Phải giảm để cứu doanh nghiệp

Chủ nhật, ngày 23/08/2020 12:03 PM (GMT+7)
Ngân hàng (NH) đang giảm lãi suất vay. Liệu doanh nghiệp có chịu làm thủ tục trong lúc này?
Bình luận 0

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 7/2020, huy động vốn là 5,71%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ 4,03%. Điều này nói rằng, khả năng hấp thụ vốn của DN còn thấp. Để hạ thêm lãi suất cho vay, NH đang ép lãi suất tiền gởi xuống.

Giảm lãi suất gởi

Mới đây, Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank đã giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn, trong đó lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 3,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 3,8%, lãi suất kỳ hạn 9 tháng còn 4,5%/năm. Kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng giữ nguyên lãi suất ở mức 4,4% và 6%. Kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng, lãi suất là 6%.

Nhiều NH thương mại cổ phần khác cũng đã giảm lãi suất đầu vào. Tại Techcombank, hiện lãi suất huy động là 3,15%/năm cho kỳ hạn 1 tháng. Tại VPBank, nếu khách hàng gửi dưới 300 triệu đồng kỳ hạn 1-2 tháng sẽ có lãi suất 3,5%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, phần lớn các NH đang áp dụng lãi suất trong khoảng từ 4,9 - 6,8%/năm, như Eximbank là 5,6%, OCB -6%, ABBank và Nam A Bank - 6,3%, DongA Bank - 6,8%…

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, việc lãi suất tiền gởi đi xuống là phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trên thị trường thời điểm hiện tại, theo cung cầu và góp phần vào điều chỉnh chính sách tiền tệ. "VietinBank đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN và khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 như: giảm lãi vay, miễn giảm phí... Hy vọng họ sẽ mạnh tay đi vay tiền để sản xuất", ông Thọ nói.

Phải giảm để cứu doanh nghiệp - Ảnh 1.

DN có cần vốn để sản xuất khi dịch Covid-19 còn nhiều bất ngờ? Ảnh: TTXVN

Phó giám đốc một NHTM tại TP.HCM cho rằng, hiện nay, khả năng hấp thụ vốn của DN chưa cao nên tăng trưởng tín dụng khó đẩy mạnh. Mặt bằng lãi suất còn có thể giảm thêm tùy phân khúc khách hàng, ngành nghề. "Chúng tôi sẽ tiết giảm chi phí hoạt động, triển khai thêm nhiều chương trình mới hỗ trợ về vốn, lãi suất cho khách hàng kinh doanh những tháng cuối năm. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của NH nhưng vẫn phải làm", đại diện NH cho hay.

Sợ ít người vay

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, trong năm 2020, với sức hấp thụ vốn yếu như hiện nay, tín dụng cho vay chỉ kỳ vọng đạt mức tăng trưởng khoảng 10%, thấp hơn kế hoạch 13-14% đặt ra hồi đầu năm. "Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng để thúc đẩy tín dụng, điều quan trọng là phải cải thiện nhu cầu sử dụng vốn", TS., Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Dù đang dư thừa thanh khoản và tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng các NH rất cẩn trọng giải ngân vốn mới vì lo ngại nợ xấu gia tăng. Theo giải thích của nhiều NH, mặc dù thanh khoản ngân hàng hiện khá dồi dào, thậm chí vốn dư thừa, nhưng việc giản ngân vốn mới rất cẩn trọng, để ngăn nợ xấu, tập trung tái cơ cấu, giãn thời gian trả nợ...

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho hay, sẵn sàng cung ứng vốn đủ cho nền kinh tế, trường hợp cần thiết sẽ tái cấp vốn cho các NHTM để có nguồn vốn bơm ra thị trường. Tín dụng tăng thấp sẽ giúp thanh khoản tiền đồng của các NH đang dồi dào, duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Tuy nhiên, bà Hồng nhấn mạnh: "Nguồn vốn đang dư thừa, tín dụng khó tăng, nhưng không phải vì vậy mà hạ chuẩn cho vay. Ngược lại, NH phải kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng để giảm thiểu rủi ro nợ xấu tăng trong tương lai, cụ thể là năm nay".

(Nguồn Thế Giới Tiếp Thị)

An Nhiên (Nguồn Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem