OPEC muốn giảm cung dầu sâu nhất kể từ khủng hoảng 2008, Nga sẽ "gật đầu"?

06/03/2020 19:21 GMT+7
Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC hôm 5/3 vừa khuyến nghị áp dụng cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,5 triệu thùng/ ngày cho đến hết năm 2020 tại cuộc họp diễn ra ở Vienna, Áo.

OPEC khuyến nghị giảm cung dầu mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008

Trong bối cảnh sự bùng phát dịch virus corona làm ảm đạm nhu cầu dầu mỏ trên thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn bậc nhất thế giới là Trung Quốc, OPEC mới đây vừa tiến hành đợt cắt giảm sản lượng sâu nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Việc cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày đã làm gia tăng mối quan ngại về dịch virus corona bùng phát khiến giá dầu đối mặt áp lực lớn.

OPEC đề xuất giảm cung dầu sâu nhất kể từ khủng hoảng 2008, Nga liệu có "gật đầu"? - Ảnh 1.

OPEC đề xuất cắt giảm sản lượng dầu thêm 1,5 triệu thùng/ ngày để bảo vệ giá dầu trước dịch virus corona

Nhu cầu dầu mỏ trên thế giới đã giảm mạnh khi dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc hồi tháng 1/2020, khiến 80% ngành công nghiệp Trung Quốc tê liệt, giao thông trong nước đình trệ. Trên thế giới, hàng trăm ngàn chuyến bay đến và đi Trung Quốc bị hủy do nhu cầu vận tải giảm mạnh.

Thỏa thuận sẽ được áp dụng nếu nhận được sự chấp thuận của Nga, một đồng minh OPEC. Theo thỏa thuận này, các thành viên OPEC dự kiến cắt giảm 1 triệu thùng/ ngày trong khi các đồng minh OPEC chịu mức cắt giảm 500.000 thùng/ ngày để bảo vệ giá dầu. Tuy nhiên, thỏa thuận đang vấp phải sự lưỡng lự từ phía Nga, khi nhiều nguồn tin cho hay các quan chức Moscow hiện chỉ muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng/ ngày trước đó mà không muốn giảm thêm.

Dự kiến OPEC và các đồng minh (còn được gọi là OPEC+) sẽ có phiên họp vào 6/3 để thảo luận về đề xuất cắt giảm sản lượng dầu thêm 1,5 triệu thùng/ ngày.

Helima Croft, nhà phân tích chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC trả lời phỏng vấn tờ CNBC cho hay: “Cho tới nay, Nga chưa đưa ra câu trả lời chính thức của họ cho việc có hay không cắt giảm sản lượng dầu, vì vậy tôi nghĩ rằng có rất nhiều vấn đề phải cân nhắc. Ý tôi là nếu Nga nói không với cắt giảm sản lượng dầu trong phiên họp ngày mai, khả năng tồn tại các thỏa thuận OPEC+ sẽ là dấu chấm hỏi lớn”. 

Trong trường hợp Nga và các đồng minh OPEC chấp nhận khuyến nghị cắt giảm sản lượng dầu vào phiên họp 6/3, tổng mức cắt giảm của OPEC + sẽ lên tới 3,6 triệu thùng/ ngày, tức khoảng 3,6% sản lượng sản xuất trên toàn thế giới.

Lần cuối cùng OPEC+ tiến hành đợt giảm cung với quy mô lớn như vậy là năm 2008, để hỗ trợ giá dầu lao dốc không phanh trong cuộc khủng hoảng tài chính. 

Trong phiên sáng 6/3 tại Mỹ, dầu thô Brent giao dịch ở mức 48,70 USD/ thùng, giảm 2,6% trong khi dầu WTI ngọt nhẹ giao dịch ở mức 44,80 USD/ thùng, giảm 2,4%.

Kể từ mức đỉnh hồi đầu tháng 1 đến nay, giá dầu Brent đã giảm gần 25% chủ yếu do ảnh hưởng của dịch virus corona. Giá dầu WTI rớt hơn 30% trong cùng kỳ.

OPEC không có “kế hoạch B” nếu Nga không đồng thuận cắt giảm

OPEC đề xuất giảm cung dầu sâu nhất kể từ khủng hoảng 2008, Nga liệu có "gật đầu"? - Ảnh 3.

Các quan chức OPEC (trái) thảo luận với Bộ trưởng Năng lượng Nga (phải)

Helima Croft cho rằng nhìn chung, cô vẫn tin Nga có nhiều khả năng ký vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tiếp theo vì những lợi ích kinh tế và chính trị Moscow nhận được từ OPEC+, “nhưng có rất nhiều điều không chắc chắn lúc này”. 

Nga từ lâu đã nâng cao cảnh giác trong việc cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn, và đa số các quan chức Moscow ủng hộ mở rộng mức cắt giảm hiện tại thay vì một thỏa thuận cắt giảm thêm nữa. Quan điểm đối lập của vua dầu mỏ OPEC Arab Saudi, quốc gia lên tiếng kêu gọi cắt giảm sản lượng dầu - với Nga, đồng minh quan trọng của OPEC sẽ một lần nữa kiểm tra tiếng nói chung của liên minh năng lượng quyền lực bậc nhất hành tinh này.

“Chúng tôi không có lý do gì để nghi ngờ việc Nga sẽ tiếp tục các cam kết với đối tác OPEC” - tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo bày tỏ. “Chúng tôi đã nhiều lần nghe cam kết của chính phủ Nga rằng sẽ đề cao mối quan hệ này thông qua những tuyên bố hợp tác chung”.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Bijan Zanganeh thậm chí tiết lộ OPEC không có “kế hoạch B” trong trường hợp Nga hay bất kỳ đồng minh OPEC nào từ chối chấp nhận thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục