Ông Vũ Tiến Lộc: Hiểu biết về các hiệp định thương mại của doanh nghiệp rất hạn chế

26/06/2019 10:35 GMT+7
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, theo điều tra PCI 2018, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có mức độ hiểu biết về các hiệp định thương mại tự do rất hạn chế. Với Hiệp định CPTPP và Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), con số này lần lượt lên tới 71% và 77%.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 diễn ra sáng nay (26/6), ông Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập được một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

TS Vũ Tiến Lộc: Có đến 71% - 77% doanh nghiệp Việt lần đầu nghe tới EVFTA

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những sáng kiến, nỗ thúc đẩy đổi mới, mở rộng thị trường thời gian gần đây, như thúc đẩy hội nhập với nỗ lực vận động ký kết Hiệp định thương mại tự do EU và Việt Nam (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA); sáng kiến về đổi mới sáng tạo; thực hiện chính phủ điện tử…

Dù vậy, ông Lộc cho biết, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương.

Đại diện cộng đồng DN Việt Nam, VCCI kiến nghị cần đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho doanh nghiệp.

Ông này dẫn số liệu của VCCI, hiện có 16% doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động, chỉ tiêu này có dấu hiệu gia tăng trong 5 năm trở lại đây.

Đáng lo ngại hơn, Chủ tịch VCCI cho rằng, nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xin cấp các loại giấy phép khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động: 34% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác.

Phản ánh của doanh nghiệp trong nước qua điều tra của VCCI cho thấy một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, cụ thể là đất đai (30%), thuế (28%) và bảo hiểm xã hội (25%).

Với các doanh nghiệp FDI, đó thủ tục xuất nhập khẩu (28%), bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%) và đăng ký đầu tư (24%), phòng cháy (22%).

"Đây là những lĩnh vực cần có sự quan tâm hơn của các ngành, các cấp trong thời gian tới. Đặc biệt cần sửa đổi ngay các quy định pháp lý chồng chéo, bất hợp lý liên quan tới đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường", ông Lộc kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Lộc kiến nghị cần có thông tin hiệu quả hơn tới cộng đồng về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, ký kết. Việt Nam thời gian qua đã tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận thương mại quốc tế, với kỳ vọng có thể mang lại những cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, ông Lộc cảnh báo: Điều tra PCI 2018 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có mức độ hiểu biết về các hiệp định này là rất hạn chế. Cụ thể, có 63% doanh nghiệp dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về cộng đồng kinh tế ASEAN. Với Hiệp định Đối tác toàn diện Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, con số này lần lượt lên tới 71% và 77%.

"Rõ ràng, là rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế, khi mà họ chưa nắm được thông tin gì về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đàm phán trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khốc liệt hơn khi quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế đang diễn ra nhanh chóng", Chủ tịch VCCI kết luận.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục