Ông Nghiêm Xuân Thành nói gì về tăng trưởng tín dụng 14%, nhưng lợi nhuận Vietcombank không tăng?

H.Anh Thứ sáu, ngày 23/04/2021 16:24 PM (GMT+7)
Quý I/2021, Vietcombank báo lãi trên 8.000 tỷ đồng, tính cả phí upfront bảo hiểm với FWD. Tuy nhiên, theo đánh giá của ban lãnh đạo ngân hàng, năm 2021 Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận chỉ tăng trưởng 11%, đây là kế hoạch “thận trọng dù có dư địa rất tích cực”
Bình luận 0

Ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã: VCB) tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021.

Kế hoạch lợi nhuận thận trọng của Vietcombank

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, trong năm 2021 ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất 11%, trong đó riêng ngân hàng mẹ là 25.000 tỷ.

Đến hết quý I/202, lợi nhuận của ngân hàng, tính cả phí upfront bảo hiểm với FWD đã đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này cao hơn nhiều so với con số được Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành đã thông báo tới cổ đông (7.000 tỷ đồng) theo ước tính vào hồi đầu tháng 4.

Quý I lãi 8.000 tỷ, Vietcombank đặt mục tiêu “thận trọng dù có dư địa rất tích cực” - Ảnh 1.

Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận thận trọng

Liên quan đến mục tiêu lợi nhuận của Vietcombank trong năm 2021, cổ đông ngân hàng này đặt câu hỏi, phải chăng Vietcombank quá thận trọng khi đặt ra lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 11% trong khi nhiều ngân hàng tăng mạnh tới 20 – 30%?

Giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Phạm Quang Dũng - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, đây chỉ là con số kế hoạch được đặt ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế xã hội và Vietcombank đã có tham vấn ý kiến của cơ quan như Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Do đó, kế hoạch lợi nhuận của Vietcombank đưa ra là "thận trọng dù có dư địa rất tích cực".

"Chắc chắn triển vọng của ngân hàng sẽ còn tốt hơn thế rất nhiều, Vietcombank hoàn toàn có dư địa để tăng trưởng và đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm nay. Trong những năm vừa qua, ngân hàng thường xuyên vượt kế hoạch lợi nhuận mà các cổ đông đã giao", ông Dũng đề cập.

Trả lời về việc tại sao năm 2020 quy mô tín dụng của ngân hàng tăng 14% - mức tăng cao nhất ngành ngân hàng nhưng lợi nhuận không tăng? Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, vì năm qua hệ thống Vietcombank thực hiện chỉ đạo của Nhà nước để hỗ trợ khách hàng với 5 đợt giảm lãi suất tổng cộng 3.700 tỷ.

Ngân hàng nhận định, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn, có thể khó khăn thêm vài năm nữa. Thế nên, Vietcombank đặt nặng vấn đề trích lập dự phòng. Năm 2020, ngân hàng trích lập dự phòng 9.900 tỷ, tăng hơn 50% so với năm trước, đưa tỷ lệ dự phòng lên 380%, là mức cao hiếm có trên thế giới. Lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng vẫn tăng 11% - phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng.

Về các năm tới, chủ tịch Vietcombank cho biết ngân hàng đã đưa ra mục tiêu chiến lược là lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025, trong đó mảng bán lẻ sẽ đóng góp 50%. Mặc dù dịch bệnh nhưng ngân hàng vẫn kiên định mục tiêu này.

Danh mục cho vay cá nhân mua nhà ở Vietcombank rất an toàn

Liên quan đến tín dụng bất động sản, vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm do "sốt" thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua, ông Phạm Quang Dũng đánh giá, Vietcombank luôn kiểm soát chặt chẽ, hàng năm đều có định hướng tín dụng. Định kỳ nhiều lần trong 1 năm, Vietcombank đều rà soát danh mục bán lẻ với điều chỉnh cần thiết.

Cụ thể như tỷ lệ cho vay trên thu nhập của người vay, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo, thậm chí tỷ lệ cho vay trên từng phân khúc, từng địa bàn.

"Cuối năm 2020, dư nợ cho vay bất động sản khoảng 33 nghìn tỷ đồng so với 840 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước về dư nợ thì là con số không lớn. Nếu tính cả dư nợ cá nhân mua nhà để ở là hơn 230 nghìn tỷ đồng" – ông Dũng thông tin.

Quý I lãi 8.000 tỷ, Vietcombank đặt mục tiêu “thận trọng dù có dư địa rất tích cực” - Ảnh 3.

Vietcombank kiểm soát tốt tín dụng bất động sản

Ngoài ra, vị tổng Tổng giám đốc này đánh giá, danh mục cho vay cá nhân mua nhà ở Vietcombank rất an toàn. Một khoản vay dư nợ không lớn, tỷ lệ nợ xấu rất thấp, tỷ lệ bảo đảm rất cao.

Bổ sung thêm, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhấn mạnh, dư nợ về bất động sản của ngân hàng khá an toàn.

Hiện, tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản ở mức 3,9% và 100% các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo. Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản của Vietcombank đang được kiểm soát tốt, ở mức cực kỳ thấp khi chất lượng tín dụng của bất động sản là cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem