Ông Lê Minh Trí: Ra tòa Kiểm sát viên nói mạnh về Chủ tịch tỉnh, chắc mai mốt không xin đất, xin trụ sở được

PVCT Thứ ba, ngày 12/01/2021 14:04 PM (GMT+7)
“Trong vụ án hành chính, một kiểm sát viên công tác ở Viện KSND huyện, tỉnh khi ra toà buộc phải phát biểu mạnh về ông Chủ tịch UBND tỉnh thì chắc mai kia không xin đất, xin trụ sở được”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nói.
Bình luận 0

"Tôi phải nói thật như vậy"

Phát biểu làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến báo cáo công tác nhiệm kỳ của Viện KSND Tối cao tại phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 12/1), ông Lê Minh Trí cho biết:

Về tranh luận tại toà, đối với án hình sự, đặc biệt ở cấp Trung ương, việc tranh tụng của Kiểm sát viên không có điều gì băn khoăn nhiều, bởi so với trước đã tiến bộ nhiều, đạt được yêu cầu buộc tội và truy tố.

Ông Lê Minh Trí: Ra tòa Kiểm sát viên nói mạnh về Chủ tịch tỉnh, chắc mai mốt không xin đất, xin trụ sở được - Ảnh 1.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí (ảnh quochoi.vn).

Tuy nhiên, ông Lê Minh Trí cũng thừa nhận, trong phát biểu của kiểm sát viên ở các vụ án dân sự và hành chính thì có hai việc. Thứ nhất việc cả nể là có. "Một kiểm sát viên công tác ở Viện KSND huyện, tỉnh khi ra toà buộc phải phát biểu mạnh về ông Chủ tịch UBND tỉnh thì chắc mai mốt không xin đất, xin trụ sở được. Tất nhiên việc xin đất, xin trụ sở là công việc nhưng không có mối quan hệ tốt thì khó lắm. Kiểm sát viên muốn nói mạnh mà Viện trưởng Viện KSND ở đó bảo "nói vừa vừa thôi" thì kiểm sát viên cũng không dám nói. Tôi phải nói thật như vậy", ông Lê Minh Trí thẳng thắn.

Vấn đề thứ hai, theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, đối với án dân sự với hành chính đòi hỏi kiến thức rất tổng hợp về kinh tế, xã hội, chuyên ngành, nếu kiếm sát viên thiếu những kiến thức đó thì phát biểu rất khó khăn. Liên quan đến đất đai là phải hiểu về đất đai nhiều thời kỳ, chứ không phải chỉ đất đai đơn thuần. 

"Tiến sĩ luật nhưng mà ra tòa không rành về đất đai thì cũng không tranh tụng, phát biểu một cách đầy đủ được. Trong những năm gần đây, tôi yêu cầu tổ chức tập huấn các lớp bồi dưỡng bổ sung nâng cao kiến thức cho kiểm sát viên . Rút kinh nghiệm qua phiên tòa thì thấy các kiểm sát viên có tiến bộ, nhưng số lượng các vụ án hành chính và dân sự tăng rất nhanh trong những năm gần đây từ 250 lên 350 vụ. Số lượng tăng như thế cũng áp lực cho chuyện đáp ứng yêu cầu chất lượng tranh tụng. Cả Tòa án, Viện Kiểm sát đều có những nỗ lực, cố gắng và chuyển biến tốt, nhưng so với yêu cầu là cuộc rượt đuổi không đơn giản", ông Lê Minh Trí nói.

Chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc phát hiện vi phạm và kháng nghị

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự thảo Báo cáo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao về công tác của ngành KSND, đối với công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự:

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự trong nhiệm kỳ này tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số lượng kháng nghị phúc thẩm của VKSND ngang cấp tăng, số lượng kháng nghị phúc thẩm tăng 7,3%. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Số kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm trong giải quyết các vụ việc dân sự tăng 26,5%. 

Tuy nhiên, chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án trong một số phiên tòa chưa cao. Vẫn còn một số Viện KSND chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc phát hiện vi phạm và kháng nghị. 

Ủy ban Tư pháp cho biết thêm, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính đạt được một số kết quả. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm của Viện KSND ngang cấp tăng. Viện kiểm sát các cấp đã chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác kiểm sát việc giải quyết án hành chính.

Tuy nhiên, số lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm của Viện kiểm sát chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số bản án, quyết định bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy và bị Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy, sửa. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận một số năm chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội, đáng lưu ý, năm 2020, tỷ lệ kháng nghị được Tòa án chấp nhận giảm mạnh so với năm 2019. Một số kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong một số vụ án hành chính khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem