"Phải xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc"

Lương Kết (thực hiện) Thứ hai, ngày 02/09/2019 19:00 PM (GMT+7)
“Trong các nhân tố đưa đến thành công của Cách mạng tháng Tám 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì nhân tố nội lực là quyết định. Bài học về phát huy nhân tố nội lực có giá trị xuyên suốt trong cả quá trình đổi mới, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”, Đại tá - PGS - TS Trần Ngọc Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

img

Đại tá - PGS - TS Trần Ngọc Long.

Thưa ông, mỗi một dịp chúng ta kỷ niệm sự kiện Cách mạng tháng Tám 1945 và Quốc khánh, có những luận điệu xuyên tạc cho rằng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là do “ăn may”, nhưng sự thực thành công đó là do yếu tố nội lực quyết định?

-   Đúng là lâu nay, một số sách báo của nước ngoài và có một số ý kiến xuyên tạc cho rằng thành công của Cách mạng tháng Tám 1945, lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là do “ăn may”. Đó là nhờ vào việc quân đồng minh tiêu diệt đạo quân phát xít và nhờ có cái gọi là “khoảng trống quyền lực”. Thực ra không phải như vậy. Việc quân phát xít bại trận và bối cảnh tình hình quốc tế đã tạo ra những điều kiện khách quan thuận lợi để chúng ta phát động Tổng khởi nghĩa, nhưng yếu tố quyết định nhất vẫn là yếu tố nội lực. Thực tế lịch sử diễn ra cho thấy thành công của Cách mạng tháng Tám là kết quả của một quá trình tạo thế, tạo lực, tích lũy và phát triển lực lượng của chúng ta.

img

Hàng chục vạn đồng bào tập trung tại Quảng trường Ba Đình, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.  Ảnh: TTXVN

Ngay từ Hội nghị Trung ương 7, đặc biệt là Hội nghị Trung ương 8 (năm 1941, ở Pác Bó, Cao Bằng), Đảng đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tập trung mũi nhọn đánh đổ đế quốc hay nói cách khác là đưa vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác lại vấn đề đấu tranh giai cấp. Tạm gác không có nghĩa là coi nhẹ mà thông qua cao trào giải phóng dân tộc, từng mặt lợi ích của giai cấp công nông được điều chỉnh, tạo thêm niềm hứng khỏi cho họ. Cách mạng Việt Nam từ đây bước vào một thời kỳ tạo thế, tạo lực chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Muốn giải phóng dân tộc phải có lực lượng, trên tinh thần “khơi thêm nước cho cá vẫy vùng”, Đảng đã chỉ đạo phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, đồng thời xây dựng vả mở rộng các căn cứ địa làm chỗ đứng chân. Để tập hợp lực lượng, năm 1941, Mặt trận Việt Minh đã được thành lập. Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, lần lượt  các tổ chức cứu quốc đã ra đời như: Thanh niên cứu quốc, Nông hội cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… Các tổ chức vũ trang cách mạng cũng được được thành lập như Đội vũ trang ở Cao Bằng; Du kích Ba Tơ, Du kích Bắc Sơn, Du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, và đặc biệt là đến ngày 22/12/1944 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – Đội quân chủ lực đầu tiên được thành lập. Đó là lực lượng nòng cốt cho phong trào toàn dân đứng lên làm cách mạng.

Hệ thống căn cứ địa cũng được hình thành rộng khắp, trải dài từ núi rừng Việt Bắc vào Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ cho đến vùng đồng bằng sông nước Tây Nam Bộ.

Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, chúng ta đã có đủ thực lực, đó là phong trào kháng Nhật cứu nước đã phát triển đến cao độ. Quần chúng sục sôi khí thế cách mạng. Chúng ta cũng đã có lực lượng vũ trang cách mạng đủ mạnh làm nòng cốt cho phong trào nổi dậy của quần chúng. Nhờ có sự chuẩn bị thế và lực một cách tích cực cộng với biết chớp thời cơ mà tổng khởi nghĩa đã diễn ra và thành công một cách nhanh chóng, mau lẹ.

  Sở dĩ trong Cách mạng tháng Tám, chúng ta phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì lúc bấy giờ, Đảng chỉ cần nói một câu, triệu người như một tin theo. Trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay cũng cần  phải dựa vào nhân dân, quần chúng nhân dân mới là sức mạnh. Muốn thế phải lấy “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.

PGS - TS Trần Ngọc Long

Nên nhớ là Cách mạng tháng Tám nổ ra và thành công khi mà đạo quân phương Nam của Nhật ở Đông Dương chưa hạ vũ khí đầu hàng.

Cách mạng tháng Tám để lại nhiều bài học lịch sử quý báu, có giá trị bất biến, thưa ông?

- Trước hết, đó chính là bài học về huy động, phát huy yếu tố nội lực và bài học về nắm bắt thời cơ.

Một trong những sáng tạo của Đảng ta đó là việc kịp thời chuyển hướng chiến lược, tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu. Để đạt được mục tiêu đó, cách mạng Việt Nam đã trải qua một quá trình chuẩn bị tích cực, tạo thế tạo lực để khi thời cơ đến bằng yếu tố nội lực chúng ta có thể phát động tổng khởi nghĩa, lật đổ ách đô hộ và chế độ phong kiến, giành chính quyền vể tay nhân dân.

Lịch sử không thể có “nếu như”, song có thể khẳng định rằng, nếu không có một quá trình tạo thế, tạo lực, không có yếu tố nội lực thì dù quân đồng minh có đánh bại đạo quân phát xít đi chăng nữa, Cách mạng tháng Tám khó mà nổ ra và giành được thắng lợi một cách mau lẹ như vây.

Trong Cách mạng tháng Tám, lực lượng chính là quần chúng. Tập hợp được lực lượng đó là một trong những yếu tố dẫn tới thành công. Quần chúng không chỉ có quyết tâm, mà còn có cả “tín tâm”. Họ tin vào Đảng, vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào Mặt trận Việt Minh. Trong dòng người xuống đường không chỉ có nông dân, công nhân, mà còn có cả trí thức, học sinh, sinh viên và một bộ phận công chức từng phục vụ trong chế độ của thực dân, phong kiến. Điều gì đã tạo nên một sức mạnh xung thiên cho cuộc Cách mạng tháng Tám? Đó chính là cuộc biểu dương lực lượng của đông đảo quần chúng với cả tinh thần quyết tâm và sự tín tâm cao độ. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Mặt trận Việt Minh được ban hành và thực hiện rộng rãi đã đi vào lòng người, đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của quần chúng.

Mau lẹ, kịp thời nổ ra đúng lúc phải nổ - đó cũng là một trong những ưu điểm nổi bật của Cách mạng tháng Tám.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem