Ông Dương Công Minh, Dũng “lò vôi” và các doanh nhân khoác áo lính

Nguyên Phương Chủ nhật, ngày 13/10/2019 18:30 PM (GMT+7)
Trước khi trở thành doanh nhân và đạt được thành công trên thương trường, ông Dương Công Minh, ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi” – PV) hay bà Nguyễn Thị Mai Thanh từng có thời gian dài công tác trong quân đội.
Bình luận 0

img

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Ngày 13/10/2019 ghi nhận dấu mốc 15 năm kể từ khi cố Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Nhân dịp này, Dân Việt xin giới thiệu tới quý độc giả chân dung những doanh nhân từng khoác áo lính.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank

Ông Dương Công Minh từng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc làm cho một cơ quan chuyên xuất nhập khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và nhập khẩu công nghệ của Bộ Quốc phòng ở phía Nam.

Vị doanh nhân gốc Bắc Ninh vốn được biết đến với biệt danh "Minh Him Lam" hay "Minh Xoài", cái tên bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.

Ông Minh cho biết, trong thời gian ông đi buôn chuối thì có người bạn của ông hỏi mua xoài, thế là ông đi buôn xoài rồi xuất khẩu xoài sang các nước. Biệt danh Minh Xoài của ông có từ đó.

Năm đầu tiên ông Minh làm công việc thu mua, xuất khẩu xoài một mình. Tới năm thứ 2 thì ông làm cùng bạn.

“Hồi đó quả xoài hiếm lắm chứ không phổ biến và có nhiều giống xoài như bây giờ. Buôn xoài cũng rất lãi. Một xe xoài bán xong lãi 20 triệu đồng, 100 xe lời 2 tỷ đồng. Đây là một con số lớn khủng khiếp thời những năm 1988 – 1989”, ông Minh nhớ lại.

Nhưng kinh doanh không phải là một con đường bằng phẳng đoạn nào cũng trải đầy hoa hồng. Tới khi ông Minh làm cùng bạn và có một chuyến buôn xoài lớn nhất với 110 xe xoài xuất đi nước ngoài thì sự cố không mong muốn đã xảy ra. 110 xe xoài này đêu là xoài non nên trên đường xuất khẩu đã thối và hỏng hết. Chuyến buôn này khiến ông phá sản, bao nhiêu vốn liếng có từ trước đó mất hết.

img

Ông Dương Công Minh được biết đến với biệt danh "Minh Him Lam", "Minh Xoài".

Kết quả, ông Minh “Xoài” đã phải bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên, chính trong lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà ông Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên Công ty Cổ phần Him Lam – Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Tên tuổi của ông Minh gắn liền với Tập đoàn Him Lam, nơi ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 99% và LienVietPostBank, nơi ông cùng từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

Ngày 30/6/2017, ông Dương Công Minh chính thức trúng cử vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank. Để bước chân vào Sacombank, ông Minh đã phải từ nhiệm chức vụ Chủ tịch LienVietPostBank. Đồng thời Tập đoàn Him Lam cũng buộc phải thoái toàn bộ phần vốn của mình tại LienVietPostBank để tránh tình trạng sở hữu chéo giữa hai ngân hàng.

Ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi")

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng tên thật là Huỳnh Phi Dũng, sinh ra và lớn lên tại xã Phước Lộc, Tuy Phước, Bình Định. Ông được biết tới tên gọi quen thuộc Dũng "lò vôi" vì ông từng khởi nghiệp thành công với một lò vôi

Cụ thể, sau khi nhập ngũ, ông Huỳnh Uy Dũng từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam. Sau đó, ông làm công tác hậu cần, tiếp tế lương thực, quân trang tại Quân khu 5, rồi đến Quân khu 7.

Khi chuyển về công tác ở bộ phận hậu cần thuộc Công an thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ông phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp để có thêm thu nhập cho đơn vị. Cái tên Dũng “lò vôi” có từ năm 1983 và theo ông suốt từ đó đến nay.

img

Ông Huỳnh Uy Dũng.

Thời gian sau đó, ông Dũng đã bán xí nghiệp lò vôi và chuyển qua làm sơn mài, giữ vị trí Giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ, sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - Thalexim.

Thời điểm đó, Công ty sơn mài Thanh Lễ đang đứng bên bờ vực phá sản, ông Huỳnh Uy Dũng đã vực dậy công ty phát triển, ông lại rời đi lập công ty gia đình Hoàng Gia, là Công ty Cổ phần Ðại Nam hiện giờ. Năm 1997, ông làm làm khu công nghiệp Bình Đường.

Sau Bình Đường, ông tự đứng ra đầu tư 2 khu công nghiệp khác là Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3, cùng với nhiều dự án khu dân cư khác.

Thời gian gần đây, ăn khoăn trước thực trạng nguồn tài nguyên nước đang trong tình trạng báo động, lượng nước thải công nghiệp xả thẳng ra môi trường tự nhiên gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ông Huỳnh Uy Dũng đã quyết tâm làm nhà máy xử lý nước thải thành nước sinh hoạt bằng phương pháp vi sinh.

Với tính cách dám nghĩ dám làm, ông Dũng “lò vôi” đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý nước thải thành nước sinh hoạt phục vụ sản xuất bằng phương pháp vi sinh (do chính người Việt Nam phát hiện và lai tạo).

Từ đó, ông Dũng “lò vôi” đã bắt tay vào xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành nước sinh hoạt. Và Nhà máy Xử lý nước thải Sóng Thần II đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Sóng Thần II, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Được biết, 30% lợi nhuận của Nhà máy xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh, ông Dũng sẽ để làm công tác từ thiện và 10% lợi nhuận phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học môi trường về nước thải, rác thải và khí thải.

Trao đổi với Dân Việt, ông Huỳnh Uy Dũng cho biết, Nhà máy Xử lý nước thải Sóng Thần II có thể xử lý với công suất tối thiểu khoảng 10.000 m3 và tối đa có thể lên tới 18.000 m3 mỗi ngày. Mỗi KCN phải có một nhà máy và không nhất thiết phải có nhà máy con. Đây là nhà máy kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam xử lý nước công nghiệp thành nước phục vụ sản xuất. 

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh là con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà theo học lớp dược tá và được phân công về Sư đoàn 9 ở chiến trường miền Đông Nam Bộ ác liệt.

Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức) năm 1982, bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư. Năm 1985, bà được bổ nhiệm làm Phó giám đốc và 10 năm sau trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cơ điện lạnh REE.

img

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh.

Dưới sự dẫn dắt của bà Mai Thanh, REE đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu lớn trong ngành.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu REE được biết đến khi là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết (cùng với SAM). Tuy nhiên, thương hiệu REE ngày nay được biết đến như một tập đoàn đầu tư đa ngành với các lĩnh vực: bất động sản, điện, nước, khoáng sản.

Vào tháng 3/2019, bà Nguyễn Thị Mai Thanh được Forbes vinh danh vào top “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem