Ông vua ngành phế liệu và tín dụng đen Chợ Lớn Lâm Huê Hồ: Của thiên trả địa

Thiên Lý Thứ năm, ngày 08/04/2021 19:31 PM (GMT+7)
Sinh ra tại Phúc Kiến Trung Quốc, đi lên từ tiệm tạp hóa nhỏ trở thành một ông chủ đầy quyền lực trong giới thương nhân người Hoa tại Sài Gòn trước năm 1975 Lâm Huê Hồ cũng lại đánh mất tất cả sau ngày 30/4/1975.
Bình luận 0

“Ăn” từ xác tàu đến... vỏ đạn đại bác

Nhìn vào hình thức và dáng dấp bên ngoài, Lâm Huê Hồ chẳng khác nào một kẻ khố rách, áo ôm. Thật ra, tiền vận của Lâm Huê Hồ cũng chẳng hơn gì. Sinh năm 1923 tại Phúc Kiến (Trung Quốc), sang Việt Nam và cư trú tại khu vực Chợ Lớn trước Cách mạng Tháng Tám (1945), với hai bàn tay trắng, chỉ mong kiếm đủ cái ăn. Lâm Huê Hồ hoàn toàn mất liên lạc với gia đình, chẳng biết cha mẹ sống chết ra sao! Số phận bèo bọt gặp nhau, Lâm Huê Hồ lấy vợ là bà Huỳnh Hương, một phụ nữ mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Ông vua nghành phế liệu và tín dụng đen Chợ Lớn Lâm Huê Hồ: Của thiên trả địa - Ảnh 1.

Chợ Bình Tây, một trong những nơi tập trung giao thương của giới thương nhân người Hoa vùng Chợ Lớn.

Bắt đầu từ nghề làm công cho một cơ sở kinh doanh mễ cốc của một người đồng hương, cái nghèo đã khiến Lâm Huê Hồ tiện tặn, chắt bóp từng đồng, từng cắc. Sau vài năm, ông ta tích lũy được một số vốn nho nhỏ, đủ  để mở một tiệm tạp hóa. Cái nghề buôn bán tạp hóa là sở trường của người Hoa. Lợi nhuận thu được từ cửa tiệm này, được Lâm Huê Hồ tích cóp, mở thêm cửa tiệm khác. Cứ thế, chẳng bao lâu ông ta đã là chủ nhân của nhiều cửa tiệm tạp hóa.

Thời mới lưu lạc sang Việt Nam, Lâm Huê Hồ cũng từng quảy gánh đi rong khắp hang cùng ngõ hẻm để mua bán ve chai. Vì thế mà ông ta rất rành cái nghề lam lũ, nhưng cũng kiếm được tiền này. Ông ta nảy ra suy nghĩ, nếu như có một cơ sở thu mua phế liệu, thì cũng không khó để làm giàu. Thế là Lâm Huê Hồ hăm hở khai trương cơ sở thu mua phế liệu. Với kinh nghiệm sẵn có, ông ta tuyển mộ một số nhân công  giỏi chuyên phân loại và tân trang những thứ mà người ta bỏ đi, để mua vào với giá hời. Thế là có những món ông ta chỉ bỏ ra 1 đồng nhưng thu lại đến 10 đồng.

Đến năm 1956, ông ta không còn thu mua lẻ tẻ, mà bắt đầu bỏ vốn đánh những chuyến hàng phế liệu lớn, như các loại sắt, thép của quân đội không còn sử dụng, đang cần thanh lý. Ra quân lần đầu, Lâm Huê Hồ được một người quen cho biết: Hải đoàn 24, trú đóng tại Cát Lái, đang muốn thanh lý một số lượng khá lớn sắt, thép không còn sử dụng. Sau đó, Lâm Huê Hồ được kẻ môi giới tiến cử với viên chỉ huy đơn vị này là Nguyễn Thúc Phụng.

Thoạt đầu, nhìn Lâm Huê Hồ, Phụng tỏ ra thất vọng và coi thường dáng vẻ nghèo nàn của đối tác. Nhưng Lâm Huê Hồ nhanh chóng chìa ra món tiền lót tay khá hậu hĩ. Vậy là hơn 30 tấn sắt, gần 400 kg vừa nhôm, vừa đồng được Nguyễn Thúc Phụng bán cho Lâm Huê Hồ với giá 40.000 đồng.

Tiền trao, cháo múc. Lâm Huê Hồ hí hửng điều xe tải đến Cát Lái chở hàng về kho. Nhưng khi vừa ra đến xa lộ, thuộc địa phận Thủ Đức, đoàn xe bị nhân viên thuế quan chặn lại và hốt trọn do không có giấy tờ hợp lệ. Ngay sau đó, Lâm Huê Hồ phải móc hầu bao ra chung chi cho mấy “con hạm” ở Cơ quan An ninh Bộ Quốc phòng đang điều tra vụ việc để khỏi bị truy tố về tội danh: “Mua bán bất hợp pháp hàng quân dụng”. Thua to vố này, khiến Lâm Huê Hồ rút ra bài học xương máu, để tự biết mình chưa đủ thế lực đụng đến phế liệu quân dụng. Ông ta quay sang mặt hàng phế liệu dân dụng cho an toàn để chờ thời.

Năm 1961, do đã quá hạn sử dụng nên Hãng tàu kéo Satav cho thanh lý tàu Algol. Lâm Huê Hồ đã trúng vụ thầu này, nhưng bị Đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh quân đội Sài Gòn, làm văn thư gửi đến các cơ quan hữu quan, yêu cầu bác bỏ kết quả này, với lý do: Tránh hậu quả Lâm Huê Hồ tiếp tục làm ăn phi pháp, bởi lẽ ông ta là một gian thương có nhiều thành tích bất hảo. Lúc bấy giờ Lâm Huê Hồ đã có nhiều tiền và cũng đã biết kết thân với một vài nhân vật có thế lực trong guồng máy chính quyền và quân đội Sài Gòn để chống lưng. Vì thế ông ta đâu chịu buông tay.

Lâm Huê Hồ đã thông qua bùa phép của các quân sư, nhờ người khác đứng tên. Kết quả, Lâm Huê Hồ không phải chỉ mua được con tàu nói trên, mà ông ta còn trúng đến 6 con tàu phế liệu cũng của Hãng Satav. Lâm Huê Hồ nhanh chóng tân trang những con tàu này thành tàu chở hàng. Nhưng  lo sợ nếu mình đứng ra khai thác, sẽ bị những đối thủ cạnh tranh và các thế lực đối nghịch tố cáo về tội gian lận thương mại. Thế là ông ta nhanh tay bán nó đi để thu về một số lời khá lớn.

Sẵn tiền trong tay, ông ta thường xuyên đi đêm với các chức sắc cao cấp của ngành hỏa xa, lót tay cho họ những khoản hoa hồng hậu hĩ, để độc quyền thu mua hầu như tất cả đầu máy, đường ray, tà vẹt, toa xe và cả những đoàn tàu từ thời Pháp để lại đang được phép thanh lý theo mặt hàng phế liệu. Sau khi những núi hàng khổng lồ này đã lọt vào tay Lâm Huê Hồ, các quan chức hỏa xa không còn gì để ăn, nhiều đoạn đường sắt, nhiều toa xe còn tốt. được họ báo cáo “bị Việt Cộng đặt mìn phá hủy”, phải thay thế. Lâm Huê Hồ lại có hàng để mua.

Cũng vào thời điểm này, quân đội Mỹ chủ trương tái vũ trang cho quân đội Việt Nam Cộng hòa những loại vũ khí tối tân. Hàng trăm nghìn khẩu súng do Pháp để lại, như: Grant M1, tiểu liên Thompson, tiểu liên M3, trung liên bar, đại liên 30 và cả xe nồi đồng đều được gom về các kho của Lục quân Công xưởng, nấu chảy ra, thành phế liệu, trước khi thanh lý, theo quy định. Lâm Huê Hồ lại thu gom được món hàng béo bở này.

Thứ mà ông ta thích nhất là vỏ đạn bằng đồng của đại bác 105 ly, bởi vì kim loại này rất được giá. Thế nhưng, khi thấy nguồn lợi từ ngành này quá lớn, và Lâm Huê Hồ đã ăn được những quả quá ngon, nên ông vua vải sợi Lý Long Thân, có cơ sở cán thép xây dựng, và thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy, “ông vua ngành sản xuất cọc sắt, hàng rào kẽm gai, lưới chống đạn B40” phục vụ cho quân đội đã nhảy vào chia phần. 

Ý thức được thế lực ngầm lẫn công khai của hai đối thủ này, một mặt Lâm Huê Hồ đã khôn khéo xuống nước chịu làm nhà cung cấp nguyên liệu cho cả hai phía để cầu thân. Ông ta nghĩ, bán cho ai cũng là bán, miễn sao có lời thì thôi. Một mặt, Lâm Huê Hồ lo ngại về lâu, về dài sẽ bị lật kèo và nhiều bất trắc sẽ xảy ra. Thế là ông ta bắt đầu để mắt sang lĩnh vực cho vay vốn đang thịnh hành trong cộng đồng người Việt gốc Hoa tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Một kiểu tín dụng đen, bởi chỉ hoạt động chui, không được cấp phép và tất nhiên là không hợp pháp.

Ông chủ của “siêu ngân hàng”

Trước năm 1975, tại miền Nam chỉ có một ngân hàng duy nhất thuộc quyền chế độ Sài Gòn là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, với trương mục tiết kiệm nổi tiếng "Con gà ấp trứng vàng". Còn lại, tất cả những ngân hàng khác, đều do tư nhân đầu tư, hoạt động dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ Tài chính. Trong số đó, hơn một nửa là các ngân hàng khá bề thế của nước ngoài, như: Chase Manhattan của Tập đoàn dầu lửa Mỹ Rockefeller, Banque Francaise Commerciale (BFC - Pháp), Banque Francaise Asiatique (BFA - Pháp), Trung Hoa Ngân hàng, Thượng Hải Ngân hàng, của các tập đoàn tư bản Hồng Công và Đài Loan… Cùng với một số ngân hàng do người Việt Nam làm chủ. Trong số này chỉ có một người Hoa duy nhất hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, đó là tỉ phú Đào Mậu, Tổng giám đốc Trung Quốc ngân hàng.

Ông vua nghành phế liệu và tín dụng đen Chợ Lớn Lâm Huê Hồ: Của thiên trả địa - Ảnh 2.

Tòa nhà Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trước năm 1975.

Sự thật thì, các nhà tỉ phú người Hoa Chợ Lớn, không thích đầu tư vào hoạt động ngân hàng. Bởi vì ngành nghề này đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao. Cho dù họ thừa khả năng để thuê mướn những chuyên viên giỏi về quản lý, kế toán, tài chính. Nhưng hầu hết họ đều có chung một tâm lý: chỉ muốn trực tiếp điều hành, tính toán công việc làm ăn trong những ngành ít vướng mắc đến thủ tục, giấy tờ. Nhất là càng ít liên hệ với chính quyền càng tốt. Chính vì thế mà Lâm Huê Hồ bước vào kinh doanh tiền tệ không bằng cách mở ngân hàng, mà chỉ dưới hình thức cho vay, lấy tín chấp làm chính mà không cần tín dụng.

Vào thời điểm đó, tình trạng cho vay tiền góp, mua bán hàng hóa bằng hình thức trả góp chưa thịnh hành như bây giờ. Khi cần tiền, người có nhu cầu phải vay với lãi suất cắt cổ. Phổ biến nhất là mấy tay người Chà Và Ấn Độ, thống lĩnh các con đường Gia Long (Lý Tự Trọng ngày nay), Nguyễn Phi, Trương Định và các khu vực vây quanh chợ Bến Thành, chợ Cũ, chợ Cầu Ông Lãnh… chẳng biết do đâu mà người dân gọi họ là "Chà sét-ty", chuyên cho vay với lãi suất "xanh xít - đít đu" (5 thành 6, 10 thành 12). Biết là thế, nhưng đa số dân chúng vẫn tìm đến họ, vì chưa quen với việc vay vốn ngân hàng, mới nghe đến giấy tờ, thủ tục rườm rà họ đã xá dài.

Tại Chợ Lớn cũng thế, nơi mà các hoạt động kinh doanh khá sôi nổi và phát triển. Ngoại trừ một ít những nhà tư sản, làm ăn lớn, có hãng xưởng hẳn hoi, khi cần vốn mới quan hệ với ngân hàng để vay. Tuyệt đại đa số còn lại, họ chỉ biết tìm tới những người dư dả cùng bang, trong cộng đồng để hỏi vay. Đặc biệt, giữa người Hoa với nhau, lãi suất được chủ nợ tính rất nhẹ nhàng, hợp lý.

Con số người đứng ra cho vay chuyên nghiệp tại Chợ Lớn cũng chỉ trên dưới 10 người. Lượng tiền huy động cho mỗi thân chủ vay cũng đến mức 100 triệu là tối đa. Nhưng từ khi Lâm Huê Hồ nhập cuộc thì khác hẳn. Tùy theo thân thế và sự nghiệp của mỗi người, ông ta cho vay từ năm, bảy chục ngàn đến vài tỉ. Lâm Huê Hồ đặt cơ sở cho vay tại hai địa chỉ: 70 Trần Chánh Chiếu và 12 Trần Thanh Cần. Mỗi nơi chỉ có vài nhân viên thư ký và tài phú trực tiếp làm việc với khách hàng. Thủ tục vay hết sức đơn giản. Nếu không được những người quen biết, hoặc có uy tín giới thiệu: con nợ phải chứng minh được địa chỉ, nơi cư trú một cách chính xác và rõ ràng. Kế đến, ghi vào một cuốn sổ tên họ, số tiền vay và cam kết hoàn trả đúng ngày. Tất cả được các thư ký đưa tới cho Lâm Huê Hồ duyệt xét, và người vay ký tên trước mặt ông ta là xong.

Lãi suất mà Lâm Huê Hồ đưa ra, cao nhất là 3% mỗi tháng, đối với những khoản tiền lớn. Còn những khoản tiền nhỏ, của những người kinh doanh cò con, Lâm Huê Hồ chỉ thu từ 1 - 2%. Thủ tục đã đơn giản mà mọi việc đều được tiến hành một cách nhanh chóng. Lúc nào Lâm Huê Hồ cũng có sẵn một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ khách hàng. Nhiều "đại xì thẩu" tiếng tăm lừng lẫy, như Lý Long Thân, Trần Thành, La Thành Nghệ, Mã Hý, Trương Văn Khôi… từng là con nợ của ông ta. Nhưng chỉ riêng hai nhân vật Lý Long Thân và Trần Thành, thì số tiền họ vay có lớn đến mấy, Lâm Huê Hồ chỉ tính lãi từ 1 - 1,5%. Đôi khi thời gian vay không lâu, ông ta... cống hỷ luôn.

Câu hỏi được đặt ra là Lâm Huê Hồ lấy đâu một lượng tiền khổng lồ như thế để kinh doanh tín dụng đen? Chắc chắn đó không phải là vốn liếng của riêng một mình ông ta, mà do một số bà con người Hoa, có tiền nhàn rỗi, không làm ăn gì, thấy cơ ngơi và thế lực của Lâm Huê Hồ quá lớn, họ đã tin tưởng, mang tới gửi cho ông ta với lãi suất chỉ 1%. Ông ta dùng khoản tiền đó cho vay xoay vòng với lãi suất gấp đôi để thu lợi. Vấn đề là Lâm Huê Hồ rất đúng hẹn, không bao giờ trả lãi chậm cho số người này. Đồng thời, bất cứ lúc nào họ muốn rút vốn ra, cũng được Lâm Huê Hồ vui vẻ đáp ứng ngay.

Sau ngày 30/4/1975, giống như hầu hết các ông vua không ngai khác, Lâm Huê Hồ đã tìm cách tẩu tán tài sản của mình. Ông ta còn cầm đầu một đường dây với quy mô lớn, thu tiền của nhiều nhà tỉ phú khác, để mua vàng tẩu tán qua Hồng Công. Lâm Huê Hồ đã tạo ra tình trạng chảy máu vàng nghiêm trọng và là nguyên nhân gây xáo trộn thị trường, làm cho giá vàng vào thời điểm đó tăng nhanh đến chóng mặt.

Khi đánh hơi được việc làm phi pháp, gây tác hại nghiêm trọng cho đất nước và xã hội của mình sẽ bị Cơ quan An ninh chính quyền mới phát giác, Lâm Huê Hồ và những kẻ đồng hội đồng thuyền, chuẩn bị vượt biên. Nhưng tất cả đã muộn màng. Ngày 10/9/1975, Lâm Huê Hồ cùng đồng bọn, bao gồm Mã Tuyên, Trần Thanh Hà, Trang Trịnh Nghi, vua xăng dầu Đào Tắc Kinh… và đám tay chân bộ hạ đang tụ tập tại nhà ông ta, chuẩn bị xuống tàu thì bị sa lưới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem