dd/mm/yyyy

“Phao cứu sinh” giúp người Thái vùng cao thoát nghèo

Mấy năm gần đây, bà con dân tộc Thái sinh sống tại xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã có thu nhập ổn định từ việc trồng cam trên đất dốc. Việc đưa cây cam vào sản xuất được ví như là “Phao cứu sinh” giúp bà con dân tộc thoát nghèo. Nhiều hộ đã có thu nhập từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng.

Khi nhắc đến cây cam, có thể nói đây là cụm từ khá xa lạ đối với bà con dân tộc Tháixã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Bởi từ trước tới nay, bà con dân tộc Thái nơi đây chỉ gắn bó với cây trồng truyền thống như: Xoài, nhãn, mít, ngô, sắn, vì vậy cây cam là loại cây trồng còn khá mới mẻ đối với bà con.

Người tiên phong đưa giống cam về trồng và nhân rộng trên đất dốc tại xã Chiềng Ban, đó là ông Hoàng Văn Chất, sinh sống tại bản Củ 2. Khi mới bắt đầu trồng cam nhiều người còn nói bóng gió với ông Chất rằng, loại cây này chỉ ở dưới xuôi mới trồng được và cho ra quả được thôi. Chứ vùng đất cằn cỗi, dốc như trên này thì cây khó sống và không thể cho ra quả được. Nhưng ông Hoàng Văn Chất vẫn kiên trì và cần mẫn chăm sóc cây cam, mong sao 1 ngày cho ra trái ngọt và có thể giúp ông thoát nghèo.

“Phao cứu sinh” giúp người Thái vùng cao thoát nghèo - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Chất là người tiên phong trong việc đưa cây cam vào trồng tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Khoảng 1 thời gian ngắn sau, cây cam của gia đình ông Chất đã cho quả bói, chất lượng quả thơm ngon và ngọt lịm được 1 số tiểu thương đến mua với giá khá cao. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Văn Chất cho biết: "Trước đây tôi trồng mía và cây cà phê trên diện tích nương rẫy khá lớn với hy vọng làm giàu nhanh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết toàn bộ diện tích mía và cây cà phê tôi trồng đều bị sương muối, gây thiệt hại lớn đối với gia đình tôi. Không cam chịu trước số phận, tôi tiếp tục mạnh dạn đầu tư vốn trồng cam lòng vàng trên nương rẫy, lúc mới trồng ai cũng can ngăn không nên trồng, nhưng tôi đều bỏ ngoài tai. Nhờ bước đi mang tính bước ngoặt đó, mà tôi đã thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định.

Nhiều năm liền thấy gia đình tôi thu lãi lớn từ cây cam, bà con trong xã Chiềng Ban đã thay đổi nhận thức trong trồng trọt. Mới đầu thì có vài hộ đến học hỏi kinh nghiệm trồng cam phát triển kinh tế, dần về sau thì càng đông người đến học tập kinh nghiệm. Hiện tôi có 4,6ha cam, ngoài ra tôi còn cung cấp cây giống cho các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi thu lãi hơn 1 tỷ đồng".

“Phao cứu sinh” giúp người Thái vùng cao thoát nghèo - Ảnh 2.

Cây cam đang trở thành cây chủ lực, giúp bà con dân tộc Thái xã Chiềng Ban thoát nghèo và làm giàu.

Giữa thời tiết se se lạnh của mùa đông, chúng tôi tiếp tục đến tham quan vườn cam của gia đình anh Hoàng Văn Trường, bản Củ 2, xã Chiềng Ban đúng lúc anh đang tưới nước cho cây tại vườn. Anh Trường có thân hình cao ráo, khuôn mặt hơi gầy với làn da rám nắng, hằn sâu nhiều vết nhăn, đôi bàn tay gầy guộc đúng kiểu một nông "chân lấm tay bùn" miền sơn cước.

Anh Trường chia sẻ: "Lúc đầu mới trồng cam, tôi gặp không ít khó khăn do chưa hiểu hết về cách chăm bón nên cây cho quả ít. Do là giống cây mới đối với người dân vùng cao chúng tôi, nên chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tôi tham gia vào lớp tập huấn trồng trọt của cán Hội Nông dân huyện tổ chức. Qua lớp tập huấn tôi được tiếp thu kiến thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Kỹ thuật ghép mắt, tỉa cành, phòng chống sâu bệnh, chăm sóc, thu hái, sau đó về áp dụng vào vườn cam của gia đình. Giờ đây vườn cam của gia đình tôi đều xanh tốt và cho sai quả đầy cành. So với trồng ngô, sắn trước đây thì thu nhập của gia đình tôi cao gấp 2 lần từ cây cam. Mỗi năm tôi lãi gần 300 triệu đồng".

“Phao cứu sinh” giúp người Thái vùng cao thoát nghèo - Ảnh 3.

Xã Chiềng Ban có khoảng 98% là đồng bào dân tộc Thái, bà con đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, để phát triển kinh tế.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình sinh sống tại xã Chiềng Ban đang chuyển đổi diện tích trồng cam trên đất dốc. Ước tính mỗi mùa thu hoạch cam tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn đã đem lại nguồn thu nhập từ vài trăm triệu động đến hơn tỷ đồng cho bà con dân tộc Thái nơi đây. Người dân đã có mức sống ổn định hơn so với thời điểm trồng ngô, sắn trước đây. Có thể nói cây cam đang trở thành "Phao cứu sinh" giúp các bà con dân tộc thoát nghèo và làm giàu tại đại phương. Hiện nay cam ở khu vực xã Chiềng Ban đang được bán sang Điện Biên, Hà Nội, các huyện thuộc tỉnh Sơn La và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

“Phao cứu sinh” giúp người Thái vùng cao thoát nghèo - Ảnh 4.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cam, thu nhập của gia đình anh Hoàng Văn Trường cao gấp 2 lần so với trồng ngô trước đây.

“Phao cứu sinh” giúp người Thái vùng cao thoát nghèo - Ảnh 5.

Các sản phẩm cây ăn quả có múi được trưng bày tại các hội chợ, để quảng bá đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cùng với đó, nhiều năm qua tỉnh Sơn La đã có chủ trương phát triển cây ăn quả là cây trồng chủ lực của địa phương, nên đang được địa phương tạo điều kiện để phát triển. Hiện tỉnh đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau, quả Doveco Sơn La nằm tại vị trí trung tâm của huyện Mai Sơn, có diện tích gần 9ha, với quy mô dự kiến 50.000 tấn sản phẩm/năm.

Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, là một trung tâm chế biến rau quả khép kín bao gồm từ việc liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu; chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Dự án được các chuyên gia hàng đầu về công nghệ, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm của Italia và Costa Rica tư vấn đầu tư, nên vấn đề đầu ra không còn trở ngại.

“Phao cứu sinh” giúp người Thái vùng cao thoát nghèo - Ảnh 6.

Diện tích trồng cam và các cây ăn quả có múi tại xã Chiềng Ban đang được bà con mở rộng. Nhiều hộ đã thoát nghèo từ việc trồng cam.

Hiện nay, huyện Mai Sơn là một trong những huyện đi đầu của Sơn La trong chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Trên toàn huyện đã trồng được 7.643 ha cây ăn quả các loại như xoài, bơ, cam, thanh long, nhãn... Các Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả, giá trị thu nhập trung bình trên 1ha đất canh tác khoảng 300 triệu đồng– 350 triệu đồng. Điển hình như HTX nông nghiệp Bảo Khánh, Ngọc Lan, cam Nà Sản, Thanh Sơn, Mé Lếch... Bên cạnh đó, còn có nhiều nông hộ tại xã Chiềng Ban đã chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây cam trên đất dốc, nhờ đó đã đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, cuộc sống của bà con ngày càng sung túc và dư giả hơn.

“Phao cứu sinh” giúp người Thái vùng cao thoát nghèo - Ảnh 7.

Không chỉ mạnh đạn đầu tư mở rộng diện tích trồng cam, các nông hộ còn chú trọng đầu tư hệ thống tưới tiêu để tăng năng suất cây trồng.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Quyền Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mai Sơn cho biết: "Phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện về đất đai, chúng tôi xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm. Huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng trưởng bền vững, phát triển các mô hình kinh tế có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây cam.

Ngoài ra chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, hộ gia đình thực hiện sản xuất đảm bảo quy trình, kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản nông sản sau thu hoạch, để nâng cao chất lượng sản phẩm bán ra thị trường. Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động khích lệ các hộ dân trên địa bàn huyện chuyển diện tích trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, như: Nhãn, na, bưởi Da Xanh, xoài Đài Loan, cam Vinh... Chúng tôi coi đây là một trong những khâu đột phá, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống kinh tế, góp phần giảm nghèo cho bà con các dân tộc ở các cơ sở".

 

Hà Hoàng