Ông Đặng Văn Thành nói về tái cơ cấu nhà máy đường Nước Trong

Quốc Hải Thứ hai, ngày 17/06/2019 16:56 PM (GMT+7)
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho rằng việc TTC tái cơ cấu nhà máy đường Nước Trong không phải là do khó khăn mà chỉ là bước chuyển đổi sang sản xuất đường organic. Ngoài ra, TTC còn mở rộng sang Lào và Campuchia do những vùng đất này còn hoang sơ, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình canh tác hoá học...
Bình luận 0

img

Đại diện ngành mía đường Malaysia chia sẻ tại hội nghị 

Tại Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4, diễn ra sáng nay tại TP.HCM, ông Lê Xuân Trung, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay dù doanh nghiệp (DN) và người nông dân trồng mía đã dốc sức để nâng cao năng lực cạnh tranh, song với xu hướng bảo hộ và trợ giá cho ngành mía đường của các quốc gia khác, ngành mía đường vốn đã lao đao do phải cạnh tranh không cân sức hơn chục năm qua, nay lại tiếp tục đối diện nguy cơ “vỡ trận” sau khi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Tháo gỡ những vấn đề cấp thiết ngành mía đường

Báo cáo tại hội nghị, đại biểu các quốc gia thuộc Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á gồm: Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam đều có những phân tích về ngành mía đường của quốc gia mình, cách nâng cao chuỗi giá trị ngành mía đường, đồng thời cũng đề ra các giải pháp ứng phó với tình trạng thâm hụt đường có thể diễn ra trong thời gian tới.

Đại diện ngành mía đường Thái Lan, ông Pramode Vidtayasuk, Chủ tịch của Thai Sugar Millers Corporation Limited (TSMC) cho biết, dự báo niên vụ mía đường 2019 - 2020, ngành mía đường Thái Lan đạt khoảng 119 triệu tấn mía (+-3%), sản lượng đường đạt khoảng 13 triệu tấn, giảm so với niên vụ 2018 - 2019 (đạt khoảng 14 triệu tấn); giá mía niên vụ 2019 - 2020 cũng dự báo giảm chỉ khoảng 700 bath/tấn (niên vụ 2018 - 2019 là 800 bath/tấn).

img

Toàn cảnh Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4

“Niên vụ trước, Chính phủ Thái Lan quy định giá mía niên vụ 2018-2019 đầu vụ là 800 baht/tấn (tương đương 584.000 đồng/tấn). Cuối vụ, dự kiến nông dân sẽ được trả thêm 150 baht/tấn (tương đương 110.000 đồng/tấn) từ Quỹ phát triển mía đường. Đồng thời, Chính phủ cũng hỗ trợ chi phí đầu vào gồm vật tư nông nghiệp, chăm sóc mía với số tiền 50 baht/tấn (tương đương 36.500 đồng/tấn) cho nông dân có quy mô sản lượng mía dưới 5.000 tấn/vụ/nông dân. Tổng cộng, nông dân nhận được giá mía là 730.000 đồng/tấn mía. Tuy nhiên, năm nay tình hình sẽ khác vì Chính phủ mới chưa thông qua những quy định gì để hỗ trợ ngành mía đường nên chúng tôi chưa thể nói được gì”, một đại diện ngành mía đường Thái Lan bổ sung.

img

Các đại biểu phát biểu kinh nghiệm, ý kiến xây dựng ngành mía đường

Cũng theo đại diện này, trước mắt kế hoạch của ngành mía đường Thái Lan là tập trung vào việc giảm mía đốt mùa thu hoạch, từ 61% (niên vụ 2018 - 2019) xuống còn 30% trong niên vụ này, và những năm sau đó giảm xuống tỷ lệ 20% - 10%. Ngoài ra, có thể sẽ tính tới phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm nước ngọt.

“Với uy tín không chỉ tại Việt Nam mà còn quốc tế, TTC Sugar đồng hành cùng các cơ quan chức năng để ra sức chống lại vấn nạn đường lỏng (HFCS), góp phần minh bạch thị trường đường trong nước, đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC khẳng định.

Trong khi đó, đại diện ngành mía đường Malaysia, ông Hishammudin bin Hasan, Giám đốc điều hành nhà máy đường trung ương Sdn.Bhd (Malaysia) chia sẻ, tổng lượng đường thô nhập khẩu trong nửa đầu năm 2019 của quốc gia này vào khoảng 688.000 tấn. Để bảo hộ sản xuất trong nước, Chính phủ Malaysia đã quyết định áp thuế các mặt hàng nước ngọt có ga và nước trái cây từ ngày 1/7/2019. Theo đó, mức thuế 40 cent/lít sẽ được áp dụng cho các sản phẩm nước giải khát có chứa nhiều hơn 5 gram đường (hoặc chất làm ngọt có nguồn gốc từ đường) trên mỗi 100ml. Đối với nước trái cây và nước ép rau quả, mức thuế 40 cent/lít sẽ được áp dụng cho các sản phẩm có chứa nhiều hơn 12 gram đường/100ml.

“Đặc biệt, để hướng đến giúp người tiêu dùng Malaysia sử dụng loại đường tốt cho sức khỏe hơn, chúng tôi có sản phẩm đường nâu glycemic thấp, giúp giảm hấp thụ đường vào máu, chống lại vấn nạn béo phì và bệnh tiểu đường, vẫn giữ được các đặc tính quan trọng của đường khi dùng để làm bánh… Đây là sản phẩm đường mới lần đầu tiên xuất hiện tại Malaysia, giá cả phù hợp cho tất cả mọi người”, ông Hishammudin bin Hasan chia sẻ.

Tại Hội nghị, các thành viên ASA cũng chia sẻ các vấn đề về thương mại, thị trường và chính sách phát triển sản phẩm ngoài đường (Phát triển thị trường Cồn - phát điện); vấn đề kỹ thuật, chất lượng sản phẩm (Đường - Sức khỏe và dinh dưỡng),… Qua trao đổi, các thành viên ASA đều công nhận điện sản xuất từ bã mía là một loại năng lượng tái tạo cần tích cực khai thác. Các cường quốc mía đường như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines đều đã có chính sách cụ thể khuyến khích các nhà máy đường bán điện ra lưới điện quốc gia…

Cơ hội nào với ngành mía đường Việt Nam?

Nhìn nhận những khó khăn chung của ngành mía đường khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhận định, trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp mía đường Việt Nam bắt đầu đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị mới để tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, đầu tư giống mới, phân bón, hệ thống tưới tiêu và cơ giới hóa, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất mía đường.

Chẳng hạn, với “vua mía đường” TTC của ông Đặng Văn Thành đã có chiến lược chuyển dịch vùng nguyên liệu sang Lào, Campuchia nhằm làm bàn đạp để chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á và thoát khỏi “vũng lầy” thiếu nguyên liệu tại Việt Nam - đây được xem là bước chuyển hướng chiến lược của tập đoàn này.

Trao đổi tại hội nghị, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho rằng việc TTC tái cơ cấu nhà máy đường Nước Trong không phải là do khó khăn mà chỉ là bước chuyển đổi sang sản xuất đường organic.

Theo ông Đặng Văn Thành, sở dĩ TTC mở rộng sang Lào và Campuchia là do những vùng đất này còn hoang sơ, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình canh tác hoá học, diện tích canh tác lớn và liền thửa, có thể áp dụng cơ giới hóa trên cánh đồng mẫu lớn để triển khai sản xuất mía organic theo tiêu chuẩn châu Âu.

img

“Hiện tại, ngoài nông trường tại Lào với tổng diện tích 2.300ha, tổng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất mía tập trung tại Campuchia lên đến 16.000ha trong bán kính không quá 30 km, sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu của TTC lên hơn 70.000ha tại ba nước Đông Dương. Đặc biệt, với hệ thống dây chuyền nhà máy hiện đại ở Campuchia khi vận hành sẽ sản xuất đường thô, đường tinh luyện, cồn, điện thương phẩm cùng nhiều phụ phẩm có giá trị khác, tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín khai thác tối đa giá trị từ cây mía. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để TTC có thể xuất khẩu trực tiếp đường sang các nước Đông Nam Á. Chiến lược của TTC là 50% xuất khẩu, 50% phục vụ thị trường nội địa”, ông Đặng Văn Thành khẳng định.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, thị trường đường thế giới sẽ chuyển sang thâm hụt 2,5 triệu tấn trong niên vụ 2019 - 2020 sau tình trạng thặng dư trong các niên vụ trước, do đó giá đường được dự báo sẽ có chiều hướng tăng tích cực. Đây sẽ là cơ hội của các công ty hoạt động trong lĩnh vực mía đường - đặc biệt là TTC Sugar - đơn vị đang sở hữu thị phần khá lớn trong nước mở rộng thị phần ra quốc tế.

Tuy nhiên, cũng có không ít những khó khăn liên quan đến tình trạng đường nhập lậu, đường lỏng… khiến ngành mía đường trong nước lao đao. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, bình quân mỗi năm lượng đường nhập lậu vào thị trường nước ta khoảng 500 nghìn tấn. Ngoài ra, đường lỏng nhập khẩu tiếp tục gia tăng những năm gần đây cũng ảnh hưởng việc tiêu thụ đường cát trong nước. Năm 2014, nhập khẩu đường lỏng vào nước ta khoảng 46 nghìn tấn, năm 2018 đã lên khoảng 140.000 tấn, tăng hơn ba lần. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành mía đường gặp khó khăn như hiện nay.

Niên vụ mía đường 2018 - 2019, sản lượng mía ước đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường ước đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so niên vụ trước. Dự kiến, niên vụ mía đường 2019 - 2020, sản lượng sẽ tiếp tục giảm. Trong đó, diện tích mía giảm xuống còn 220.000 ha, sản lượng mía còn khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so niên vụ trước…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem