Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 1.

Anh vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Dũng cảm. Thật là một phần thưởng cao quý mà chắc hẳn anh sẽ rất tự hào?

- Tôi cảm thấy rất bất ngờ, vinh dự, tự hào. Mặt khác, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình đã nỗ lực trong suốt nhiều năm qua được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Đây là một trong những động lực rất lớn để tôi tiếp tục phát triển, xây dựng nên Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel và tìm cho cộng đồng những người sẵn sàng sống, cống hiến và hy sinh vì cộng đồng.

Tôi nói với anh chị em đội sơ cứu của mình rằng đây không phải một giải thưởng bình thường mà đây là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà "cả cuộc đời cứu hộ của anh mới đạt được. Anh hy vọng sau này các em gìn giữ được như thế và tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa".

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 2.

Tôi được biết Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel mà anh làm đội trưởng "ra đời" xuất phát từ một trải nghiệm đau đớn của anh?

- Năm 2016 tôi là người bị tai nạn và tôi là người bị bỏ rơi tại hiện trường trong khoảng thời gian 15 phút. Vào cơn mưa rét của tháng 11 tối năm đó tôi cảm nhận được rõ sự sợ hãi, đau đớn của một nạn nhân là người như thế nào. Sau vụ tai nạn định mệnh ấy tôi quyết tâm một ngày nào mình ổn định hơn, có kinh tế hơn sẽ làm điều gì đó giúp đỡ cho những người không may bị nạn giống như mình. Tôi không nghĩ rằng đến tháng 6/2017 tôi bắt đầu làm công việc này. Tôi âm thầm làm công việc cứu giúp người gặp nạn một mình. Đến tháng 9/2019 tôi mới bắt đầu thành lập ra Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel.

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 3.

Đội đã thiết lập "5 không" là nguyên tắc hoạt động của mình: Không bỏ rơi, Không thu phí, Không phân biệt, Không tranh cãi và Không kết án. Đây là cam kết mà tất cả các thành viên của đội đã thống nhất và tuân thủ một cách thống nhất và chặt chẽ.

Vậy khi ấy anh bị bỏ rơi trong hoàn cảnh nào? Điều gì khiến anh sợ hãi đến như vậy?

- Thời điểm đó tôi đang đi bộ trên đường về sau khi viếng đám tang nhà người bạn ở tỉnh Tuyên Quang. Khi ấy đường khá tối, một cô gái đi xe máy với tốc độ rất nhanh, đèn chiếu sáng bị áo mưa che mờ. Cô ấy đã tông trúng, hất tôi văng ra một đoạn rất xa. Vụ tai nạn khiến cả hai bất tỉnh, cô gái bị chấn thương nặng. Ít phút sau tôi tỉnh lại thì thấy mình không thể cử động được. Tôi chỉ biết quay nhìn hai bên đường nhận diện xem mình bị tai nạn như thế nào. Mặc dù có nhiều xe máy đơn lẻ đi qua nhưng họ đã không dừng lại để giúp đỡ. Trong giây phút đó nói thật tôi đã có lúc rơi vào trạng thái: Hận thù. Tại sao họ không giúp mình?...

Khoảng thời gian đó với tôi là rất dài, cảm giác đủ để mọi diễn biến tâm lý nó cứ quẩn quanh trong đầu. Rồi tôi chợt nghĩ, rốt cuộc những người đang mặc kệ tôi nằm đây họ sợ điều gì, sợ bị liên lụy, sợ bị đổ oan, sợ không có kỹ năng giúp mình? Tôi không còn trách họ nữa, tôi dùng hết sức lực cố giơ một tay lên để họ biết tôi còn sống, tôi cần sự giúp đỡ. Khoảng 15 phút sau, cuối cùng cũng có người đến hỏi tôi: "Em phải làm gì để giúp anh?". Sau này tôi thấy đây là câu hỏi rất cần thiết khi chúng ta muốn giúp ai đó hoặc muốn cầu cứu sự hỗ trợ từ ai đó.

Khi anh "tự phát" làm công việc cứu hộ, lúc đó mọi người đã phản ứng như thế nào khi anh "đơn thương độc mã", âm thầm làm công việc cứu hộ?

- Lúc tôi quyết định làm công việc này người nhà tôi đa phần theo ngành y, tất cả gia đình cũng vừa ủng hộ nhưng cũng vừa lo sợ cho tôi bởi trên hiện trường tai nạn giao thông hay bất cứ sự việc, sự vụ nào đó, thường tiềm ẩn mối nguy hiểm rất lớn. Chúng tôi thường gặp những rủi ro rất cao như có thể bị lây nhiễm chéo từ người bị nạn sang cho mình...

Sau một khoảng thời gian tôi đã quyết tâm hơn để làm sao đó giúp được những người giống như mình và cứ âm thầm như vậy tôi đã thuyết phục được những trái tim sắt đá của người nhà – những bác sĩ trong gia đình tôi.

Ban đầu tôi chỉ muốn bản thân mình giúp được đến đâu thì giúp nhưng tôi thấy tai nạn giao thông, nhận thức của người giúp đỡ nạn nhân ở hiện trường chưa đúng. Ví dụ như người nhiệt huyết quá, làm mạnh bạo quá với nạn nhân dẫn đến sơ cứu không đúng cách, giúp đỡ người không đúng các bước đã gây ra hậu quả cho các nạn nhân một cách trầm trọng hơn, gây đau hơn.

Tôi đã phải suy nghĩ và chỉ muốn nói cho những người đó là anh, chị đang làm như thế là sai. Cũng có đôi ba lần tôi góp ý thì nhận được sự phản kháng của người khác. Sau cũng rút ra một điều không thể thay đổi được cho những người ấy vì họ cho rằng mình đang cứu người là tốt nhưng thao tác của họ là sai thì đang gây ra hậu quả rất lớn cho nạn nhân.

Không phải đơn thuần chúng ta nhìn thấy một người bị nạn là lao vào cứu, chỉ cần nhiệt huyết là đủ. Sau này, tôi đã rèn luyện các tình nguyện viên của FAS Angel đầu tiên đó là tâm lý trấn an, thứ 2 là kỹ thuật sơ cứu cấp cứu, thứ 3 là giảm bớt cái tôi cũng như sự nhiệt huyết. Và đó cũng là những kỹ năng mà học viên, tình nguyện viên của tôi không học được ở một nơi nào khác.

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 4.

FAS Angel ra đời với ý nghĩa như thế nào?

- FAS Angel không phải là một tình trạng khẩn cấp giống như SOS. Tôi muốn 100% vào việc tập trung sơ cứu cho bệnh nhân chứ không phải làm vấn đề khác.

Angle nghĩa là thiên thần. Và thiên thần luôn có 2 sứ mệnh. Trước tiên là bảo vệ người không may mắn bị nạn. Nếu không thể bảo vệ thì sẽ ở bên cạnh để tiễn họ lên thiên đường. Đó là lý do mà tôi lấy tên 'FAS Angel' và cũng là mục tiêu mà nhóm theo đuổi sau hơn ba năm qua.

FAS Angel không vụ lợi, suy nghĩ cho cá nhân. Họ là những người hỗ trợ giúp đỡ cho những người khác chứ không phải đứng lên đề cao tôn giáo nào hay tôn vinh lối sống đạo đức nào cả mà là những người không vụ lợi. FAS Angel có 5 tôn chỉ: Không bỏ rơi, Không thu phí, Không tranh cãi, Không phân biệt và Không kết án. 5 tôn chỉ này xuyên suốt, mọi người đều phải học khi trở thành đội viên của FAS Angel và áp dụng nó.

Trong 5 nguyên tắc này đều rất ý nghĩa, vậy mọi người thắc việc không thu phí thì FAS Angel lấy đâu chi phí vận hành cũng như thuốc men, vật tư y tế cứu giúp người bị nạn?

- Trước đây vào thời gian FAS Angel chưa có nguồn quỹ ban đầu thì chúng tôi hoạt động theo tiêu chí các bạn phải tự lo được cho chính bản thân các bạn. Mỗi một người vào đội thì mua được trang thiết bị gì thì mua còn không thì tôi sẽ là người mua.

Lúc đó, tôi làm công việc lái xe ôm công nghệ nên gần như phải chạy xe nhiều hơn, mỗi ngày dành 30.000-50.000 đồng cho hoạt động cứu chữa người gặp nạn. Đến khi thành lập FAS Angetăng lên 70.000-100.000 đồng/ngày kéo dài suốt thời gian đó đến nay và trở thành thói quen.

Bằng cách nào anh thuyết phục được những người cộng sự cùng mình tham gia trong khi vốn dĩ công việc đòi hỏi đi đêm hôm như vậy?

- Ngay từ lúc ban đầu tôi không thuyết phục ai cả. Tôi chỉ nghĩ cứ thấy người bị nạn là mình cứu giúp. Nhiều người thấy hành động của mình đã chủ động muốn giúp sức. Lúc ấy tôi đồng ý nhưng nói: Tớ chưa đủ sức để dành cho các cậu. Tôi từ chối hết các bạn ấy vào thời điểm từ 2017-2018.

Đến năm 2019 tôi đề xuất với công ty xe ôm công nghệ tìm kiếm người nào đó dạy cho lái xe của họ kỹ năng sống sơ cứu và được công ty đồng ý. Khi ấy tôi đã tổ chức ra một nhóm khoảng 20 người để thử kỹ năng của họ sau khi học. Tuy nhiên, mức độ rèn luyện kỹ năng của họ sau đó còn phụ thuộc cơm áo gạo tiền nên họ không theo được.

Mãi đến tháng 9/2019 tôi mới tìm được 5 người đầu tiên, dạy cho họ tất cả kỹ năng mà mình đã học. Đến bây giờ FAS Angel đang có 150 bạn tình nguyện viên, hơn 50 người thường xuyên túc trực ở hiện trường kể cả ngày lẫn đêm. Họ sẽ vừa đi làm công việc của mình, vừa đi sơ cứu. Nếu như tiện họ sẽ nhận ca đó luôn.

FAS Angel chỉ kêu gọi từ các chương trình như hỗ trợ bông băng hàng tháng với số tiền vật tư tiêu hao rất nhiều khi chi phí xăng dầu xe ô tô cứu thương, vật tư tiêu hao cho cả 150 người nên rất nhiều.

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 5.

Các vật dụng chuyên nghiệp như nẹp cổ, van một chiều là một trong những cái rất đắt, tình nguyện viên không thể mua được. Thậm chí có một số nhà muốn tài trợ những cái đó mà để cho họ mua cũng không đặt được, mình phải đặt từ nước ngoài về. Đó là cái mà FAS Angel sẽ kêu gọi. Hay chúng tôi đang kêu gọi để mua thêm 1 xe cứu thương số 04, có giá trị lên đến 1,6 tỷ đồng để vận hành trong những khu đường hẹp cũng như một trong 2 chiếc xe của FAS Angel đạt đủ tiêu chuẩn là xe cấp cứu.

Hiện tại chúng tôi đang có 3 chiếc xe cấp cứu thật nhưng 2 chiếc trong số đó được hoán cải từ xe khách và chỉ hỗ trợ trong nội thành khi có tình trạng khẩn cấp, 1 chiếc xe có thể đi ra ngoại tỉnh, hỗ trợ cho các nạn nhân không may tử nạn về quê hương. Chúng tôi cũng mong muốn có những chiếc xe cấp cứu đạt chuẩn để phù hợp hơn theo quy định của pháp luật nhà nước về xe cấp cứu.

Còn cửa hàng sửa chữa xe máy của anh hoạt động ra sao?

- Mô hình sửa chữa xe máy hay là trạm cứu hộ 01 được áp dụng trên tiêu chí đó là khoảng thời gian mà FAS Angel hỗ trợ cho rất nhiều nạn nhân, phương tiện của họ bị hỏng hóc. Có nhiều cửa hàng bên ngoài thường lợi dụng vào vấn đề hỏng hóc của người bị nạn để kê khống giá.

Bản thân FAS Angel cũng có 1,2 tình nguyện viên trong quá trình đi sơ cứu xe bị hỏng cũng bị người khác khống giá lên rất nhiều. Cuối cùng phải trả một giá rất đắt cho chi phí đó. FAS Angel bắt đầu chỉ mở ra trạm nhỏ để sửa chữa miễn phí cho các tình nguyện viên trong đội. Sau này cũng có nhiều người mong muốn được sửa chữa nên chúng tôi đã mở rộng hơn để trở thành cửa hàng. Từ cửa hàng này đã kiếm ra được doanh thu hàng tháng để đóng vào quỹ để duy trì FAS Angel ổn định hơn.

Một phần khác tôi muốn nói ở đây đó là mô hình trạm cứu hộ 01 này muốn dạy nghề cho những bạn nào như lái xe ôm chẳng hạn, khi nào không còn đủ sức khoẻ muốn học nghề thì chúng tôi sẽ hướng dẫn. Tôi rất mong muốn chúng ta hãy nhìn vào vấn đề nghề shipper không phải nghề nuôi sống cho bạn trong thời gian dài đâu mà hãy học nghề gì đó mà chúng ta đang học, quay trở lại con đường học cho xong, ra trường quyết định công việc của mình. Chúng tôi luôn luôn chào đón các bạn có thể đến với trạm cứu hộ 01 để có thể học nghề, tất nhiên mọi thứ đều miễn phí.

Thấy việc gì anh làm cũng miễn phí, anh có bao giờ nghĩ đang giành sự "thiệt thòi" về mình?

- (Cười) Có nhiều người hỏi tôi có thấy mình nghèo không? Có nhiều người làm tình nguyện họ giàu sao anh nghèo thế? Tôi trả lời luôn: Tôi có thể nghèo về kinh tế nhưng xung quanh tôi cũng có những người giống như mình. Họ sẵn sàng nghèo để mang lại những tình cảm đối với nạn nhân, đối với người. Đối với tôi, tiền chỉ là thứ để trao đổi chứ không phải điều gì đó để khẳng định bản thân.

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 6.

Trong suốt hành trình tham gia cứu hộ 4 năm vừa qua tôi tin chắc rằng với anh có rất nhiều dấu ấn, kỷ niệm. Kỷ niệm cứu hộ nào ám ảnh nhất với anh?

- Cuộc đời tham gia cứu hộ của tôi nhớ nhất đó là vụ cháy chung cư mini Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) hồi tháng 9/2023. Khi nhận được thông tin xảy ra vụ cháy, chúng tôi đã trực tiếp đến để hỗ trợ cùng lực lượng chức năng cứu người gặp nạn ra ngoài. Khi ấy tôi đã trao đổi nhanh với chỉ huy Công an quận Thanh Xuân và xin thêm 4 người của lực lượng Đại học PCCC.

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 7.

Tôi bảo với chỉ huy rằng, tất cả phải đứng ngoài, nhỡ nhà có sập thì chỉ chết 5 người bọn em thôi. Tôi vẫn nhớ đồng chí Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân nói với tôi rằng: "Chú quá dũng cảm, nếu sau vụ cháy này anh em mình còn gặp được nhau thì nhất định anh sẽ đề xuất tặng bằng khen cho chú".

Trong lúc cấp bách như thế chỉ nghĩ sao cứu thật nhiều người chứ bằng khen hay mọi thứ không bao giờ tôi nghĩ tới. Nói xong tôi xin 4 người. Tôi hỏi lực lượng của Đại học PCCC: Các đồng chí ai xung phong thì 4 người theo tôi.

Sau đó, có 4 chiến sĩ cảnh sát PCCC tình nguyện đứng lên. Vào đến cầu thang có bạn nói "Em chờ chỉ huy". Trong tình huống cấp bách đó tôi gay gắt: Tôi là chỉ huy của các cậu.

Tôi tiến sâu vào hiện trường với duy nhất chiếc mũ bảo hiểm, với những người có thể cứu được tôi thường nói: Anh/chị không sao cả, tôi sẽ giúp mọi người. Khi hướng dẫn họ, tôi luôn nói: Hãy đi đi, dưới đó có người đón bạn, dưới đó là sự sống. Đám cháy mới đây cũng thế, nhưng câu nói phải lặp lại nhiều nhất là: Hãy bỏ tay nhau ra đi, tôi sẽ đưa từng người xuống.

Có một bạn khi được cứu nắm chặt lấy tay tôi. Tôi biết bạn ấy đang cố cầu cứu tôi nhưng vụ cháy khiến bạn ấy bị ngạt, bọt trong miệng cứ thế tuôn ra kèm lẫn máu. Tôi biết bạn ấy sẽ khó lòng qua khỏi nhưng cố động viên: Em bình tĩnh bỏ tay anh ra, em đi với các anh lính cứu hoả nhé, cứ yên tâm, em cố gắng sống.

Sau đó, một mình tôi tìm được nhà 6 người trong một gia đình. Tôi cõng theo một cháu bé, miệng giục người nhà: Ông ơi ông đi nhanh lên. Tôi đưa được cả gia đình xuống thoát nạn.

Tôi tiếp tục lên tầng 8 nhận thấy nghiêm trọng của của vấn đề khi quá nhiều người đã tử nạn. Tôi báo cáo với chỉ huy xin lệnh của Ban chỉ huy PCCC. Trong suốt quãng thời gian từ 1h cho tới 7h sáng hôm sau trực tiếp trong căn nhà, đó là một trong những khoảnh khắc cuộc đời cứu hộ tôi không bao giờ quên. Tôi vui vì đã cứu được nhiều người nhưng buồn khi đã mất nhiều người quá. Tôi chỉ mong công tác PCCC này tốt hơn để không xảy ra hiện tượng này nữa. Nếu như tôi nhớ không nhầm thì đây là vụ cháy nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, trong đó không chỉ là những người lao động bình thường mà có cả những trẻ em nữa. Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ khiến tôi ám ảnh nhất.

Lúc được giao nhiệm vụ trong tình huống cấp bách như thế, anh và đồng đội của mình có sợ chết không?

- Hỏi mình có sợ chết hay không thì ai chẳng sợ. Tuy nhiên, khi tham gia hỗ trợ hay cứu nạn đều có quy trình nhất định. Quy trình đầu tiên chúng ta cần đề cập đó là quan sát hiện trường, đây là vấn đề đầu tiên cần đặt lên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình cũng như chính anh chị em khác.

Tôi nói với lực lượng đi cùng đó là yên tâm, cứ đi sau anh, kiểu gì các bạn cũng sẽ an toàn. Từng là cựu quân nhân, trong khoảng thời gian công tác trong quân đội lĩnh vực công trình, tôi có con mắt cán bộ đi công trình nên có các kinh nghiệm để đời từ những công trình đó.

Khi vào trong vụ cháy không khác gì mình đã từng cứu hộ trước đây, có những kinh nghiệm cần thiết để biết mình phải di chuyển thế nào và vượt qua nỗi sợ đó. Các đội viên trong đội tôi luôn yêu cầu tất cả phải đảm bảo trang bị đầy đủ như áo phản quang dễ nhận diện trong trường hợp không may gặp sự cố dễ tìm thấy nhanh hơn.

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 8.

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 9.

Sau vụ cháy ấy có nhiều người liên hệ và chia sẻ với anh như thế nào?

- Mới đây nhất tôi nhận được được chia sẻ của bạn Hồng, người mà tôi đã cứu sống được cả nhà. Tôi chính là người cõng cháu trai của chị Hồng và đưa cả gia đình từ tầng 7 xuống. Tôi nhận được tin nhắn và khi đọc tôi thực sự xúc động khi tôi biết được bạn ấy đang cố nói lời cảm ơn với ân nhân của mình. Tôi thực sự cảm thấy mình hạnh phúc. Tôi có tâm sự với bạn gái sau vụ cháy tôi bị ảnh hưởng tâm lý mất hơn 1 tháng. Sau đó, cố điều chỉnh tâm lý của mình không bị nóng tính trở lại.

Sau vụ cháy tôi rất thương nạn nhân chứ tôi không sợ hãi. Tôi đọc nhiều tin bài trên mạng đều nói sự tang thương khi người mất cả nhà, cháu này mồ côi, người kia mất mẹ, mất vợ, mất con… Từ đó tôi kéo mình rơi vào trạng thái buồn theo và dằn vặt chính mình: Giá như có thể giúp được nhiều người hơn, thành ra tôi bị ảnh hưởng tâm lý.

Cho tới khi tôi đang cố gắng điều trị tâm lý của mình thì tôi nhận được tin nhắn cảm ơn, trò chuyện của chị Hồng. Đó là một trong những người đầu tiên trong vụ cháy nói lời cảm ơn. Tâm hồn của tôi mới trở lại bình thường như bây giờ. Tôi chỉ muốn biết rằng những người mình đã cứu họ đã ổn chưa, an toàn, vượt qua cơn nguy hiểm chưa… Tôi chỉ cần biết như thế chứ không cần họ biết đến tôi để cảm ơn.

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 10.

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 11.

Không chỉ là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu được vinh danh tại Lễ trao trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2023, Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel tiếp tục nhận giải ở hạng mục giải truyền cảm hứng trong khuôn khổ giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2023. Anh muốn dành những giải thưởng này tới ai?

- Tôi muốn dành tình cảm, lời cảm ơn cho tất cả mọi người. Đặc biệt nhất tôi muốn dành lời cảm ơn cho gia đình và người bên cạnh tôi đó là người bạn gái – bạn đời của tôi. Trong suốt 4 năm qua sau khi tôi thành lập ra FAS Angel tôi mới quen cô ấy. Từng đó thời gian cô ấy đã phải chịu đựng rất nhiều, tình yêu của chúng tôi không giống nhiều người khác khi có thời gian dành cho nhau buổi tối để đi chơi, chở nhau hẹn hò hay đi ăn uống thường xuyên.

Với tôi, anh chị em hay gọi là linh hồn của FAS Angel nên tôi hay đi trực cùng anh em. Xem trên bảng trực thì ngày nào tôi nghỉ chỉ trừ trường hợp tôi ốm.

Có bao giờ anh từng có suy nghĩ "bcuộc" để tập trung làm kinh tế, lo cho cuộc sống của mình?

- Tôi không quá suy nghĩ đến chuyện kinh tế mình giàu hay nghèo. Có đôi lần tôi bỏ cuộc do chính nạn nhân hay người nhà nạn nhân đã tác động vật lý hay xúc phạm đến tôi trong khoảng thời gian tôi cứu một ai đó. Có nhiều cảnh nạn nhân không đến mức nguy kịch như vậy nhưng lúc nạn nhân trong tình trạng thiếu tỉnh táo đã gây ra các vết thương nghiêm trọng hơn... Dù tôi cố gắng nói thế nào nạn nhân cũng không nghe, thậm chí tôi bị nạn nhân đánh lại. Mãi sau này tôi mới biết nạn nhân ấy bị mất máu quá nhiều, phải mất khoảng thời gian rất dài và truyền rất nhiều máu nạn nhân mới sống lại.

Đến nay sau 4 năm hoạt động anh thấy mình đã đạt được những gì? Có điều gì khiến anh tiếc nuối?

- Đối với vụ cháy tôi có tiếc nuối đó là giá như mọi người biết cách thoát thân, biết cách trang bị cho mình kỹ năng như ở ngôi nhà như biết cách bịt kín các khe cửa, không để khói độc lan vào. Tất cả những gì trong vụ cháy đó là chúng ta phải bình tĩnh bởi nhà bê tông cốt thép, đâu phải cháy dễ dàng như thế nếu như chúng ta vẫn ở trong phòng, tìm cách đảm bảo an toàn cho mình ở trong ngôi nhà đó thì có lẽ không có nhiều người mất đến như vậy.

Thường mỗi vụ cháy chúng ta hoảng loạn chạy lên sân thượng nhưng đoạn đường lên sân thượng thường bị chặn khi gặp lửa, khói chúng ta không đủ sức vượt qua môi trường thì sẽ bị kẹt lại.

Điều tiếc thứ 2 trong vụ cháy đó là rất nhiều vật dụng bà con để lại, đặc biệt cầu thang thoát hiểm, vướng lại có nhiều người bị ngã. Có người đã tử nạn ở chính những nơi đó. Chính là cái chúng ta phải rút kinh nghiệm sâu sắc nhất để nhìn thẳng vào vấn đề đã gọi là cầu thang hay lối đi đại chúng chúng ta không được phép để đồ đạc hay vật dụng của cá nhân hay một khu nào đó ra đó để cản trở việc đi lại khi vụ cháy xảy ra.

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 12.

Ngẫm lại hành trình đã đi qua không dài không ngắn, tương lai anh dự định sẽ thế nào? Đội cứu hộ lan toả nhiều, anh có tính sắp tới sẽ phủ sóng mạng lưới FAS Angel ra khắp cả nước?

- Hiện tại chúng tôi đang có một nhóm du học sinh ở Úc đang làm nên nhóm cứu hộ cứu nạn ở đó, áp dụng các nguyên tắc của FAS Angel sau khi tiếp xúc với chúng tôi.

Ở Đài Bắc hay Nhật Bản cũng có du học sinh Việt Nam theo học sau khi đọc những điều chúng tôi làm, họ học kỹ năng của FAS Angel và khi về nước sẽ làm FAS Angel của Nhật Bản.

Tôi nghĩ sự nỗ lực của tôi trong nhiều năm qua ai cũng cảm nhận. Từ phía gia đình tôi hay những người ngoài cộng đồng cũng đều biết tôi đã có những cống hiến nhất định cho cộng đồng. Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục phát triển nhiều hơn, mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn, làm sao nhân rộng mô hình ra rất nhiều nơi nữa, đặc biệt ưu tiên khu vực thành phố lớn, có mật độ giao thông đông đúc.

Sau đó tiếp tục xây dựng hệ thống trạm cứu hộ hay mô hình khác nữa, làm sao có thể duy trì được quỹ mà không phải kêu gọi cho FAS Angel. Chúng tôi sẽ có những bước tự lực tự cường, tự phát triển sao hoà hợp hơn, không vận động kêu gọi quyên góp nhiều, như vậy sẽ tốt hơn cho rất nhiều người.

Tầm nhìn của FAS Angel bắt buộc phải lâu dài, không chỉ thế hệ này mà còn phải mang lại giá trị cho các thế hệ sau, đó là điều mà tôi mong muốn nhất. Và tôi sẽ gắn bó đến khi nào không còn sức nữa mới thôi. Khi ấy tôi tin sẽ có những thế hệ đội viên của tôi sẽ tiếp tục hành trình giống như mình – hành trình cứu sống những người không may gặp nạn để không ai bị bỏ rơi phía sau…

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Phạm Quốc Việt - người được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm: “Người hùng” cứu giúp hàng nghìn sinh mệnh gặp nạn- Ảnh 13.


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem