Ông Tập Cận Bình coi virus Corona là "phép thử" với Trung Quốc, DN toàn cầu lao đao

Thùy Dung Thứ tư, ngày 05/02/2020 15:47 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona đang diễn biến phức tạp, tại cuộc họp với các quan chức cấp cao Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhận định đây là một phép thử với đất nước. Tuy nhiên, phép thử này khiến cho 80% kinh tế Trung Quốc tê liệt và hàng loạt doanh nghiệp toàn cầu như Apple, H&M, Samsung, Hyundai, Tesla... lao đao.
Bình luận 0

Theo số liệu từ Cơ quan Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến sáng 5/2, đã có 24.536 ca nhiễm virus Corona và 492 ca tử vong được xác nhận trên toàn cầu. Trong đó, 24.324 ca nhiễm virus và 490 ca tử vong được báo cáo tại Trung Quốc đại lục.

Trước bối cảnh dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, Chủ tịch Tập Cận Bình trong phiên họp với các quan chức cấp cao Trung Quốc hôm 3/2 đã nhận định dịch virus Corona đang bùng phát là một “phép thử” với đất nước. “Chúng ta phải rút ra kinh nghiệm và bài học sâu sắc từ sự kiện này”, ông Tập Cận Bình cho hay.

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc cùng ngày chứng kiến mức trượt mạnh 7% do mối quan ngại dịch bệnh tác động nặng nề đến nền kinh tế. Chỉ số Shanghai Composite sụt 7,7% khi kết thúc phiên giao dịch xuống 2.746,6 điểm, mức thấp nhất kể từ hồi tháng 8/2019 và là mức giảm ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2015 trong khi tỷ giá đồng NDT xuyên ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD. 

Hàng loạt cổ phiếu lĩnh vực sản xuất, vật liệu, hàng không… đã trượt mạnh đối lập với mức tăng của các cổ phiếu chăm sóc sức khỏe khi mà 21/31 tỉnh thành Trung Quốc “tê liệt” mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đến ít nhất hết ngày 9/2. Hơn 2.500 mã cổ phiếu giảm kịch sàn hơn 10%.

img

Giới chức Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát dịch virus Corona

Theo tính toán của tờ Reuters, có tới 393 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc trong phiên giao dịch 3/2 sau khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu giữa nỗi lo sợ chủng mới virus Corona diễn biến phức tạp. Các giao dịch trên sàn chứng khoán Thượng Hải xuống mức thấp chưa từng có.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sau đó đã hồi phục trong phiên giao dịch 4/2 sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC quyết định bơm tổng cộng 1,7 nghìn tỷ NDT (tương đương 242 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ thông qua nghiệp vụ repo (thỏa thuận mua lại trái phiếu đảo ngược). Đây được xem là đợt bơm thanh khoản lớn nhất kể từ năm 2004 đến nay, theo ước tính của các nhà phân tích DBS. PBOC sau đó cũng cắt giảm lãi suất các cơ sở tín dụng ngắn hạn xuống 0,10%.

Trong phiên giao dịch sáng 5/2, chứng khoán đại lục đã leo dốc sau vài giờ giao dịch đầu tiên khi Shenzhen Component tăng 2,17% còn Shenzhen Composite tăng 2,26%, Shanghai Composite cũng tăng 1,1% sau khi chính phủ Trung Quốc ngỏ ý tăng cường các biện pháp kích thích để hỗ trợ kinh tế trước tác động rõ rệt của dịch virus Corona. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích nhận định sự cắt giảm như vậy có thể không có nhiều tác dụng trong bối cảnh kinh tế ảm đạm hiện tại. 

Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng bệnh dịch lây lan nhanh đã bắt đầu tác động rõ rệt đến nền kinh tế Trung Quốc khi các hoạt động du lịch giảm mạnh do những biện pháp cách ly và kiểm dịch, đa số các nhà máy, doanh nghiệp kinh doanh sản xuất vẫn đang đóng cửa ngừng hoạt động và nhu cầu cũng giảm mạnh. Steve Cochrane, nhà kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Moody nhận định: “Cho đến chừng nào dân số vẫn bị cách ly, các công ty và nhà máy vẫn bị đóng cửa, dịch virus Corona và mức độ nghiêm trọng của nó vẫn chưa được kiểm soát thì những tác động đến nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn lan rộng”. Ông Cochrane kể tên 5 lĩnh vực chịu áp lực nặng nề nhất từ dịch bệnh bao gồm vận tải kho bãi, thương mại bán lẻ, bất động sản, sản xuất và giải trí.

“Sự suy yếu của 5 ngành công nghiệp này kết hợp lại sẽ làm GDP quý I/2020 của Trung Quốc tụt 1,2% hoặc GDP cả năm 2020 tụt 0,3%”, ông Cochrane viết trong một ghi chú. Ước tính này chưa bao gồm các hiệu ứng cấp số nhân như niềm tin tiêu dùng đi xuống trong dài hạn hay chất lượng tín dụng suy giảm…

Virus Corona hoành hành, doanh nghiệp quốc tế cũng lao đao

Không chỉ những doanh nghiệp Trung Quốc đối diện nhiều nguy cơ, loạt doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia trên khắp thế giới cũng quan ngại đợt bùng phát dịch virus Corona có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thiệt hại lợi nhuận trong bối cảnh hàng loạt nhà máy, trung tâm thương mại tại Trung Quốc đóng cửa.

Apple đã cho thấy sự phụ thuộc của mình vào ngành sản xuất và thị trường Trung Quốc sau khi nhiều ước tính cho thấy việc ra mắt dòng sản phẩm iPhone giá rẻ vào cuối tháng 3/2020 có thể bị trì trệ vì các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa đến ít nhất 10/2. Foxconn, một đối tác quan trọng của Apple đứng trước nguy cơ gián đoạn các chuyến hàng sau khi công tác sản xuất bị tạm dừng 2 tuần liên tiếp vì dịch virus Corona. Một nguồn tin của Reuters cho thấy hoạt động sản xuất của Foxconn tại Trung Quốc gần như đang tạm dừng toàn bộ.

img

Apple đóng cửa tất cả các cửa hàng tại Trung Quốc giữa tâm dịch virus Corona

Hãng bán lẻ thời trang nổi tiếng thế giới H&M mới đây cũng cho hay việc đóng cửa khoảng 45 cửa hàng trên toàn Trung Quốc đang gây ra những ảnh hưởng lớn tới doanh số bán hàng trong tháng 1. Chuỗi cung ứng của hãng cũng bị gián đoạn do một số nhà máy sản xuất tạm ngừng hoạt động. 280/750 cửa hàng Uniqlo tại Trung Quốc hiện cũng đang trong tình trạng đóng cửa.

Thương hiệu thời trang thể thao Nike cũng cảnh báo về tác động tài chính sau khi phải đóng cửa hơn một nửa cửa hàng tại Trung Quốc và cắt giảm thời gian hoạt động của những cửa hàng còn lại.

Pandora, một nhà bán lẻ trang sức cao cấp đã cảnh báo dịch virus Corona đã dẫn tới sự sụt giảm chưa từng thấy trong doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, tuy nhiên tác động cụ thể hiện chưa được ước tính.

Một số nhà máy của Samsung cũng gia hạn thời gian nghỉ Tết Nguyên đán theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc nhưng từ chối bình luận về tác động của dịch bệnh với chuỗi cung ứng doanh nghiệp.

Thương hiệu cà phê Starbucks hiện đã đóng cửa khoảng một nửa trong số 4.300 cửa hàng tại Trung Quốc, có khả năng sẽ điều chỉnh lại dự báo kết quả kinh doanh năm 2020 do tác động của bệnh dịch.

Walt Disney thì cho hay việc đóng cửa công viên Disney Thượng Hải có thể làm giảm doanh số quý II đến 135 triệu USD nếu dịch bệnh kéo dài trong khoảng 2 tháng tiếp theo.

Hãng du thuyền Royal Caribbean thì cắt giảm dự báo doanh thu năm 2020 sau khi hủy 3 chuyến tàu tại Trung Quốc giữa tâm dịch virus Corona.

Ông lớn xe hơi Hyundai hôm 4/2 thậm chí tuyên bố đình chỉ sản xuất tại Hàn Quốc sau khi dịch virus Corona bùng phát làm gián đoạn nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc.

Tesla của tỷ phú Elon Musk cũng cảnh báo sự chậm trễ từ 1-2 tuần trong kế hoạch sản xuất dòng xe mới Model 3 sau khi các nhà máy tại Trung Quốc ngừng hoạt động.

Ctrip, nền tảng đặt phòng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc thì thông báo hơn 300.000 khách sạn trên nền tảng ứng dụng này đã đồng ý hoàn tiền cho các phòng đặt từ ngày 22/1 đến 8/2 bị hủy vì dịch virus Corona.

Virus Corona tàn phá kinh tế Trung Quốc, vì sao thế giới quan ngại?

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Kể từ dịch SARS hồi năm 2003 đến dịch virus Corona 2020, Trung Quốc đã vươn lên từ vị thế nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới (chiếm 4% tổng quy mô GDP toàn cầu) lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (chiếm 17% tổng quy mô GDP toàn cầu). Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF thậm chí đưa ra ước tính rằng nền kinh tế Trung Quốc đã chiếm tới 39% trong quy mô mở rộng của kinh tế toàn cầu năm 2019.

Taimur Baig, nhà kinh tế học tại Ngân hàng DBS Singapore nhận định: “Thế giới dường như không bị ảnh hưởng nhiều khi GDP Trung Quốc giảm khoảng 1% sau dịch SARS. Nhưng giờ đây, khi nền kinh tế Trung Quốc chiếm gần 1/5 tăng trưởng kinh tế toàn cầu, việc GDP Trung Quốc chậm lại 0,5% sẽ gây ra một cơn địa chấn”. 

Nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới

img

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc lớn nhất thế giới trong gần 1 thập kỷ qua (Nguồn: CNBC)

Kênh xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ là một con đường lan truyền dư chấn từ dịch virus Corona đến nền kinh tế toàn cầu.

Theo số liệu của tổ chức thế giới WTO, Trung Quốc từ năm 2009 đến nay đã trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nhiều nền kinh tế như Việt Nam và Nhật Bản hiện có sự phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, do những nước này nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Do đó, việc ngành sản xuất - xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại vì hoạt động kiểm dịch giữa tâm dịch Corona cũng gây tác động lớn đến các nền kinh tế như vậy.

Nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới

img

Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc lớn thứ hai thế giới từ năm 2009 và ngày càng tăng lên (Nguồn: CNBC)

Cũng theo số liệu từ WTO, Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới từ năm 2009. Với một số mặt hàng như dầu, quặng sắt, đậu nành hay một số linh kiện điện tử như mạch tích hợp, Trung Quốc đóng vai trò như nhà nhập khẩu số 1 thế giới. Do đó, việc nhu cầu nhập khẩu của thị trường này sụt giảm do dịch Corona sẽ khiến hàng loạt nền kinh tế lao đao. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) do đó đang xem xét cắt giảm sản lượng dầu do tác động của dịch virus Corona đến nhu cầu dầu mỏ thế giới, tờ Reuters mới đây đưa tin.

Quốc gia chi tiêu du lịch quốc tế lớn nhất thế giới

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, kể từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc cũng là quốc gia có nguồn chi tiêu du lịch quốc tế lớn nhất thế giới, tăng từ vị trí thứ 7 năm 2003.

Dễ thấy, lệnh cấm du lịch cùng hơn 10.000 chuyến bay đến và đi Trung Quốc bị hủy giữa tâm dịch Corona chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch nhiều quốc gia vốn có tỷ trọng khách du lịch Trung Quốc chiếm đa số. “Nếu bạn nhìn vào Châu Á, khách du lịch Trung Quốc là một bộ phận đóng góp lớn với nền kinh tế nhiều quốc gia” - trích lời Kelvin Tay - giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management.

Từ những đóng góp lớn của Trung Quốc với nền kinh tế thế giới trên đây, việc virus Corona tàn phá nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem