"Ông lớn" bán lẻ về tận vườn vải thiều của nông dân, kết nối tiêu thụ quả đặc sản tiến vua

Thiên Ngân Thứ ba, ngày 18/05/2021 15:18 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 do Bộ NN-PTNT phối hợp các Bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức vừa qua, đại diện Vincommerce cho biết sẽ tích cực kết nối tiêu thụ và quảng bá vải thiều cũng như nhiều loại nông sản, thực phẩm khác.
Bình luận 0

Về tận vườn vải thiều đánh giá, lựa chọn sản phẩm

Trong sáng nay, 18/5, tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ mở vườn đưa vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Singapore,… đồng thời tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều - đặc sản tiến vua đất Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị này, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc thường trực của Vincommerce cho biết, trong bối cảnh việc tiêu thụ nhiều loại nông sản gặp khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương thời gian qua, nhiều nông sản đặc sản của tỉnh đã được VinCommerce hỗ trợ tiêu thụ khá tốt tại 2 chuỗi VinMart và VinMart+. 

Điển hình là các sản phẩm su hào, cà rốt, cà chua, dưa chuột, gà đồi Chí Linh... Các sản phẩm này được khách hàng đặc biệt quan tâm và ủng hộ.

"Trong nhiều năm qua, sản phẩm vải thiều luôn là nhóm sản phẩm có doanh thu cao tại hệ thống bán lẻ của chúng tôi, điển hình năm 2020 VinCommerce đã thu mua hơn 200 tấn vải thiều. Trong đó nhóm sản phẩm có doanh thu cao nhất vẫn là vải thiều Thanh Hà" - bà Phương thông tin.

"Ông lớn" bán lẻ về tận vườn vải thiều của nông dân, kết nối tiêu thụ quả đặc sản tiến vua  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc thường trực của Vincommerce, thuộc Tập đoàn Masan chia sẻ về các phương án của công ty với tiêu thụ nông sản trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Về vụ vải thiều sắp tới, dựa trên kinh nghiệm của VinCommerce, từ 2 tháng trước các cán bộ của công ty đã về làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh việc tiếp cận thông tin trực tuyến, các cán bộ kiểm định chất lượng của VinCommerce đã đến từng vùng trồng để kiểm soát trước khi nhập sản phẩm vào hệ thống.

Những giải pháp này không chỉ giúp tiêu thụ tốt vải thiều, mà qua đó còn quảng bá cho thương hiệu của quả vải thiều Việt Nam.

Dự kiến vải thiều sẽ có trên kệ hệ thống siêu thị VinMart vào cuối tháng 5 tới đây.

Theo đánh giá của VinCommerce, tiềm năng tiêu thụ trái vải ở thị trường trong nước là rất lớn. Vải từ khi thu hoạch tới tay người tiêu dùng chỉ trong 1 thời gian rất ngắn nên luôn đảm bảo tươi ngon, mẫu mã đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện, giá vải thiều Hải Dương tại vườn được các doanh nghiệp thu mua với giá 60.000 – 80.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi.

Đảm bảo công tác phòng dịch Codiv-19 và cung ứng đầy đủ hàng hóa

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 do Bộ NNPTNT phối hợp các Bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc thường trực của Vincommerce đã chia sẻ về các phương án của Công ty với việc tiêu thụ nông sản trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Phương cho biết, với 2.500 siêu thị trên toàn quốc và 300 lượt triệu khách hàng mỗi năm, VinCommerce hoàn toàn có thể hỗ trợ cho các hộ nông dân và hợp tác xã nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, tại từng địa phương, cán bộ của VinCommerce trực tiếp tiếp cận với nguồn hàng của nông dân, đánh giá và lựa chọn sản phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Công ty. Từ đó, giảm được thời gian di chuyển, giá thành được tối ưu.

Cũng theo bà Phương, trong những năm gần đây, chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ - luôn chủ động cam kết duy trì tỷ lệ hàng Việt có mặt tại 2 chuỗi trên 90%, đặt biệt cơ cấu trên ngành hàng thực phẩm nông sản, tươi sống có tỷ trọng doanh thu chiếm hơn 30%. 

"Để có được điều này, chúng tôi đã thu mua nông sản trực tiếp từ các nhà cung cấp, HTX địa phương; đồng hành cùng Chương trình OCOP – Xúc tiến tiêu thụ qua việc hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ hiện đại nói chung và hệ thống VinMart/VinMart+ nói riêng. Chúng tôi liên tục tổ chức các Tuần lễ, lễ hội nông sản đặc sản của nhiều địa phương nhằm xúc tiến tiêu thụ và quảng bá nâng cao giá trị các sản phẩm Việt trên toàn quốc"- bà Phương nói.  

"Ông lớn" bán lẻ về tận vườn vải thiều của nông dân, kết nối tiêu thụ quả đặc sản tiến vua  - Ảnh 3.

Vải thiều được bày bán tại siêu thị Vinmart. Ảnh: Thành Trung/TTXVN

"Đặc biệt, chúng tôi thông qua quy trình 5 bước: Duyệt hồ sơ của nhà cung cấp; đàm phán và ký kết hợp đồng; tạo dữ liệu nhà cung cấp và hàng hóa lên hệ thống; đặt hàng và giao hàng; thủ tục thanh toán. Trước và trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, VinMart và VinMart+ luôn đảm bảo cung ứng khối lượng hàng hóa đầy đủ cho mọi ngành hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. 

Đồng thời cam kết giữ giá cả bình ổn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán" - bà Phương chia sẻ thêm. 

Mặt khác hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ vẫn tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mại, ưu đãi nhiều mặt hàng thiết yếu để tạo điều kiện mua sắm cho khách hàng trong thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung. 

Bà Phương cho biết, VinMart/VinMart+ phối hợp với các nhà cung cấp hàng hóa nội địa và nhập khẩu, để đảm bảo nguồn cung luôn dồi dào, không để xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng. Hàng hóa luôn đạt 100% dung lượng trên quầy kệ và kho lưu trữ. 

"Ông lớn" bán lẻ về tận vườn vải thiều của nông dân, kết nối tiêu thụ quả đặc sản tiến vua  - Ảnh 4.

"Chúng tôi linh động xây dựng các phương án giao hàng tiện lợi nhanh chóng cho khách hàng như: Duy trì và phát huy chức năng "Đi chợ hộ" thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ trong địa phương và gần các khu vực bị cách ly; đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, Now, Lazada..., hay đặt hàng online trên website https://vinmart.com.

Theo đó khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt" - bà Phương nói thêm.

"Ông lớn" bán lẻ về tận vườn vải thiều của nông dân, kết nối tiêu thụ quả đặc sản tiến vua  - Ảnh 5.

Đặc sản tiến vua vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và là sản phẩm quen thuộc được bày bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng trong nước.

Nhằm đẩy nhanh quá trình hợp tác kết nối tiêu thụ nông sản, bà Phương cho biết Vincommerce đã lập ra 1 hòm thư email kết nối trực tiếp Ban lãnh đạo của VinCommerce để các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ có thể dễ dàng liên lạc.

Đồng thời tăng cường tổ chức các buổi tham quan, hướng dẫn cho đại diện các hộ nông dân, HTX địa phương tại điểm bán của VinMart/VinMart+, nhằm giúp các hộ nông dân, HTX có cái nhìn rõ ràng hơn về cách thức kinh doanh, bày bán mặt hàng nông sản tại chuỗi bán lẻ, từ đó xúc tiến việc kết nối giao thương được nhanh chóng.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem