trình độ chuyên môn của ông Nhơn là Cử nhân ngành chăn nuôi thú y tại Hoa Kỳ. Sau đó, ông tốt nghiệp khóa quản trị kinh doanh cao cấp HSB Tuck School of Business at Dartmouth, Hanover (Đức). Sau khi tốt nghiệp, từ năm 1981 đến 1983 ông Nhơn công tác tại Phòng Nông nghiệp Ủy ban Nhân dân Huyện Nhà Bè và từ 1983 đến 1992, ông làm ở Công ty Vật tư Chăn nuôi Thú y cấp I, TP.HCM.

Năm 1992, ở độ tuổi 34, ông Nhơn khởi sự kinh doanh bằng việc thành lập Công ty TNHH Thương Mại Thành Nhơn với số vốn điều lệ 400 triệu đồng để kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu dược, hóa chất, xây dựng biệt thự cho thuê. Đây chính là công ty tiền thân của Novaland sau này. Một năm sau đó, ông Nhơn đã hợp tác với Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản) để phân phối Lysin và liên doanh với đối tác đến từ Philippines xây dựng nhà máy sản xuất thuốc thú y, mở rộng hệ thống phân phối cả nước.

Đến những năm 2006 -2007, khi thị trường địa ốc “nóng”, ông Nhơn cũng như nhiều doanh nhân khác đã tìm đến bất động sản. Năm 2007, Tập đoàn Nova được thành lập bao gồm 2 mảng chính do 2 công ty độc lập quản lý gồm: Anova Corporation (kinh doanh thuốc thú y và thực phẩm dinh dưỡng...) và Novaland Group (đầu tư kinh doanh bất động sản).

Tập đoàn Nova “mạnh” cỡ nào?

Như đã nói ở trên, sau khi tách làm 2 mảng chính thì Tập đoàn Nova cũng dần có những hướng đi riêng của mình, trong đó Novaland Group dường như “nổi tiếng” hơn người anh em của mình là Anova Corporation. Cụ thể, năm 2009, Novaland lần đầu tiên làm nên tên tuổi của mình khi khởi công dự đầu tiên là Sunrise City (Quận 7, TP.HCM). Từ đó đến nay, thông qua các thương vụ M&A (mua bán sáp nhập), Novaland đã có trong tay hàng chục dự án nằm tại các vị trí đắc địa trên địa bàn TP.HCM; thậm chí  hàng loạt các dự án bất động sản từ các ông lớn như: Hoàng Anh Gia Lai, Savico, Đại Hưng Phú... cũng lần lượt rơi vào tay Novaland.

Hiện, số dự án Novaland đã và đang triển khai lên tới con số 40 và công ty đã được định giá lên tới 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, những gì mà cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland đang làm được sau khi lên sàn đang chứng minh mức định giá của Novaland còn cao hơn con số 1,2 tỷ USD.

Mặc dù không được biết đến nhiều như "người anh em" Novaland, nhưng Anova lại là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thuốc thú y, vaccin cũng như kinh doanh nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc (hơn 1.000 đại lý khắp toàn quốc) và xuất khẩu sang 26 quốc gia.

Theo thống kê, Tập đoàn Anova với 10 công ty thành viên bao gồm 3 nhà máy thuốc thú y hiện đại, đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, 1 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, 2 công ty kinh doanh nguyên liệu sản xuất thuốc thú y, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối vaccin và 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm thuốc thú y cho thị trường Miền Bắc. Ngoài ra Anova Corp đang chú trọng đầu tư vào thị trường chăn nuôi heo an toàn với sự ra đời của 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực về trang trại chăn nuôi, quy mô hiện tại bao gồm 1 trại nái 2.400 con và 1 trại thịt 12.000 con.

Đặc biệt, hồi tháng 6.2016, Anova đã nhận được khoản đầu tư trị giá 15 triệu USD từ Công ty Tài chính Quốc tế IFC, qua đó định giá Anova ở mức xấp xỉ 100 triệu USD.

Cũng cần nói thêm, không chỉ tập trung vào các mảng bất động sản, kinh doanh thuốc thú y... Tập đoàn Nova cũng đang có nhiều động thái tham gia thâu tóm doanh nghiệp nhà nước trong diện phải cổ phần hóa, thoái vốn. Chẳng hạn, năm 2014, Novaland trở thành ông chủ mới của Công ty TNHH Một thành viên Cảng sông TP.HCM (Casoco), khi nắm giữ trên 50% cổ phần...

img

Ông Bùi Thành Nhơn nhận quyết định niêm yết của HOSE

Đến cơ hội trở thành tỷ phú USD thứ 2 của Việt Nam

Vì sao mà ông Bùi Thành Nhơn có cơ hội trở thành tỷ phú USD người Việt thứ 2 được thế giới công nhận mà không phải là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Faros FLC dù ông  Quyết đang xếp thứ 1 trên sàn chứng khoán, vượt qua cả ông Phạm Nhật Vượng?.

Theo thống kê của Việt Nam, trong danh sách top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam tính đến trưa ngày 30.12 thì ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ khối tài sản bằng cổ phiếu của ROS, FLC trị giá lên tới hơn 33.574 tỷ đồng, vượt xa tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup với tổng tài sản 30.192 tỷ đồng. Xếp thứ 3 là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát với tổng tài sản 7.981 tỷ đồng và thứ 4 mới là ông Bùi Thành Nhơn với tổng tài sản là 7.571 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó chỉ là xếp hạng của Việt Nam vì thực tế theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng đang là tỷ phú USD duy nhất Việt Nam được công nhận, sở hữu tổng giá trị tài sản trị giá hơn 2,2 tỷ USD.

Còn với ông Trịnh Văn Quyết, dù nắm tài sản khổng lồ nhưng khoản tài sản này của ông Quyết “thay đổi” đến chóng mặt vì cổ phiếu ROS cũng còn nhiều vấn đề tranh cãi, thậm chí Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng từng có báo cáo gửi tới cơ quan quản lý thị trường chứng khoán về sự tăng giá "bất thường" của cổ phiếu ROS, đồng thời yêu cầu Faros giải trình về việc này. Đây có thể là nguyên nhân khiến ông Quyết chưa được công nhận là tỷ phú USD của Việt Nam.

Tuy nhiên, với ông Bùi Thành Nhơn thì khác, dù chỉ xếp hạng vị trí người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán nhưng khoản “tài sản chìm” của ông Nhơn cũng không hề nhỏ khi ông đồng thời là Chủ tịch HĐQT của nhiều công ty như: Công ty CP Đầu Tư Địa Ốc No Va; Chủ tịch HĐQT Công CP Novagroup; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Diamond Properties; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Anova Corp; Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Doanh Bio-Pharmachemie; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Mclub; Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Một thành viên Novagroup Leadership Center... Nếu tỷ lệ sở hữu ở các doanh nghiệp này được công khai thì khả năng trở thành tỷ phú USD  thứ 2 của ông Nhơn là hoàn toàn có thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem