Pha Taem, miền đá đơm bông

Thứ năm, ngày 15/06/2017 14:38 PM (GMT+7)
Nổi tiếng với giới khảo cổ vì những tranh vẽ trên vách đá 3.000 năm tuổi vẫn rõ nét, Pha Taem và miệt láng giềng còn tưởng thưởng cho khách du nhiều thứ nữa. Trong đó, khá ấn tượng là những hoa đá vài triệu năm tuổi.
Bình luận 0

Ngày đá đơm bông?

Ngày nào đá đơm bông chẳng mấy ai hay chính xác đâu. Chỉ biết xưa thiệt là xưa. Tranh do người cổ đại vẽ 3.000 năm trước là đã thiệt lâu nhưng chả thấm tháp gì với những hoa đá thiên nhiên khắc tạc vài triệu năm. Mẹ thiên nhiên với sự chung tay đắc lực của gió mưa miền nhiệt đới đã bền bỉ âm thầm phong hoá tạo nên những bông hoa đá Sao Chaliang sừng sững vươn cao ở rừng quốc gia Pha Taem, Ubon Ratchathani.

img

Hoa thiệt nhiều màu rực rỡ bỗng lép vế khi bên hoa đá xám màu.

Lạ lùng thay, giữa đồi núi đá miên man, đất trời chỉ chọn tạc khắc đó đây vài cột để nên hình nấm, dáng hoa. Tìm hiểu kỹ hơn càng thú vị. Nằm sâu trong lục địa, phải ngang Lào rồi qua Việt mới tới biển, ở cao độ kha khá chỉ cần đi thêm đến cuối con đường là đến vách núi đón bình minh sớm nhất, cũng như chia tay hoàng hôn đầu tiên trên đất Thái. Nhưng ở Sao Chaliang các nhà khoa học đã tìm thấy các hoá thạch vỏ sò, cát, sỏi trong cấu trúc đá.

Ngày nào xưa thật xưa hơn nữa, nơi đây đã từng là đáy đại dương. Rồi bị xô dạt, nhô, đội lên bởi những biến đổi địa chất, động đất, đứt gãy… để vươn lên thành núi. Có lẽ do cấu trúc mảng tầng đáy đại dương ngày cũ này không chắc bền bằng đá núi hoa cương khác quanh vùng, đã dễ bị xâm thực tạo nên dáng lũ hoa đá lạ lẫm, ngộ nghĩnh. Còn nếu theo truyền thuyết của người bản địa thì thôi rồi những câu chuyện lãng mạn tình yêu thần tiên của loài hoa khổng lồ đến từ trời.

img

Tranh tường người xưa hơn 3.000 năm tuổi ở Pha Taem kể về cá tra dầu khổng lồ trên Mekong.

Ôm ấp Sao Chalinag, rừng quốc gia Pha Taem nằm ngay bên Mekong cuộn sóng, địa hình chủ yếu đá khá trơ và ít cội già um tùm. Bù lại là nhiều hang động nên có lẽ thế được người xưa chọn làm nơi ẩn náu sinh sống. Sông mẹ cuồn cuộn bên dưới mang theo nhiều cá tôm, được thể hiện khá rõ trong các tranh tường cổ đại hơn 3.000 năm tuổi. Kể cả những loài cá to khủng cũng được vẽ lại mà các nhà khoa học cho là thuộc giống cá tra dầu giờ gần như tuyệt chủng ở Mekong. Triền sông mênh mang nương đồng xanh tốt nhờ phù sa cũng là lựa chọn khôn khéo của người xưa.

Miền xanh đẹp nhiều lạ nhiều quen

Pha Taem nằm ở huyện sơn cước Khong Jiam, tỉnh Ubon Ratchathani. Thường được gọi ngắn là Ubon, miền đất này không quá xa lạ với người mình. Cả du khách lẫn bà con ở khúc ruột miền Trung.

img

Bánh mì pate trong chợ Ubon - sai chính tả tè le hết, nhưng sao thấy thương quá.

Nằm ở miền ba biên giới, giáp với các tỉnh Salavan, Champasak, Lào và Preah Vihear, Campuchia, thành Ubon là cửa ngõ xuyên quốc gia quen thuộc của dân du lịch lang thang đường bộ. Những biến động lịch sử thế kỷ trước tạo nên cộng đồng Việt kiều, phần lớn từ các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ khá lớn sinh sống ở đây. Còn đi chừng ba giờ đường xe đò là tới Pakse, Lào, một miền đất cũng khá đông đúc người Việt cũ mới lập nghiệp. Nem nướng, chả giò, bánh mì… là đặc sản người Ubon hay giới thiệu với khách Việt – chắc sợ bạn nhớ quê! Lang thang trong chợ Ubon, cũng rất dễ giật mình khi chợt nghe tiếng trọ trẹ quê hương trên đất khách.

Nhưng đó là chuyện ở phố chợ thị thành. Còn Pha Taem xa ngái, nằm ở huyện sơn cước Khong Jiam chót vót cực đông Ubon, cũng là cực đông của xứ Chùa Vàng. Biên giới tự nhiên Mekong cách chia Lào – Thái những ngày đầu tháng 4 tôi đến chưa mưa êm ả. Đoạn ngang Khong Jiam khá nổi tiếng với hương danh “Dòng sông hai màu” đã đi vào điện ảnh thi ca Thái khi dòng Mun vẫn níu kéo màu xanh lục đặc trưng thiệt lâu khi đã về với Mekong mênh mông.

img

Vắt qua một nhánh Mun xanh màu lá, qua bên cồn xanh rồi còn qua một nhánh sông khác nữa, cầu Kaeng Tana là cầu treo dài nhất xứ Chùa Vàng.

Cùng với Mekong, nương đồng và núi rừng nơi đây được vinh danh là miền Tam giác ngọc. Cạnh tranh với Tam giác vàng xa tít trên miền Bắc bằng những sắc xanh cỏ cây, sông suối và cả hệ thống ao hồ cũng nổi tiếng đẹp. Lớp đất mỏng bám trên đá núi Pha Taem tạo nên cánh đồng hoa dại lớn nhất xứ Chùa Vàng, kéo theo hàng hàng lớp lớp thanh niên trai trẻ về đây cắm trại ngắm hoa bung mỗi độ thu về. Hứng thú chuyện xưa thì ngoài tranh vách đá còn có di tích, tượng đá phong cách Angkor từ thời đế quốc Khmer hùng cứ miệt này vẫn dễ thấy đó đây. Thích sưu tầm những chữ nhất, còn có những bình minh đầu tiên, hoàng hôn sớm nhất trên vách đá Pha Taem, cây cầu treo dài nhất xứ Thái Kaeng Tana…

Lang thang Pha Taem, Khong Jiam ngày nắng đầu hạ, hai màu sông không thật sự khác biệt như ở mùa lũ Mekong vàng sánh phù sa, Mun vẫn lục ngọc. Nên dù mê mải với Mekong mùa khô êm ả biếc, vẫn sân si ngày lênh đênh trên dòng sông hai màu. Chờ đó nghen sông!

Thái Hoãn (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem