Ông Tập Cận Bình hứa xóa nợ, vì sao các nước nghèo Châu Phi vẫn "nợ đầm nợ đìa" Trung Quốc?

Thứ bảy, ngày 20/06/2020 10:21 AM (GMT+7)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể hứa hẹn sẽ xóa phần lớn các khoản vay không lãi suất trong năm nay cho các nước Châu Phi, nhưng các khoản vay đó chỉ là một phần nhỏ trong khối nợ khổng lồ của châu lục này.
Bình luận 0
Ông Tập hứa xóa nợ, vì sao các nước nghèo Châu Phi vẫn "nợ đầm nợ đìa" Trung Quốc? - Ảnh 1.

Ông Tập cam kết xóa nợ cho Châu Phi, nhưng số nợ được xóa chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng gánh nặng nợ của các nước nghèo tại Châu lục này

Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, gần 20 quốc gia Châu Phi đang đối diện với nguy cơ cao khủng hoảng nợ hoặc đang gặp khó khăn lớn vì nợ nần. Đặc biệt là khi sự bùng phát dịch Covid-19 làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu, tình trạng nợ nần tại các quốc gia Châu Phi càng thêm trầm trọng.

Hồi tháng 4, các nước G20 đã đồng ý đình chỉ thanh toán nợ cho các nước nghèo nhất thế giới đến cuối năm. Trong một động thái đáp ứng cam kết này, hồi tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố sẽ hoãn nghĩa vụ thanh toán nợ cho 77 quốc gia có thu nhập thấp nhất thế giới, bao gồm cả xóa nợ cho các nước Châu Phi. 

Một báo cáo mang tên “Giảm nợ theo cách của Trung Quốc” vừa được công bố hôm 18/6 vừa qua bởi Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc Châu Phi (CARI) thuộc Đại học Johns Hopkins đã vạch trần sự thật những cam kết giảm nợ của Trung Quốc. Báo cáo được phát hành chỉ một ngày sau cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo Châu Phi để bàn bạc việc hợp tác giúp Châu Phi chống dịch Covid-19.

Nội dung báo cáo chỉ ra rằng dù Bắc kinh hứa hẹn xóa nợ cho các nước nghèo Châu Phi, những khoản nợ thuộc diện được xóa nợ chủ yếu là các khoản vay nợ không lãi suất và chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng số nợ Trung Quốc của Châu Phi.

Cụ thể, Trung Quốc đã xóa nợ 3,4 tỷ USD các khoản vay không lãi suất tại Châu Phi trong khoảng thời gian từ năm 2000-2019. Nhưng tổng giá trị các khoản vay mà Trung Quốc cam kết với các nước Châu Phi trong khoảng thời gian 2000-2018 đã lên tới 152 tỷ USD. Tức là số nợ được xóa chỉ chiếm phần rất ít trong khối nợ mà các nước nghèo Châu Phi đang phải cõng trên lưng. 

Phần còn lại của các khoản vay hiện được nắm giữ chủ yếu bởi các ngân hàng chính sách của Trung Quốc, bao gồm khoản giải ngân 86 tỷ USD của Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc EximBank và khoản giải ngân 37 tỷ USD khác của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Hầu hết các khoản vay là một phần của chương trình Sáng kiến Vành đai và Con đường, một sáng kiến của Bắc Kinh nhằm xây dựng các tuyến đường thương mại bằng đường biển và đường bộ nối liền Đông Nam - Trung Á đến Trung Đông và Châu Phi.

Bà Deborah Brautigam, giám đốc chương trình nghiên cứu Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc Châu Phi (CARI) nhận định: “Hầu hết các quốc gia mà Trung Quốc cam kết xóa nợ (ngoại trừ các trường hợp Iraq và Cuba), nơi những khoản nợ được xóa chỉ giới hạn trong các khoản vay viện trợ không lãi suất, hiện đều đang đối diện với nguy cơ vỡ nợ”. 

Bà Deborah Brautigam và các đồng nghiệp trong sáng kiến CARI cho biết Trung Quốc hiện vẫn chưa xóa bỏ các khoản vay ưu đãi, các khoản tín dụng hoặc vay thương mại chiếm phần đa số trong tổng vay nợ của các nước Châu Phi. Trong đó, hàng tỷ USD nợ đến từ các dự án xây dựng đường cao tốc, cảng, đập nước và đường sắt. 

“Khi các quốc gia không thể trả nợ, các chính phủ phải tìm cách tái cơ cấu nợ để gia tăng thời gian ân hạn, thay đổi ngày đáo hạn, thậm chí tái cấp vốn bằng cách vay một khoản nợ mới để trả khoản nợ cũ”. Bà Brautigam cho biết thêm rằng trong khoảng 2 thập kỷ từ năm 2000-2019, các chủ nợ Trung Quốc đã tái cấu trúc nợ khoảng 7,5 tỷ USD và tái cấp vốn tới 7,5 tỷ USD khác (như trường hợp của Angola). 

Nhiều quốc gia phương Tây, đặc biệt là chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian qua đã tăng cường chỉ trích hành vi cho vay của Trung Quốc đang tạo ra “bẫy nợ” với các nước Châu Phi. “Sự thiếu minh bạch chính là nguyên nhân khiến các quốc gia nghi ngờ về ý định của Trung Quốc” - bà Brautigam nhận định.

Nghiên cứu cho thấy một số các quốc gia như Mozambique, Cameroon, Zimbabwe, Nigeria, Ethiopia, Bénin, Sudan, Cộng hòa Congo, Chad và Seychelles đã buộc phải tái cơ cấu nợ với các chủ nợ Trung Quốc khi gặp khó khăn về tài chính.

Ví dụ, trong trường hợp của Ethiopia, khi nước này mất khả năng trả khoản nợ mà chính phủ đã vay để xây dựng tuyến đường sắt đến Djibouti, họ tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh bằng cách kéo dài thời gian trả nợ từ 10 năm lên 30 năm. Tổng số vốn đầu tư của dự án đường sắt này là 4,2 tỷ USD, trong đó Ethiopia đã vay 2,92 tỷ USD từ Ngân hàng EximBank của Trung Quốc.

Còn Angola, nước sản xuất dầu lớn thứ hai Châu Phi hiện đang cõng gánh nợ tới 43 tỷ USD, tương đương hơn 1/4 tổng số nợ mà Trung Quốc cho các nước Châu Phi vay trong khoảng thời gian 2000-2018. Chính phủ nước này đã phải vay thêm 7,5 tỷ USD để tái cấp vốn cho công ty nhà nước Sonangol trả khoản nợ cũ thông qua hạn mức tín dụng của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Thùy Dung (SCMP)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem