Ôtô Việt sẽ phải cạnh tranh với xe Lào, Campuchia

11/10/2019 13:16 GMT+7
Dự báo nhập siêu ôtô năm 2019 khoảng 3,4 tỷ USD, đẩy ngành sản xuất, lắp ráp xe trong nước phải cạnh tranh với xe từ thị trường đi sau như Campuchia, Lào...

Theo báo cáo về phát triển ngành công nghiệp ôtô vừa được Bộ Công Thương gửi Quốc hội, ngành này đã có sự phát triển nhanh trong 2 năm qua. Hiện có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô các loại trong nước với tổng công suất lắp ráp thiết kế 680.000 xe một năm. Còn thị trường xe dưới 9 chỗ tăng trưởng trung bình 20-30% mỗi năm. Trong khi các hãng ôtô lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam thì một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.

Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay, trung bình 20 - 30% một năm, Bộ Công Thương dự báo đến năm 2020 Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines về sản xuất và bán hàng.

Ôtô Việt sẽ phải cạnh tranh với xe Lào, Campuchia - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cũng theo cơ quan này, hiện một số loại ôtô đã xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Myanmar... Thế nhưng chính sản phẩm lắp ráp, sản xuất trong nước lại đang phải đối diện thế khó khi chịu sự cạnh tranh gay gắt từ xe nhập khẩu. Bên cạnh sức ép từ các quốc gia lâu nay được coi là "điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ôtô lớn trên thế giới như Thái Lan, Indonesia..., Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực là Myanmar, Lào, Campuchia.

Điều này thể hiện qua dữ liệu nhập khẩu xe từ các nước ASEAN tăng lên nhanh chóng khi hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu về 0%.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến cuối tháng 6 lượng xe nhập về đã tăng gần 520% so với cùng kỳ 2018, đạt gần 1,7 tỷ USD. Dự báo nhập siêu ôtô năm 2019 sẽ đạt kỷ lục 3,4 tỷ USD. "Kim ngạch nhập khẩu ôtô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô nội địa và cán cân thương mại", theo Bộ Công Thương

Dung lượng thị trường quá nhỏ, số doanh nghiệp lắp ráp lại quá nhiều so với quy mô thị trường, là nguyên nhân đầu tiên được cơ quan quản lý ngành nêu ra để lý giải cho những điểm nghẽn khiến công nghiệp ôtô "mãi không chịu lớn" mặc nhiều chính sách được đưa ra.

Công nghiệp ôtô Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị, phụ thuộc lớn vào phân công sản xuất của các tập đoàn toàn cầu và chưa làm chủ được công nghệ lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, truyền động...

Thị trường chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất linh kiện quy mô lớn. Mặt khác, giá bán cao vẫn là điểm cản trở của xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong khi chất lượng thua xe nhập khẩu.

Trong số các dòng xe thì xe tải nhỏ đến 7 tấn hiện là phân khúc đạt tỷ lệ nội địa hoá cao nhất, trung bình 50%. Các dòng xe con đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ này chỉ khoảng 7-10% tuỳ hãng, thấp hơn nhiều mục tiêu 60% vào năm 2010 cơ quan quản lý đưa ra trong giai đoạn trước đây. Tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình 65-70% của các nước trong khu vực ASEAN, thậm chí Thái Lan đạt tới 80% nội địa hoá. "Nếu các nhà sản xuất trong nước không sớm có giải pháp nâng tỷ lệ nội địa hoá, chắc chắn sẽ khó cạnh tranh với thị trường khu vực", Bộ Công Thương đánh giá.

Cơ quan này cũng cho rằng, năng lực công nghiệp trong nước (đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ) chưa phát triển khiến các doanh nghiệp khó có thể tăng cường tỷ lệ nội địa hoá, cắt giảm chi phí sản xuất. Các loại thuế, phí với ôtô cao, chưa tạo thuận lợi cho người dân sở hữu xe hơi.

"Chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành so với các nước trong khu vực làm mất cơ hội thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách trong nước chưa ổn định và đồng bộ, do đó chưa tạo được bước đột phá cho việc phát triển ngành", theo Bộ Công Thương.

Trước sức ép cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và xa hơn là xe nhập từ EU, các nước thành viên CPTPP khi các hiệp định thương mại tự do này có hiệu lực, Bộ Công Thương đề nghị phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm.

Bộ này cũng cho rằng cần sửa đổi các chính sách về thuế, chú trọng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi, hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ôtô điện (bao gồm cả chính sách cho người mua). Cùng đó, nhà chức trách cần ban hành chính sách ký quỹ xử lý sản phẩm ôtô thải bỏ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng ngành ôtô trong nước.

Theo VNE
Cùng chuyên mục