Phát hiện mối liên hệ giữa tiêm vaccine phòng lao và tỉ lệ tử vong vì Covid-19

Đăng Nguyễn - Fortune Chủ nhật, ngày 05/04/2020 10:10 AM (GMT+7)
Các quốc gia có chính sách bắt buộc tiêm phòng bệnh lao ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 thấp hơn các nước khác, một nghiên cứu mới cho biết.
Bình luận 0

Nghiên cứu sơ bộ được đăng tải trên tạp chí y khoa medRxiv, cho thấy mối liên hệ giữa các quốc gia bắt buộc công dân tiêm vaccine Calmette-Guerin (BCG), theo Fortune.

BCG là vaccine được dùng để ngừa bệnh lao. Ở Việt Nam, BCG được chỉ định tiêm cho trẻ trong vòng 30 ngày sau khi sinh, chỉ tiêm một liều duy nhất, không cần tiêm nhắc lại.

Dù chỉ là liên hệ, các bác sĩ lâm sàng tại 6 quốc gia đang thử nghiệm tiêm vaccine BCG cho nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi để đánh giá khả năng ngăn ngừa Covid-19.

Gonzalo Otazu, trợ lý giáo sư tại Viện Công nghệ New York, là tác giả nghiên cứu, bắt đầu tìm hiểu vấn đề khi nhận thấy số lượng ca bệnh thấp ở Nhật Bản. Quốc gia Đông Á này là một trong những nước ghi nhận ca nhiễm Covid-19 ngoài Trung Quốc sớm nhất, cũng không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội như nhiều nước khác.

Otazu nói ông biết về khả năng ngăn ngừa của vaccine BCG, không chỉ với vi khuẩn lao mà còn nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. Otazu và các cộng sự đã tổng hợp dữ liệu ở các nước có chính sách bắt buộc tiêm vaccine BCG và so sánh với số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở các nước này.

img

Vaccine BCG phòng bệnh lao có thể giúp hệ miễn dịch phản ứng nhạy hơn với các virus Corona gây dịch Covid-19.

Ở các nước có thu nhập cao và có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất, Mỹ và Italia không bắt buộc người dân tiêm vaccine BCG. Các nước khác như Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Iran và Anh từng bắt buộc nhưng đã ngừng từ hàng thập kỷ trước.

Vaccine BCG được sử dụng lần đầu tiên ở người vào năm 1921 và được dùng rộng rãi sau Thế chiến II. Hiện nay BCG được sử dụng chủ yếu ở các nước đang phát triển và ở các quốc gia nơi bệnh lao vẫn còn phổ biến.

Các nước kiểm soát dịch nhanh và hiệu quả như Hàn Quốc, Nhật Bản đều có chích sách tiêm vaccine BCG rộng rãi.

Otazu nói mình được nhiều chuyên gia gửi lời khích lệ và đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu.

Mihai Netea, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Y khoa Radboud, Hà Lan và các cộng sự đang thử nghiệm hiệu quả của vaccine BCG với virus Corona.

Nhóm nghiên cứu mời được 400 nhân viên y tế tham gia thử nghiệm. 200 trong số này được tiêm vaccine BCG, 200 còn lại chỉ được tiêm vaccine không có tác dụng.

Netea nói phải mất khoảng 2 tháng mới có thể đánh giá được sự khác biệt và cũng cần đánh giá tác dụng của vaccine BCG với những người trên 60 tuổi. Các thử nghiệm tương tự đang diễn ra ở Úc, Đan Mạch, Đức, Anh và Mỹ.

Theo Netea, vaccine BCG làm hệ miễn dịch phản ứng nhạy hơn với các dạng virus có cách tấn công cơ thể người tương tự như vi khuẩn lao. “Có vẻ như vaccine BCG tạo ra gợi ý giúp hệ miễn dịch chống các virus khác xâm nhập sau này”, Netea nói.

Chuyên gia Otazu khẳng định không cần phải đổ xô đi tiêm vaccine BCG. “Nghiên cứu không nhằm khuyến khích mọi người đổ xô đi tiêm vaccine BCG giống như tích trữ giấy vệ sinh”, Otazu nói.

Và vaccine BCG cũng không phải là công cụ duy nhất để đối phó dịch Covid-19. “Không có quốc gia nào hoàn toàn kiểm soát được Covid-19 chỉ nhờ việc người dân được tiêm vaccine BCG”, Otazu nhấn mạnh.

Giãn cách xã hội, xét nghiệm đại trà và cách ly từ sớm các ca nhiễm mới là các biện pháp chính giúp kiểm soát sự lây lan của virus.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem